Lạng Sơn: Quý I-2017 bắt hơn 10 vụ vận chuyển tiền giả

Google News

Nhiều bạn đọc phản ánh, những năm gần đây, tỉnh Lạng Sơn đã trở thành địa bàn nóng bỏng, phức tạp về tội phạm vận chuyển tiền giả vào nội địa tiêu thụ.

Theo số liệu của cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn, từ năm 2010 đến nay, lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ và khởi tố điều tra 149 vụ, với 232 bị can, thu giữ gần 15 tỷ đồng tiền Việt Nam giả; 325.300 USD giả... Đặc biệt, chỉ trong quý I-2017, lực lượng biên phòng và Công an tỉnh đã bắt giữ hơn 10 vụ vận chuyển tiền giả, với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng, hầu hết các tờ tiền giả đều có mệnh giá 200.000 đồng...
Lang Son: Quy I-2017 bat hon 10 vu van chuyen tien gia
 Hai đối tượng buôn tiền giả bị bắt giữ.
Điển hình vào ngày 8-3, tại khu vực cửa khẩu Cốc Nam, Tân Mỹ (Văn Lãng). Lực lượng Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh phát hiện, bắt quả tang hai đối tượng là Bùi Thị Thái (sinh 1993, trú tại Tân Mai, Mai Châu, Hòa Bình) và Nguyễn Thế Thao (sinh 1990, trú tại Thanh Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang); thu giữ 69 triệu đồng tiền Việt Nam loại mệnh giá 200.000 đồng, trong đó có nhiều tờ cùng số sê-ri. Các đối tượng khai nhận, trước đó, cả hai đã điều khiển xe máy đi từ Bắc Ninh lên khu vực biên giới huyện Văn Lãng, cầm đồ chiếc xe máy để mua tiền giả. Do không kiểm tra, cho nên khi về Bắc Ninh mở ra thì bên trong là tiền âm phủ. Sau đó hai đối tượng Thao và Thái đã quay trở lại khu vực biên giới sang Trung Quốc tiếp tục mua 69 triệu đồng tiền giả.
Thượng tá Nông Quang Tám, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tân Thanh (Văn Lãng, Lạng Sơn) cho biết: Nếu một vụ vận chuyển, tiêu thụ tiền giả trót lọt, các đối tượng có thể thu lãi từ 50% đến 70% giá trị số tiền giả, bởi mua ở biên giới chỉ 20 đến 30 nghìn đồng tiền thật thì đổi được 100 nghìn đồng tiền giả... Không chỉ lợi nhuận cao, tiền giả lại gọn nhẹ, dễ cất giấu và dễ vận chuyển hơn các loại hàng hóa khác, cho nên nhiều đối tượng đã tham gia vào buôn bán, vận chuyển thuê tiền giả. Các đối tượng vận chuyển tiền giả từ Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng liều lĩnh. Phương thức thủ đoạn chủ yếu là vận chuyển qua các đường mòn, khu vực hai bên cánh gà cửa khẩu và găm, trộn, vùi trên các xe hàng xuất, nhập qua các cửa khẩu. Bọn tội phạm thường thuê phụ nữ, trẻ em, học sinh, giấu trong người, hành lý thậm chí chúng còn lợi dụng những phụ nữ bụng mang dạ chửa để vận chuyển tiền giả… Một số đối tượng ở các tỉnh liên kết với các đối tượng ở ngoại biên, nhất là những người Việt Nam lấy chồng người Trung Quốc, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin liên lạc, hệ thống đường biên dài, phức tạp để tổ chức, hình thành các đường dây buôn bán, vận chuyển tiền giả. Sau khi thỏa thuận giá cả, chúng sẽ xem hàng, nếu thấy có thể tiêu thụ được, sẽ tìm cách đưa hàng vào nội địa… Những đối tượng buôn tiền giả thường móc nối với các đối tượng là cư dân hai bên biên giới để tiếp cận với đối tượng buôn bán tiền giả phía Trung Quốc. Chúng thường tập trung tại khu vực đường mòn khe Bà Lan, khu Nam Quan, thị trấn Đồng Đăng, đường mòn Thác Nước, khu Kéo Kham và một số đường mòn, lối mở qua biên giới...
Các đường dây mua bán, vận chuyển tiền giả được tổ chức chặt chẽ, qua nhiều tầng nấc, với nhiều tụ điểm. Nguồn “hàng” ở sâu trong nội địa Trung Quốc, khi có người mua mới được vận chuyển ra khu vực sát biên giới, sau đó đưa vào nội địa nước ta. Các đối tượng thường trao đổi, giao dịch, kiểm tra mẫu hàng (tiền giả) tại các chợ Lũng Vài, Lũng Khoang (Trung Quốc).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng cho biết: Tình hình vận chuyển tiền giả vẫn diễn biến phức tạp. Nhưng với quyết tâm đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này, tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ; thường xuyên tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát tại các đường mòn, đường tắt, lập chốt chặn tại khu vực cửa khẩu và trên các tuyến giao thông; mở các đợt cao điểm phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, kiên quyết không để tiền giả lọt vào nội địa. Lực lượng công an, bộ đội biên phòng, hải quan tại các cửa khẩu đã chủ động phối hợp tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện các hành vi vận chuyển, tàng trữ và lưu thông tiền giả. Tổ chức tuyên truyền trong nhân dân về phương thức, thủ đoạn của tội phạm tiền giả, cách nhận biết tiền giả, hậu quả và tác hại của việc mua bán, vận chuyển và lưu hành tiền giả, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, tham gia tố giác tội phạm. Đồng thời, mong muốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục kiến nghị, đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành trung ương về cơ chế, chính sách để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống tiền giả; kịp thời chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh các tỉnh biên giới phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trên địa bàn trong lĩnh vực bảo vệ tiền Việt Nam. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết: Đấu tranh phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam là mục tiêu, yêu cầu cao nhất của toàn ngành ngân hàng, nhằm bảo đảm cho người dân luôn tin tưởng, yên tâm sử dụng đồng tiền Việt Nam, đồng thời loại bỏ tiền giả trong khâu lưu thông.
Theo HÙNG TRÁNG và NGUYỄN THÁI/Nhandan