Trong làn sương bảng lảng những ngày cuối năm, trên đỉnh núi Bù Xén, đôi tay thoăn thoắt của các cô gái dân tộc Thái khéo léo như những nghệ nhân, tất bật quấn hương trầm cho kịp chuyến hàng cuối. Mùi hương trầm lan tỏa, hòa quyện cùng gió núi, tạo nên một không gian ấm áp, xua tan cái lạnh giá nơi miền sơn cước.
|
Gần Tết, các cơ sở sản xuất hương trầm ở thị trấn Tân Lạc bước vào giai đoạn nước rút, chạy đua với thời gian để hoàn thành đơn hàng. |
Nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu đã có hơn 50 năm lịch sử. Ban đầu, chỉ vài gia đình làm để phục vụ nhu cầu trong vùng. Nhưng với bí quyết riêng, hương trầm Quỳ Châu dần tạo dựng được thương hiệu với mùi thơm đặc biệt, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây và nổi tiếng khắp cả nước.
|
Nghề sản xuất hương trầm Quỳ Châu hoạt động quanh năm, song chỉ thực sự nhộn nhịp 4 tháng cuối năm. |
Nguyên liệu chính để làm hương trầm là rễ cây hương bài, có mùi thơm dịu, có nhiều ở vùng núi xứ Nghệ. Sau khi lấy về, người ta đem rửa sạch, phơi khô, rồi nghiền nát thành bột mịn. Ngoài rễ cây hương bài, nguyên liệu làm hương trầm còn có các loại hoa hồi, thảo quả, quế chi, trầm xô, bã mía và một vài vị thảo mộc đặc biệt giữ làm bí quyết riêng.
Chân hương được làm từ cây nứa trong rừng, khi chọn cần phải lấy những cây nứa mới ra lá như đuôi én, không được non quá cũng không được già quá. Sau khi lấy về sẽ ngâm nước khoảng 2 tháng rồi phơi khô và chẻ nhỏ để tạo thành chân hương.
|
Chị Quang Thị Phương Thúy - chủ một cơ sở sản xuất hương trầm ở thị trấn Tân Lạc - cho biết, để kịp cho vụ hương tết, chị đã huy động 15 công nhân thời vụ làm việc gần 2 tháng qua. Đến nay, hơn 80.000 que hương trầm đặt hàng đã được xuất cho các thương lái. |
Từ khi còn là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, chị Lương Nga đã mang hương trầm Quỳ Châu ra Hà Nội kinh doanh, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa quảng bá sản phẩm quê hương. Sau khi tốt nghiệp, chị Nga quyết định trở về quê, mở cơ sở sản xuất hương trầm vào năm 2015. Ban đầu, chị gặp không ít khó khăn: nguồn vốn hạn chế, đơn hàng lớn chưa nhiều. Nhưng với phương châm "chất lượng là hàng đầu", các khâu sản xuất đều được thực hiện tỉ mỉ, từ chọn nguyên liệu, phơi, sấy, xay bột, đến quấn hương và đóng gói.
Nhờ sự nỗ lực không ngừng, sản phẩm của chị Nga ngày càng được tin dùng. Hiện tại, cơ sở của chị tạo việc làm ổn định cho 12 lao động với thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng, giúp cải thiện đáng kể đời sống của người dân địa phương.
|
Cây rễ hương còn có nhiều tên gọi khác như cây hương bài, xương quạt, hương lâu, lâm nữ... là tinh hoa làm nên hương thơm đặc trưng của hương trầm Xứ Nghệ. |
Theo bà Nguyễn Thị Bình, chủ cơ sở hương trầm Bình Minh, nghề làm hương đã có từ năm 1964, do bố mẹ chồng bà khởi nghiệp. Đến nay, nghề truyền thống này không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình bà mà còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Chị Hoa, một thợ quấn hương lâu năm, chia sẻ: "Nhờ công việc quấn hương, mỗi ngày tôi có thể kiếm được 200-300 nghìn đồng, đủ để nuôi các con ăn học và cải thiện cuộc sống gia đình."
|
“Dây chuyền” sản xuất hương thủ công được phân chia mỗi người một việc, từ pha trộn nguyên liệu, quấn hương, đến đóng gói sản phẩm tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp từ ngoài ngõ vào sân. |
Vào dịp gần Tết Nguyên đán, số lượng hương trầm bán ra thị trường tăng gấp 5 - 6 lần. Nhờ phát triển ổn định nghề làm hương truyền thống, mà kinh tế của bà con cũng dần ổn định và đời sống được nâng cao.
Được biết, hiện Quỳ Châu có 3 làng sản xuất hương trầm được công nhận làng có nghề. Sản lượng hàng năm đạt khoảng trên 90 triệu que hương, doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng. Có 220 hộ tham gia sản xuất, tạo việc làm ổn định cho trên 600 lao động của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn.
|
Ngoài hương que truyền thống, hương Quỳ Châu hiện còn có hương trầm nụ và hương trầm thẻ để phục vụ nhu cầu của thị trường. |
Để phát triển nghề hương trầm, huyện Quỳ Châu khuyến khích các hộ sản xuất hương trầm đầu tư thêm máy móc để giảm bớt các công đoạn trong sản xuất, đa dạng mẫu mã sản phẩm. Đồng thời, mở rộng diện tích cây rễ hương nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Thanh Hà