Lái xe khách chống đối, tông tử vong cảnh sát cơ động: Phạm tội giết người?

Google News

(Kiến Thức) - Với hành vi chống đối, lái xe đâm tử vong một chiến sĩ Cảnh sát cơ động tại Bắc Giang, đối tượng sẽ bị bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự năm 2015.

Lái xe khách chống đối, tông tử vong cảnh sát cơ động
Thông tin mới nhất liên quan vụ việc xe khách chống đối, đâm tử vong một chiến sĩ Cảnh sát cơ động tại Bắc Giang, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, đơn vị đã bắt được 2 đối tượng liên quan vụ việc gồm Trần Văn Dũng (SN 1989, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội- là lái xe) và Dương Đức Tuyển (SN 1998), trú tại tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên) là chủ xe cùng phương tiện xe ô tô khách BKS 29B – 501.64. 
Lai xe khach chong doi, tong tu vong canh sat co dong: Pham toi giet nguoi?
 Xe khách chống đối đâm tử vong cảnh sát cơ động đang làm nhiệm vụ.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, với hành vi lái xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, lao vào tổ công tác khiến chiến sĩ cảnh sát cơ động là hành vi rất nghiêm trọng. Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, làm rõ hành vi để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Trường hợp có căn cứ cho thấy người lái xe cố tình không chấp hành hiệu lệnh, lao thẳng xe vào phía người thi hành công vụ, nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho người thi hành công vụ nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì đây là hành vi giết người.
“Đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự năm 2015 với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như sử dụng phương tiện nguy hiểm, có tính chất côn đồ, với người thi hành công vụ” - luật sư Cường cho hay.
Với hành vi này, đối tượng có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất, mức hình phạt có thể là tù chung thân hoặc tử hình.
Vì sao gia tăng chống người thi hành công vụ?
Luật sư Cường cho rằng, trong các hành vi vi phạm giao thông, hành vi chống người thi hành công vụ cần phải xử lý nghiêm minh bởi hành vi này liền một lúc xâm hại đến nhiều khách thể được pháp luật bảo vệ như trật tự, an toàn xã hội, trật tự quản lý hành chính, tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ.
Thời gian qua, tình trạng chống người thi hành công vụ xảy ra trong lĩnh vực giao thông ngày càng nhiều và có diễn biến phức tạp, vấn đề này tồn tại bởi nhiều nguyên nhân.
Cụ thể, mức xử phạt hành chính tăng cao dẫn đến việc một số đối tượng quý tiền hơn tính mạng sức khỏe, vì sợ mất tiền, sợ bị giữ giấy phép lái xe mà bất chấp pháp luật, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng;
Những đối tượng vi phạm giao thông thường là những đối tượng thiếu hiểu biết hoặc coi thường pháp luật. Việc xử lý vi phạm giao thông thường xảy ra đối với các đối tượng côn đồ, manh động, say rượu bia nên coi thường pháp luật và coi thường lực lượng chức năng, sẵn sàng chống trả khi bị xử lý.
Văn hóa, ý thức của một bộ phận người dân, trong đó chủ yếu là thanh thiếu niên trong tham gia giao thông chưa cao, nhận thức pháp luật hạn chế nên dễ dàng thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ mà không hiểu rõ hậu quả pháp lý có thể phải gánh chịu.
Một số trường hợp người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ chưa đúng tác phong, chưa nghiêm túc khiến người tham gia giao thông không phục, không tôn trọng, không chấp hành và dẫn đến hành vi chống người thi hành công vụ. Phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ nếu việc dừng xe, bắt giữ không đúng điều lệnh, không có kỹ năng tốt thì có thể gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ và việc xô xát, xung đột giữa hai bên có thể xảy ra...
Theo luật sư Cường, hành vi chống người thi hành trong công vụ trên thực tế thể hiện rất đa dạng với mục đích cản trở thi hành công vụ, tấn công gây thương tích, thậm chí gây thiệt mạng cho người thi hành công vụ hoặc ép buộc người thi hành công vụ thực hiện công vụ theo yêu cầu của mình.
