Làn sóng sa thải thách thức sinh viên ngành “hot”

Google News

PGS.TS Phó Đức Tài, Trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, làn sóng sa thải đặt ra thách thức, sinh viên buộc phải nỗ lực nếu muốn có công việc tốt.

Thách thức từ làn sóng sa thải
Tại Ngày Hướng nghiệp tổ chức ngày 22/10 bởi Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Đức, chuyên gia cấp cao tại công ty Trapets Vietnam, Scandinavian Software Park đã chia sẻ với hơn 1.000 sinh viên về những thách thức trước làn sóng sa thải của các công ty trong lĩnh vực công nghệ cũng như cơ hội cần nắm bắt.
Lan song sa thai thach thuc sinh vien nganh “hot”
Sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp trong Ngày Hướng nghiệp. 
Làn sóng sa thải công nghệ, theo ông Đức bắt đầu từ Thung lũng Silicon sau những cuộc “tái cơ cấu” của công ty lớn như Twitter (giờ là X), rồi lan tới nhiều nơi như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và bắt đầu ảnh hưởng tới Việt Nam.
Nguyên nhân sâu xa, theo ông Đức, là do các công ty lớn đã tuyển dụng ồ ạt sau Covid-19 cùng nỗi sợ FOMO - sợ bỏ lỡ cơ hội, bị bỏ lại trong cơn bão Covid. Điều đó, khiến mức lương cho nhân sự cũng tăng đột biến và ngành công nghệ trở thành “hot”, được nhiều sinh viên năm cuối lựa chọn.
Số liệu từ Google và Chat GPT cho thấy, từ cuối năm 2022 đến nay, có khoảng 380.000 vụ sa thải, chiếm xấp xỉ 1,9% trong khoảng 20 triệu nhân sự công nghệ toàn cầu.
Ông Đức đánh giá, tình hình tuyển dụng nhân sự công nghệ ở Việt Nam hiện nay là “khá xám xịt”. Lý do là vì, các doanh nghiệp ở Việt Nam chủ yếu gia công phần mềm. Nếu làm về sản phẩm, khi thị trường đi xuống sẽ vẫn có doanh thu, chỉ là bị “bóp” lại. Nhưng với những công ty gia công, khi doanh nghiệp nước ngoài không thuê nữa, không còn việc thì đồng nghĩa với không có việc làm, buộc phải cắt giảm.
Nhiều công ty cắt giảm từ 100 người xuống còn 10 người, thậm chí đóng cửa. “Điều này đặt ra thách thức rất lớn với sinh viên nhóm ngành Công nghệ thông tin trong ít nhất 1-2 năm tới”, ông Đức nói.
Cụ thể, theo ông Đức, sinh viên sẽ phải cạnh tranh với lực lượng bị sa thải đã có kinh nghiệm. Cùng với đó, xu hướng làm việc từ xa không còn, giá làm tự do) giảm, các công ty đứng trước áp lực thắt chặt chi tiêu, số lượng start-up sụt giảm và các công ty nhỏ đóng cửa hoặc ở chế độ duy trì.
Tuy nhiên, ông Đức cũng nhìn nhận, những thách thức này có tính “giai đoạn”. Và có một thực tế, cùng với làn sóng sa thải thì những công ty vẫn không thể tìm được người giỏi. Những nhà tuyển dụng vẫn không tìm người thực sự có tài, có trình độ,
Chính vì vậy, ông Đức cho rằng, khi nỗ lực, sinh viên vẫn có thể có nhiều cơ hội việc làm tốt trong bối cảnh khó khăn này.
Theo đó, sinh viên cần trang bị ba lợi thế gồm tư chất tốt, trường tốt và người hướng dẫn tốt. Sinh viên cũng cần biết ít nhất ba ngôn ngữ lập trình phổ biến ở Việt Nam gồm java script, C#, Java; cùng ba ngành phát triển rất tốt là Enterprise Application (ứng dụng cho doanh nghiệp), Game và AI. Sinh viên cũng cần trang bị ba kỹ năng là làm việc nhóm, nghiên cứu, đọc mã; và thành thạo ba công cụ Git, Jira và Email.
“Các bạn cần nhiều nỗ lực để có công việc tốt. Các công ty vẫn rất cần nhân lực thực sự tài năng và sẵn sàng chi hầu bao để tuyển dụng”, ông Đức nói.
Sinh viên ngành “hot” không thể chủ quan
PGS.TS Phó Đức Tài, Trưởng Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, làn sóng sa thải sẽ đặt ra những thách thức rất lớn với sinh viên mới ra trường.
Cùng với đó, là những thách thức từ trí tuệ nhân tạo. Có nhiều mảng trong công nghệ thông tin bị thay thế bởi máy móc. Ông Tài lấy ví dụ, những họa sĩ vẽ phim hoạt hình trước đây có khi mất cả tháng trời mới hoàn thành sản phẩm, nhưng ngày nay, AI có thể thay thế hoàn toàn trong một vài ngày và thậm chí còn làm xuất sắc hơn cả con người.
Đối với Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, những năm qua, có tới 95% sinh viên nhóm ngành công nghệ thông tin ra trường có việc làm và nhiều sinh viên đi làm ngay khi đang học năm thứ 2. Tuy nhiên, năm nay đã “chững” lại và có thể khó khăn tiếp ở năm sau.
Nhìn nhận tình hình này có thể không kéo quá dài, tuy nhiên, ông Tài cho rằng, các sinh viên công nghệ thông tin không thể chủ quan. Thực tế, một số sinh viên nghĩ ngành này khá “hot” nên năm thứ 2 đã chểnh mảng việc học hành, tự tin ra trường đã có thể đi làm ngay, thì giờ tình hình đã đổi khác, các em phải thay đổi.
“Cơ hội việc làm không không dễ dàng như trước buộc các em phải học hành chỉn chu, nghiêm túc mới có thể có được công việc tốt sau khi ra trường”, ông Tài nói.
Ông Trần Lương, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Giải pháp phần mềm Tài chính (FSS) cho rằng, các sinh viên cần phải cẩn thận, chỉn chu hơn trong hoàn thiện sản phẩm. Bởi thông thường, các trường đại học, các thầy cô sẽ chấm nhiều hơn về ý tưởng, nhưng khi làm một sản phẩm thương mại, từ ý tưởng đến một sản phẩm hoàn chỉnh, được người tiêu dùng chấp nhận là một khoảng cách khá xa.
Cùng với đó là kỹ năng mềm để làm việc phối hợp tốt với đồng nghiệp trong công ty, với khách hàng mà ở trường đại học có thể sinh viên chưa quá chú trọng tới điều này.
Việc tổ chức ngày hướng nghiệp cũng là dịp để nhà trường lắng nghe các chia sẻ từ doanh nghiệp, từ đó có những định hướng tốt hơn trong đào tạo, giúp các em công việc tốt hơn", ông Tài nói.
Ngày Hướng nghiệp là sự kiện thường niên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Theo PGS.TS Phó Đức Tài, việc tổ chức ngày hướng nghiệp là dịp để nhà trường lắng nghe các chia sẻ từ doanh nghiệp, từ đó nhà trường có những định hướng, điều chỉnh đào tạo để sinh viên ra trường có công việc tốt hơn.
>>> Mời quý độc giả xem video PGS.TS Phó Đức Tài, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ về cơ hội, thách thức với sinh viên ngành công nghệ thông tin:
(Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện)

Mai Loan