Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 7/9, trước tình hình bão số 3 với cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng, chống bão.
|
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà theo dõi diễn biến bão số 3 đang đổ bộ vào các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, TP. Hải Phòng - Ảnh: VGP
|
Một số Bộ trưởng, Thứ trưởng được cử xuống các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo, đôn đốc phòng, chống bão; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã huy động lực lượng ứng trực và giúp dân phòng, chống bão.
Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các công điện về theo dõi diễn biến, tổ chức các biện pháp phòng, chống bão, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo phòng, chống bão và khắc phục hậu quả ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão theo đúng tinh thần các công điện của Thủ tướng.
Trước đó, chiều 6/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp thị sát, kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 tại TP Hải Phòng.
Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết thành phố xác định người dân là chủ thể trong phòng, chống bão số 3, vì vậy, đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các thông báo, hướng dẫn của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương. "Đến 19h tối 6/9, thành phố sẽ di dời toàn bộ người dân còn ở các vùng trũng, khu vực xung yếu, nhà cửa không kiên cố, tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thuỷ sản... đến nơi tránh trú an toàn", ông Lê Tiến Châu nói.
|
Hình ảnh bão ảnh hưởng trên huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) |
TP. Hải Phòng đã chuẩn bị kịch bản hiệp đồng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng dân sự, công an, quân đội trong từng tình huống, cấp độ bão đổ bộ; bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực xung yếu.
|
Biển Đồ Sơn bắt đầu có gió mạnh (Ảnh: Nhân dân) |
Sáng 7/9, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số Yagi, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã kiểm tra tại khu vực Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu (Quảng Ninh).
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, địa phương đã thành lập 7 đoàn công tác đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão Yagi trên địa bàn; phân công các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh chủ động xuống cơ sở để chỉ đạo về công tác ứng phó với bão Yagi. Ngoài ra, các địa phương đã phân công các lãnh đạo trực tiếp phụ trách từng địa bàn và thành lập 48 đoàn công tác xuống cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống tại địa phương.
Đến 8h ngày 7/9, toàn tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức di dời 2.053 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng. Các địa phương bố trí đầy đủ nhu yếu phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân trong những ngày bão về, đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng trực để hỗ trợ, di dời người dân đến nơi an toàn khi có nguy cơ. Công tác phòng, chống bão Yagi tại Quảng Ninh đang triển khai ở mức cao nhất.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu kiểm tra công tác phòng, chống bão. |
Tại Hải Dương, sáng 7/9, các khu vực trong tỉnh Hải Dương đang chịu ảnh hưởng của rìa xa cơn bão số 3 gây mưa, gió mạnh cấp 5, giật cấp 6, cấp 7. Từ sáng 7-9/9, khu vực tỉnh Hải Dương có mưa to đến rất to và dông, lượng mưa các nơi phổ biến từ 200-300 mm.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trên cơ sở tỉnh hình cụ thể xây dựng kế hoạch ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão gây ra với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, không để bị động, bất ngờ. Các địa phương, đơn vị tránh tâm lý chủ quan, sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ vào địa bàn. Các lực lượng công an, quân đội hỗ trợ các địa phương ứng phó cơn bão số 3, thực hiện phương châm đảm bảo an toàn tính mạng của người dân là ưu tiên hàng đầu, sau đó mới đến bảo vệ tài sản.
Ghi nhận của PV, sáng 7/9 tại TP Hải Dương, toàn bộ các hộ dân sinh sống tại khu thuyền bè, khu tập thể đã xuống cấp, khu nhà ở nguy hiểm, mất an toàn trong bão như: Khu tập thể B2, B3 Bình Minh, khu tập thể Máy Bơm, khu tập thể Máy Xay... đã được di dời đến nơi an toàn.
|
Hải Dương đã mưa to do ảnh hưởng bão số 3 |
Bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, lúc 8h sáng nay, tâm bão còn cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 80 km. Đảo Bạch Long Vĩ đo được gió mạnh cấp 12, giật cấp 14. Đảo Cô Tô gió mạnh cấp 7, giật cấp 11 và còn tiếp tục mạnh lên.
Tâm bão cách Quảng Ninh-Hải Phòng 120 km, sức gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-14, giật cấp 17. Biển động dữ dội, sóng cao 3-5 m, vùng gần tâm bão đi qua sóng cao 6-8 m.
Vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có sóng cao 2-4 m, vùng gần tâm bão sóng cao 3-5 m. Vùng ven biển Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình) gió cấp 10-12, giật cấp 14. Khu vực sâu trong đất liền có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 đến hết ngày 7/9. Các tỉnh Bắc bộ xuất hiện mưa lớn phổ biến từ 150-350 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm.
Từ chiều 7/9 đến sáng 9/9, khu vực Tây bắc bộ có mưa phổ biến 11-200mm, riêng Lào Cai, Yên Bái,Sơn La 150-200mm, cục bộ có nơi trên 400mm.
Do lượng mưa lớn, trong một thời gian ngắn gây tình trạng ngập lụt diện rộng, nhất là khu vực đô thị, khu dân cư, mỏ than lộ thiên, các công trình hầm lò; nguy cơ rất cao có lũ quét, sạt lở đá ở vùng núi Bắc bộ và Thanh Hoá.
Dự báo đến 19h ngày 7/9, bão số 3 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h và đi vào đất liền phía Đông Bắc Bộ; cường độ cấp 9, giật cấp 12; cấp độ rủi ro thiên tai Cấp 4 ở khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng, Cấp 3 ở khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân ở các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình - những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 3, tuyệt đối không ra ngoài lúc mưa to gió lớn khi hoàn lưu bão ảnh hưởng trực tiếp.
Đối với các tỉnh, thành phố vùng núi, trung du Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa - những nơi đối mặt với nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là nhà ở, các công trình (nhà tạm, nhà cạnh các khai trường, hạ lưu hồ chứa...) và tổ chức di dời ngay người dân và tài sản khi thấy không đảm bảo an toàn; kiên quyết di dời người dân đến nơi đảm bảo an toàn. Sau khi bão qua, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn còn hiện hữu những ngày sau đó nên cần hết sức đề phòng.
Hải Ninh