Đó là những hành vi nguy hiểm, thể hiện ý thức coi thường pháp luật, xâm hại xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính, có thể đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của pháp luật. Bởi vậy, việc ngăn chặn, xử lý những trường hợp chống người thi hành công vụ là rất cần thiết và cần phải áp dụng những chế tài nghiêm minh.
Theo quy định của pháp luật, tùy thuộc vào hành vi vi phạm, hậu quả xảy ra mà hành vi chống người thi hành công vụ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu hành vi chống người thi hành công vụ dẫn đến việc người thi hành công vụ thiệt mạng, đối tượng chống người thi hành công vụ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến hai mươi lăm, tù chung thân hoặc tử hình.
Lai xe khach chong doi, tong tu vong canh sat co dong: Pham toi giet nguoi?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Đối với trường hợp chống người thi hành công vụ mà gây ra thương tích cho nạn nhân thì tùy vào tỷ lệ thương tích, đối tượng vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 bộ luật hình sự năm 2015. Mức hình phạt cụ thể có thể đến 20 năm tù, tùy thuộc vào tính chất mức độ hành vi phạm tội, tùy thuộc vào nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ tuy chưa gây tổn hại sức khoẻ cho người thi hành công vụ nhưng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, cản trở hoạt động công vụ, gây bức xúc trong dư luận thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ, tội danh và hình phạt được quy định tại điều 330 BLHS.
Giảm thiểu chống người thi hành công vụ thế nào?
Luật sư Cường cho rằng, để giảm thiểu tình trạng vi phạm giao thông, chống người thi hành công vụ cần phải nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông, xây dựng văn hóa giao thông lành mạnh, văn minh để việc chấp hành luật lệ giao thông của người dân trở thành một nét văn hóa thường trực. Những hành vi vi phạm giao thông là những hành vi lệch chuẩn phải bị xã hội cười chê, lên án và bị áp dụng những chế tài nghiêm minh của pháp luật.
Bên cạnh đó, cần phải làm tốt công tác đào tạo cấp giấy phép lái xe trong đó tăng cường các buổi học, tiết học, nội dung thi về giáo dục văn hóa, đạo đức của người lái xe, đặc biệt là những người lái xe chuyên nghiệp;
Siết chặt công tác tuyển dụng, quản lý, đánh giá chất lượng phân loại về kỹ năng nghiệp vụ và về đạo đức của những người lái xe trong các đơn vị kinh doanh vận tải, với những người không đủ năng lực, không đủ kỹ năng, đạo đức thấp kém thì cần phải loại bỏ;
Tăng cường công tác kiểm soát cũng như áp dụng chế tài đối với các đơn vị phải trung tâm sát hạch lái xe cũng như các đơn vị kinh doanh vận tải nếu để xảy ra trường hợp cấp giấy phép lái xe không đúng quy định, không đảm bảo chất lượng hoặc người lái xe trong doanh nghiệp vận tải có vi phạm pháp luật trong đó đặc biệt là hành vi chống người thi hành công vụ;
Cần trang bị phương tiện kĩ thuật, huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ cho lực lượng thi hành công vụ để tránh trường hợp thực hiện những hành vi công vụ có tính chất nguy hiểm trên đường giao thông, chấm dứt tình trạng người thi hành công vụ đứng ở góc khuất, đường cong... rồi đột ngột lao ra đường bắt giữ phương tiện vi phạm giao thông sẽ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và chính người thi hành công vụ, gây bức xúc cho người tham gia giao thông dẫn đến va chạm, xung đột;
Phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ với lỗi cô ý, đặc biệt là hành vi chống người thi hành công vụ đồng thời tuyên truyền phổ biến về hành vi và các chế tài để người dân nắm được, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật.
>>> Mời độc giả xem video Tài xế điều khiển xe tông chết cảnh sát cơ động rồi bỏ chết trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.


Hải Ninh