Cách đây gần 26 năm, vào năm 1991, trong lúc tuần tra biên giới, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh phát hiện khoảng 20 người Chứt sống trong hang động ở trên dãy Trường Sơn thuộc biên giới Việt - Lào.
|
Người Chứt đã biết canh tác lúa nước. |
Để cứu tộc người Chứt, chính quyền và BĐBP đã đưa họ về xây nhà, lập bản Rào Tre, thuộc xã Hương Liên, huyện Hương Khê. Tộc người này được gọi chung là họ Hồ, tới nay đã có 37 hộ gia đình với 138 nhân khẩu.
Giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi lên với Rào Tre. Không khí trong những ngày Tết nguyên đán Xuân Đinh Dậu 2017 ở đây đang còn ảm đạm, nhưng mỗi con người luôn vui vẻ, tay bắt mặt mừng chào đón khách vào thăm bản.
|
Nhà cửa ngày càng khang trang hơn. |
Chia sẻ với Báo CAND, Thiếu tá Nguyễn Quốc Phú, tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng cắm bản Rào Tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng, BĐBP tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Hiện nay, đồng bào người Chứt có 41 hộ với 147 nhân khẩu, kể từ khi đưa bà con về bản Rào Tre sinh sống đã có nhiều chuyển biến mọi mặt về kinh tế và văn hóa. Đặc biệt về kinh tế, năm nay được mùa lúa bội thu toàn diện trong vụ xuân 2016 trên diện tích canh tác là 3,2ha nhiều hơn 1ha so với năm 2001. Lần đầu tiên người dân tộc Chứt mới bắt đầu biết tự sản xuất trồng lúa nước được mùa bội thu, thắng lợi lớn với sản lượng bình quân 2,5 tạ/1ha..”.
“Tuy nhiên, nằm trên địa hình canh tác khó khăn mà sống chủ yếu dựa vào canh tác tác nông nghiệp là chính nên đồng bào người Chứt còn gặp nhiều trở ngại trong khâu công tác sản xuất lúa nước, ngô, khoa, sắn..." - Thiếu tá Nguyễn Quốc Phú cho biết thêm.
|
Đám cưới hạnh phúc của cô gái Hồ Thanh Mai, người con gái dân tộc Chứt, trú tại bản Rào Tre chàng trai Lê Xuân Công ở xã Phúc Đồng. Ảnh dân trí. |
|
Chị Hồ Kiên - Trưởng bản đồng bào Chứt và cán bộ biên phòng Tổ công tác Rào Tre. |
Trong những năm qua, được các tổ chức cá nhân thiện nguyện quan tâm giúp đỡ bà con trong bản cũng đỡ đi được phần nào cứ mỗi khi Tết đến Xuân về. Dù vậy họ vẫn thấp thỏm âu lo trước cái Tết vì sợ nguồn hỗ trợ được ít thì phải bán lúa thóc trong nhà để sắm Tết, như vậy lại thiếu gạo ăn trong những ngày chờ thu hoạch vụ mùa lúa sắp tới.
Nói về cái Tết của bản, chị Hồ Kiên, Trưởng Bản Rào Tre chia sẻ: “Tết nguyên đán cũng vui như những Tết truyền thống, nếu tính ra như vậy mỗi năm ở đây có 3 cái Tết. Đó là Tết “lấp lỗ” diễn ra vào ngày 7-7 (Âm lịch) thể hiện bước vào mùa vụ mới, tiếp đó là Tết Chăm-da-bới diễn ra vào ngày 12-11(ÂL) mục đích là cúng lễ cảm ơn thần núi đã cho một mùa màng bội thu sau khi thu hoạch xong...”
Được biết, trước đây con em bản người Chứt rất ít được đi học vì điều kiện khó khăn. Nhưng qua nhiều lần vận động, hỗ trợ từ lực lượng biên phòng Hà Tĩnh cùng phối hợp với chính quyền địa phương, lớp trẻ trong bản cũng đã được cắp sách vở đến trường học chữ để nâng cao văn hóa đời sống.
Trong đó, có tới 11 em đang học ở trường Phổ thông nội trú, 18 em đang học tiểu học, 15 cháu được cho đi học lớp mầm non trên đọa bàn. Trưởng bản Rào Tre hiện nay là một phụ nữ. Chị Hồ Kiên đã vượt lên hủ tục, đi học văn hóa, được bầu làm Trưởng bản, tham gia Hội đồng nhân dân huyện Hương Khê.
|
Qua nhiều năm công tác vận động xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống, trẻ con trong bản không còn ốm đau còn được đến trường tử tế. |
Tâm sự với chúng tôi, chị Hồ Kiên bày tỏ rằng: “Bản làng đang còn gặp nhiều khó khăn, hủ tục vẫn còn tồn tại nhiều, nhất là tình trạng hôn nhân cận huyết. Hiện tại đượcchính quyền địa phương và bà con trong bản tín nhiệm thì tôi sẽ cố gắng vận động bà con chịu khó làm ăn, xóa bỏ những cái xấu..”
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hiện nay tục hôn nhân cận huyết ngày càng giảm. Nhiều chàng trai, cô gái trong bản đã mạnh dạn ra ngoài tìm người yêu ở tỉnh bạn hoặc ở huyện nhà rồi kết duyên với nhau.
Thiếu tá Nguyễn Quốc Phú cho biết: Nguyên nhân trước đây, tộc người Chứt diễn ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống là vì người bản Chứt đi tìm bạn ở ngoài bản để kết duyên thì bị xua đuổi nên buộc phải lấy người cùng trong bản dẫn đến nguy cơ suy thoái giống nòi do những cuộc hôn nhân cận huyết thống. Để xóa bỏ được hủ tục này, đầu năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có đề án phát triển dân tộc Chứt từ tuyên truyền vận động, tạo điều kiện và khuyến khích thanh niên trong bản kết hôn với người dân tộc khác sẽ được địa phương cấp đất, nhà ở và một khoản hỗ trợ bằng tiền để bước đầu ổn định cuộc sống.
Theo Hoàng Phong/CAND