Ngày 11/10, Sở Y tế TPHCM đã thông tin về việc nhiều học sinh tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bữa trưa bán trú tại trường.
|
Những học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm. (Ảnh: BVCC) |
Trước đó, ngày 10/10, Trường THPT Lê Quý Đôn đã ghi nhận 6 trường hợp học sinh thuộc 4 lớp khác nhau là: 11A8 (3 ca), 11A1 (1 ca), 11A4 (1 ca) và 12A15 (1 ca) có triệu chứng đau bụng, trong đó 2 trường hợp có biểu hiện nôn ói, sau bữa ăn bán trú tại trường 2-3 tiếng. Trong số 6 học sinh xuất hiện triệu chứng, có 5 học sinh đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn để theo dõi và điều trị, 1 học sinh còn lại nằm tại phòng y tế của trường.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 11h30, tất các học sinh trên đều ăn bữa trưa bán trú tại trường với món bún gạo xào thịt nướng/nem nướng và canh hẹ. Tổng số suất ăn được cung cấp trong ngày 10/10 là 1.393 suất, bao gồm 1.348 suất bún gạo xào, 26 suất ăn chay và 19 suất cháo. Được biết, suất ăn bán trú tại trường do một công ty tại Quận 1 cung cấp. Thức ăn được chế biến sẵn và vận chuyển đến trường bằng xe tải vào khoảng 10h sáng, sau đó được phân phối theo từng khay và phục vụ tại phòng ăn của trường. Dụng cụ ăn uống được thu gom và mang về cơ sở để xử lý. Hiện tại, nhà trường đang phối hợp với các cơ quan y tế tiến hành điều tra nguyên nhân và đánh giá nguy cơ, nhằm đảm bảo an toàn cho các học sinh và giáo viên.
|
Học sinh đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh. |
Ngày 9/10, 40 học viên của Trường Cao đẳng Lào Cai, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai đã nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh, với những triệu chứng rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau đầu. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai Hoàng Quốc Đạt xác nhận thông tin nhiều học sinh, sinh viên của trường đã nhập viện nghi ngộ độc.
Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh Nguyễn Quang Minh: Bệnh nhân vào viện trong tình trạng nôn, đau bụng, tiêu chảy, hiện đang chủ yếu điều trị tại Khoa Nội. Một số bệnh nhân có thêm triệu chứng sốt đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu.
Ngay sau vụ việc xảy ra, Bộ Y tế đã có chỉ đạo nóng ngành y tế địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.
|
7 học sinh Trường năng khiếu Nghệ thuật và thể dục thể thao Vĩnh Long nhập viện sau bữa ăn sáng |
Tại Vĩnh Long, ngày 19/9, nhiều em học sinh của Trường năng khiếu NT-TD-TT tỉnh Vĩnh Long ăn hủ tiếu tại một quán gần trường, 7 học sinh nhập viện điều trị với các biểu hiện nôn ói, tiêu chảy...do ngộ độc thực phẩm.
Sau khi xảy ra sự việc các cơ quan chức năng đã đến lập biên bản sự việc và tiến hành xác minh, xử lý vụ nghi ngộ độc thực phẩm này.
|
Trường PTDT Nội trú THCS&THPT huyện Xín Mần. Ảnh giaoducthoidai.vn |
Trước đó, khoảng 19h30 ngày 15/9, Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) Nội trú THCS&THPT huyện Xín Mần (Hà Giang) tổ chức cho tập thể khối THCS gồm 300 học sinh liên hoan Trung thu. Thực đơn bữa Trung thu của các em tại Trường PTDT Nội trú THCS&THPT huyện Xín Mần gồm nước trà chanh, quất, táo, lê, dưa hấu và dứa; bánh Trung thu; kẹo; sữa. Sau khi ăn 15 phút, nhiều em có triệu chứng buồn nôn, đau đầu và đau bụng. Đến 22h45 cùng ngày, các em được thầy, cô giáo đưa vào bệnh viện khám, được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm và truyền dịch, gây nôn, điều trị triệu chứng buồn nôn, lo lắng và chỉ định làm các xét nghiệm. Tổng cộng, có tất cả 55 em phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Xín Mần.
|
19 học sinh Trường THPT Chi Lăng nhập viện sau khi ăn tại trường. Nguồn NLĐ |
Vào ngày 15/6, Trường THPT Chi Lăng (Gia Lai) tổ chức ăn tập thể tại bếp ăn nhà trường cho gần 400 người (gồm học sinh, cán bộ giáo viên và các lao động tại trường). Các món ăn buổi sáng gồm: bánh canh, xôi, nui. Thực đơn buổi trưa và tối là cơm trắng, sườn heo chiên, thịt gà chiên, canh rau má, canh rau cải ngọt và cải thảo xào. Ngoài ra, một số em học sinh còn ăn thêm các món như trái cây, sữa chua, bánh kẹo…do cha mẹ gửi vào. Sau bữa ăn tại trường, 19 học sinh Trường THPT Chi Lăng (Gia Lai) có biểu hiện đau bụng, nôn ói...
Mới đầu năm học đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học khiến phụ huynh lo lắng. Điều đó cho thấy công tác tuyên truyền và kiểm tra giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học nói riêng và các bếp ăn tập thể nói chung cần được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ ngộ độc cá chép muối ủ chua, độc tố Botulinum là chất kịch độc:
Bình Nguyên