Thông tin mới nhất liên quan vụ việc đối tượng “bảo kê” dự án, đe dọa cán bộ, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, vào 16h ngày 16/3, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức buổi họp báo thông tin vụ việc trên. Buổi họp báo do ông Nguyễn Hữu Thành, phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chủ trì.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của PV về việc UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng có việc cán bộ từ trung ương đến địa phương bảo kê, đe dọa lãnh đạo và cán bộ tỉnh. Cơ sở nào UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định có việc bảo kê? Xin cho biết nội dung việc lãnh đạo tỉnh bị đe dọa?, ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh thông tin: “Công văn 55 UBND-NN.TN xuất phát từ thực trạng khai thác dự án, có dấu hiệu núp dưới việc khai thác cát để làm các việc khác gây nguy cơ mất an toàn đê điều. Chúng tôi khẳng định có việc nhắn tin đe dọa lãnh đạo tỉnh và cán bộ ban ngành của một số sở ngành. Công an tỉnh Bắc Ninh đã vào cuộc, lãnh đạo tỉnh và một số cán cán bộ đã chuyển lại những tin nhắn đe dọa. Ban giám đốc Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo điều tra làm rõ. Chúng tôi đã thành lập ban chuyên án, điều tra làm rõ, và xử lý đối tượng. Về nội dung đe dọa, chúng tôi xin phép chưa cung cấp vì đây là tài liệu điều tra, khi nào có kết quả chúng tôi sẽ cung cấp cụ thể”.
|
Tỉnh Bắc Ninh tổ chức họp báo thông tin vụ việc. |
Thông tin về việc này, ông Trịnh Hữu Hùng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Về việc lãnh đạo tỉnh bị đe dọa, chúng tôi đã có văn bản báo cáo thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc. Công an tỉnh thành lập chuyên án để thực hiện khi nào có kết quả sẽ báo cáo sau”.
Ông Trịnh Hữu Hùng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh thông tin: “Cách đây mấy năm, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập tổ phản ứng nhanh đặc biệt trên địa bàn huyện Quế Võ đã có báo cáo: mỗi ngày trên sông Cầu đoạn qua xã Việt Thống có khoảng 20 đến 25 tàu, tại xã Quế Tân có khoảng 15 tàu, tại xã Phù Lãng có khoảng 20 đến 25 tàu hoạt động cả ngày lẫn đêm. Tại địa bàn giáp danh Bắc Ninh, Bắc Giang, các tàu hoạt động khiến người dân bức xúc vì tàu đậu giữa sông.
Sau khi UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản đề nghị tạm dừng. Bộ GTVT giao Cục đường thuỷ nội địa và Sở GTVT tỉnh kiểm tra làm rõ. Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam đã tiến hành đo 4 điểm khan cạn trên sông Cầu, kết quả đo không được gửi cho tỉnh Bắc Ninh, máy móc đo là của Cục đường thuỷ nội địa. Sau đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Sở GTVT tiến hành đo đạc kiểm tra các điểm cạn trên sông Cầu. Từ ngày 16/2 sở GTVT Bắc Ninh đã tiến hành kiểm tra, đo đạc 3 vị trí được xác định là các đoạn cạn trên sông Cầu. Sở GTVT Bắc Ninh cho biết kết quả đo đạc xác định như sau: - Km7+350 - Km7+575 vó bề rộng lòng sông từ 115m đến 130m và có chiều sâu mực nước từ -7,2m đến -7,70m. - Km8+325 - Km8+450 có bề rộng lòng sông từ 129m đến 157m và có chiều sâu mực nước từ -6,8m đến -10,0m. - Km10+300 - Km10+625 có bề rộng lòng sông từ 210m đến 245m và có chiều sâu mực nước từ -3,3 đến -760m”.
|
Hàng chục phóng viên tham dự buổi họp báo. |
“Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh kết luận theo phân cấp sông Cầu là sông cấp 3, mực nước tối thiểu là 2,8m. Như vậy với chiều sâu mực nước đo được tại các vị trí trên đảm bảo cho các phương tiện giao thông vận tải thuỷ hoạt động bình thường. Sông cấp 3 tàu đi lại từ 300 tấn trở xuống. Tỉnh Bắc Ninh cam kết nếu tàu đi mắc cạn thì tỉnh sẽ chịu kinh phí để đưa tàu ra”, ông Hùng thông tin tiếp.
Tại cuộc họp báo, PV cũng đặt câu hỏi, Bắc Ninh giám sát thực hiện dự án như thế nào và tỉnh đã thu được bao nhiêu tiền từ việc tận thu sản phẩm? trả lời câu hỏi này ông Đàm Đình Định, Phó giám đốc sở Tài nguyên môi trường tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Từ mùa cạn 2014 đến nay công ty trục vớt hạ lưu không được phép tiến hành nạo vét trên địa bàn tỉnh. Dự án này thuộc Cục đường thuỷ nội địa làm chủ đầu tư. Với trách nhiệm địa phương chúng tôi yêu cầu 2 bên thực hiện nghiêm các quy định pháp luật. Do ảnh hưởng của các dự án khác nên từ 2014 chúng tôi không cho thực hiện nạo vét và khai thác cát tận thu trên địa bàn. Chúng tôi khẳng định Bắc Ninh không cấp phép dự án này và dự án không được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên đây là con sông chạy qua địa bàn Bắc Giang và Bắc Ninh, việc nạo vét, khai thác cát trên sông giáp danh 2 tỉnh nên làm sạt lở cả đê điều của Bắc Ninh. Bắc Ninh cũng đã yêu cầu phía chủ đầu tư là Cục đường thuỷ nội địa và đơn vị thi công tiến hành đánh giá kết quả thực hiện dự án nhưng đến nay việc này chưa được làm”.
Trong ngày 16/3/2017, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2420/VPCP-NC gửi Bộ Công an, Bộ GTVT và UBND tỉnh Bắc Ninh truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đề nghị của UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tạm dừng triển khai thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ việc các đối tượng đứng sau "bảo kê", đe dọa cán bộ, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2017.
|
Nhiều lùm xùm liên quan dự án nạo vét trên. |
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2017 về việc thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.
Trước đó, Kiến Thức đã đưa tin, ngày 9/3/2017, UBND tỉnh Bắc Ninh công văn số 55/UBND-NN.TN do Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Hữu Thành ký kính gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT ngày 9/3 về việc đề nghị tiếp tục tạm dừng triển khai thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu, UBND tỉnh Bắc Ninh đã kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ:
“Chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân sự việc, điều tra các cá nhân từ trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo Sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh làm sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng”.
UBND tỉnh Bắc Ninh cũng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GTVT: “Thực hiện việc sơ kết đánh giá việc triển khai thực hiện dự án theo Thông báo kết luận số 357/TB-VPCP ngày 06/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Riêng tỉnh Bắc Ninh đề nghị không cho tiếp tục triển khai thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm các đoạn từ Km1+000-Km30+000 trên sông Cầu”.
Hải Ninh