Trước thềm năm học mới 2023-2024, Bộ GD&ĐT cũng như các Sở GD&ĐT cả nước chỉ đạo quyết liệt không được để xảy ra lạm thu. Khoa học và Đời sống trao đổi với PGS.TS Lâm Bá Nam - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) về vấn đề này.
|
Ảnh minh họa
|
Ma trận các khoản phí
Trước thềm năm học mới 2023-2024, dư luận băn khoăn về nạn lạm thu khi phải đóng quá nhiều khoản phí và quỹ, ông đánh giá thế nào về thực trạng này?
PGS.TS Lâm Bá Nam: Đúng là các khoản học phí, lệ phí, phí chính thức và phi chính thức trong trường học phổ thông trở thành mối quan tâm chung của gia đình và xã hội.
Học phí hiện nay ở mức vừa phải so với thu nhập và mức sống của người dân, nên chưa là vấn đề chính trong nguồn đóng góp của phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, các khoản ngoài học phí như quỹ trường, lớp, hội cha mẹ học sinh, thậm chí không ít khoản phí nghe rất vô lý, khiến phụ huynh phàn nàn.
Nhiều khoản thu được đưa ra gây bức xúc như quỹ cơ sở vật chất, lắp điều hòa, máy chiếu, rèm cửa, sơn tường, trang trí lớp, sửa bàn ghế, làm lán ngoài trời, xây sân bóng nhân tạo… Việc bắt học sinh mua đồng phục, sách giáo khoa, đồ dùng học tập do nhà trường cung cấp cũng tồn tại nhiều bất cập. Phụ huynh hoàn toàn có thể tự mua, trường chỉ cần cấp danh mục. Phần lớn nhà trường đều bán sách giáo khoa, đồng phục do có chiết khấu cao.
|
PGS.TS Lâm Bá Nam
|
Quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh thường là nguồn cơn gây phản ứng, đâu là nguyên nhân?
PGS.TS Lâm Bá Nam: Nếu các khoản thu minh bạch, có mục đích hợp lý để phục vụ học tập, giảng dạy, sinh hoạt của học sinh, cha mẹ sẵn sàng đóng góp. Tuy nhiên, một số trường lại có những khoản đóng góp mà phụ huynh không thể hình dung được, từ sửa chữa phòng học, mua sắm điều hòa… đến chúc mừng thầy, cô ngày lễ, tết, thưởng học sinh khá giỏi...
Đầu năm học mới, với nhiều gia đình đông con, việc thu ồ ạt từ học phí đến đủ thứ quỹ sẽ trở thành gánh nặng với họ, dẫn đến bức xúc, phản ứng.
Việc lạm thu quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh dẫn đến bị phản ứng, khiến nhiều người từng yêu cầu giải tán Hội này. Tôi cho rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh cần có ở trường học, tự nguyện chăm lo cho các em, tạo mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình.
Dù phản ứng, do tâm lý sợ con cái bị trù úm, nhiều người bất đắc dĩ phải bỏ quyền "từ chối đóng góp" những khoản "tự nguyện"?
PGS.TS Lâm Bá Nam: Các khoản thu dưới danh nghĩa xã hội hóa thường được lưu ý “không bắt buộc, tùy tâm”, nhưng lại gợi ý mức tối thiểu. Tuy nhiên, do tâm lý lo sợ con mình thiệt thòi, không được đối xử công bằng nếu phản ứng, đa số phụ huynh chấp nhận những khoản nộp vô lý.
Nếu chỉ giao cho phụ huynh giám sát là chưa đủ. Việc lập các tổ giám sát những khoản thu cần phải có sự kết hợp giữa Ban đại diện cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, đại diện nhà trường.
“Cần có quy định cụ thể kèm cơ chế giám sát, chế tài xử lý rõ ràng mới giải quyết được vấn nạn lạm thu trường học”, PGS.TS Lâm Bá Nam.
Đừng để lạm thu thành chuyện “nói mãi, vẫn thế”
Vai trò, trách nhiệm của nhà trường trong việc thu các quỹ?
PGS.TS Trần Thành Nam: Các trường thường dựa trên tinh thần tự nguyện để thu một số khoản xã hội hóa, nhằm đảm bảo quy định pháp lý. Việc không minh bạch khoản thu vận động xã hội hóa, không thực sự phục vụ cho học sinh sẽ gây ra tranh luận, từ đó ảnh hưởng "thương hiệu" của nhà trường, cũng như công tác điều hành.
Tôi cho rằng, nhà trường cần phải làm đúng quy định về những khoản được thu, đồng thời Ban đại diện cha mẹ học sinh thu chi thực chất, mang lại lợi ích cho học trò. Đầu năm học, mỗi gia đình phải đóng nhiều khoản, vì vậy nhà trường cũng cần tính đến thời điểm thu cho hợp lý.
Nhà trường không nên tạo cho phụ huynh cảm giác con họ học trường công lập, được Nhà nước hỗ trợ mà phải đóng góp nhiều khoản. Hãy để cha mẹ có tâm lý thoải mái và tự nguyện khi đóng góp, khi đó sẽ không còn ý kiến phản ánh. Nếu không, họ không tin việc đóng tiền là đầu tư cho con mình. Chưa xóa được tâm lý này, câu chuyện lạm thu và nỗi lo trên của phụ huynh năm nào cũng tái diễn.
|
PGS.TS Trần Thành Nam |
“Việc thu, chi phải thể hiện sự minh bạch, đúng quy định, vì người học. Từ đó, không có những lùm xùm đến hẹn lại lên", PGS.TS Trần Thành Nam
Ngành giáo dục đã quy định rõ các khoản được thu, không được thu đầu năm học. Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, chính quyền các địa phương đều chỉ đạo không để tình trạng lạm thu xảy ra, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp, nhưng vấn đề này chưa được giải quyết triệt để?
PGS.TS Lâm Bá Nam: Thực tế cho thấy, các chỉ đạo bằng văn bản thiếu những chế tài, thể chế cụ thể cho việc vận hành, nên cần có quy định cụ thể kèm cơ chế giám sát rõ ràng.
Ngành giáo dục, nhà trường cùng chính quyền địa phương, khi bước vào năm học mới, cần nêu cao trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm của chính quyền cơ sở đối với sự nghiệp giáo dục. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm về những khoản thu trong trường, kể cả đóng góp của Ban đại diện cha mẹ học sinh; do vậy không thể để xảy ra tình trạng lạm thu thông qua hoạt động giáo dục.
Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!
Từ năm 2011, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 55 quy định Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học những khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Thông tư cũng quy định Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói về học phí
Hải Ninh thực hiện