Rạng sáng 19/10, Công an TP.HCM ập vào kiểm tra quán bar ở quận Tân Phú phát hiện nhiều ma túy và hàng chục người dương tính với chất cấm. Đây là 1 trong 9 quán bar bị cảnh sát đột kích, xử phạt trong một tháng qua.
Tại hội nghị phòng chống tội phạm về ma túy mới đây, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhận định tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, việc đấu tranh phòng chống còn nhiều hạn chế.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM đề nghị các sở ngành, quận huyện nghiên cứu quy định pháp luật để tiến tới lắp đặt camera công vụ giám sát ở quán bar, vũ trường, nhà hàng nhằm tạo hiệu quả trong việc phòng chống tệ nạn ma túy.
"Sẽ làm được"
Nhận xét về tính khả thi của ý tưởng lắp camera trong vũ trường, ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết hiện ông chưa nhận được chỉ đạo chính thức từ TP nhưng nếu có thì "sẽ làm được".
|
Ông Lê Quốc Cường. Ảnh: Sở Thông tin và Truyền thông. |
Theo đề án Xây dựng đô thị thông minh của TP.HCM, đến năm 2025, toàn TP được lắp đặt thêm hơn 10.000 camera giám sát, đặc biệt có hơn 60 camera sở hữu tính năng nhận diện khuôn mặt. Trong đó, TP tính đến tích hợp cả hệ thống camera từ nhà dân cũng như các cửa hàng.
Ông Cường khẳng định trước tình hình an ninh phức tạp, việc sử dụng công nghệ hiện đại là cấp thiết, đặc biệt là camera có tính năng định dạng đối tượng. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn dữ liệu này phải đúng quy định pháp luật, bảo đảm tính riêng tư của công dân và chỉ cơ quan có thẩm quyền mới được sử dụng.
"Tất cả hệ thống của đô thị thông minh được xây dựng song song với cơ chế bảo mật, không thì tội phạm công nghệ đã đánh sập hệ thống lâu rồi", ông Cường giải thích.
Theo ông Cường, trong hệ thống an ninh an toàn, công nghệ phải luôn được nâng cấp, bổ sung, đảm bảo bảo vệ thiết bị đầu cuối nhưng con người mới là yếu tố quyết định. Do đó, tất cả cán bộ thực hiện đề án đều được tập huấn về bảo mật thông tin, mức độ tùy theo cấp lãnh đạo.
“Hệ thống Nhà nước đã có quy định rõ ràng về giám sát cho từng cơ quan, không thể có sự lạm quyền ở đây. Công an làm sai đã có VKS, người dân và báo chí giám sát. Tương tự, các lãnh đạo khác cũng nằm dưới sự giám sát của quyền lực Nhà nước”, ông Cường bày tỏ.
Cảnh sát chỉ ra lợi ích của việc lắp đặt camera
Tại buổi họp báo thông tin về tình hình tội phạm ma túy 9 tháng đầu năm 2019, thượng tá Phùng Văn Đẳng, Phó phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04, Công an TP.HCM) cho biết Phòng PC04 thường xuyên kết hợp với các lực lượng liên ngành kiểm tra quán bar, vũ trường.
Mỗi lần như vậy, cảnh sát đều tìm thấy ma túy. Tuy nhiên, cảnh sát khó xác định chủ nhân của số ma túy này.
“Chủ quán bar, vũ trường không hợp tác, họ không đứng về phía cơ quan điều tra để chứng minh số ma túy đó là của ai. Những người sử dụng thì không thừa nhận hoặc không làm chứng cho việc này nên rất khó khăn trong việc xử lý”, Phó phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy nói.
Chính điều này cho thấy việc gắn camera công vụ tại các vũ trường, quán bar, các điểm khi doanh nhạy cảm là cấp thiết.
“Thứ nhất, camera sẽ phục vụ cho quá trình điều tra. Thứ 2 là mang tính chất răn đe, người dân muốn xài ma túy nhưng nhìn thấy camera cũng phải e ngại”, đại diện PC04 chỉ ra lợi ích của việc lắp đặt camera.
Tuy nhiên, theo đại diện PC04, việc gắn camera phải đúng theo quy định pháp luật.
“Ngành công an đang nghiên cứu các quy định của pháp luật, sau đó sẽ tính toán gắn ở đâu, khu vực nào cho phù hợp”, đại diện Phòng PC04 nói.
Hệ thống camera có thể bị lợi dụng nếu không quản lý tốt
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, cho rằng dữ liệu từ hệ thống camera nếu không được quản lý tốt có thể bị lợi dụng để giám sát bất hợp pháp hay các hành vi bị cấm khác. Việc nhận định một người đã và đang ở đâu là nguồn thông tin béo bở cho tội phạm.
Ví dụ, tội phạm có thể xác định vị trí của ai đó để tổ chức trót lọt các vụ trộm cắp quy mô mà không gặp khó khăn. Điều này đặt sự riêng tư và an toàn của mỗi người dân vào hiểm nguy.
Cũng theo ông Thắng, dữ liệu từ camera được nối về trung tâm điều phối, nơi có hệ thống bảo mật an toàn. Nhưng thay vì lựa chọn nơi mạnh nhất, kẻ xấu sẽ tấn công những mắt xích yếu nhất của hệ thống, là những người và thiết bị có quyền truy cập vào hệ thống này. Do đó, việc bảo mật an ninh, an toàn thông tin là vấn đề cấp thiết.
Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena cho rằng bản thân các vị lãnh đạo được cấp quyền truy cập cần được huấn luyện và thực hành nguyên tắc bảo mật. Bên cạnh đó, thiết bị sử dụng để truy cập cũng phải có hệ thống bảo mật riêng.
"Nếu bảo mật không tốt, các dữ liệu về danh tính bị rò rỉ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền riêng tư, thậm chí là an toàn của người dân", ông Thắng cho hay.
Theo Lê Trai & Thu Hằng/Zing