Kiệt tác văn học chào thua “Lạc trôi”?
Đoạn trích “Lạc trôi” trong đề thi Ngữ văn của Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc như sau: “Người theo hương hoa mây mù giăng lối/Làn sương khói phôi phai đưa bước chân ai xa rồi/Đơn côi mình ta vấn vương hồi ức trong men say chiều mưa buồn/Ngăn giọt lệ ngừng khiến khóe mi sầu bi/Đường xưa nơi cố nhân từ giã biệt li, cánh hoa rụng rời/Phận duyên mong manh rẽ lối trong mơ ngày tương phùng/Tiếng khóc cuốn theo làn gió bay/Thuyền ai qua sông lỡ quên vớt ánh trăng tàn nơi này/Trống vắng bóng ai dần hao gầy/Lòng ta xin nguyện khắc ghi trong tim tình nồng mê say/Mặc cho tóc mây vương lên đôi môi cay/Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời/Ta lạc trôi giữa trời…”. Các thầy cô yêu cầu học trò tìm từ Hán- Việt, tìm thông điệp của đoạn trích…
Khi báo chí đụng đến, người có trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc cho biết: Đề thi do giáo viên Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc đưa ra để khảo sát chất lượng THPT lần thứ 3 trong năm học. Vị này cũng cho biết: Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc chưa có động thái “phê bình, nhắc nhở trường”, họ đang trong trạng thái nghe ngóng dư luận (và nhấn mạnh “cũng có hai luồng dư luận khác nhau chứ không chỉ một chiều”).
Để tìm từ Hán - Việt, thông điệp từ những đoạn thơ sử dụng nhiều từ cổ đâu phải nhờ đến “Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP? Chẳng lẽ các thầy cô giáo dạy Ngữ văn của ngôi trường chuyên ấy đã quên mất kho tàng văn học trung đại giàu có của chúng ta? Các tác phẩm văn học cổ, từ truyện Kiều của Nguyễn Du, tới Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, Cung Oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều… thừa những trích đoạn để giáo viên- học sinh chơi trò tìm từ Hán - Việt, đọc hiểu nội dung… cớ gì phải tới “Lạc trôi” để tìm “cố nhân” với “tương phùng”? Đưa trích đoạn “Lạc trôi” vào đề thi Ngữ văn được ích lợi gì? Chắc hẳn các thầy cô cũng khó có câu trả lời thuyết phục, trừ ưu điểm gây phấn khích cho học trò. Cứ đà này các “hit” trong nhạc Việt sẽ sớm có cơ hội bước chân vào sách vở. Điều này đáng mừng hơn đáng lo, chất lượng văn học trong phần lời ca khúc trẻ hiện nay khá yếu kém. Các giáo viên ngoài việc trau dồi chuyên môn giờ còn mất công theo chân “sô-bít”.
“Lạc trôi” trong bồn nước sân trường
Ngày 14/2, trong khi các bạn trẻ khắp nơi nô nức với ngày tình yêu thì ngay tại sân trường ĐH Văn hóa (Hà Nội) ở khu vực tiểu cảnh đã diễn ra hoạt động chưa từng thấy: Một chàng cởi trần, hai nàng trong trang phục cổ trang mát mẻ ngồi trong bồn nước rắc đầy cánh hoa, múa theo điệu “lạc trôi”, đám đông hò reo vui vẻ, người quay phim, người chụp ảnh.
Sau đó trích đoạn clip này nhanh chóng được nhiều bạn trẻ chia sẻ trên trang cá nhân của mình. Khi phóng viên hỏi PGS.TS Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa: “Thầy nghĩ gì khi các bạn trẻ trong trường diễn cảnh “lạc trôi” ngay trong bồn tắm giữa sân trường?”. Ông Cương đã “chỉnh”: “Không phải bồn tắm, đó là bồn nước nằm trong khu tiểu cảnh của chúng tôi, khu vực tiểu cảnh được thiết kế hình chiếc đàn, bạn đã vào chưa? Các bạn sinh viên đã sử dụng nó như một đạo cụ”.
Bản thân ông Nguyễn Văn Cương, tuy không phải một fan của Sơn Tùng M-TP nhưng là một người thường xuyên cập nhật tin tức, sự kiện của nhân vật “hot” nhất làng giải trí hiện nay: “Sơn Tùng M-TP là hiện tượng đặc biệt, hiếm có đấy. Sức hút của cậu này là tổng hòa của nhiều yếu tố. Hiện nay, đó là hiện tượng không chỉ ở châu Á mà còn là hiện tượng thế giới, mỗi MV của cậu ra đời, kéo theo nhiều triệu lượt truy cập, MV mới nhất “Nơi này có anh” đứng đầu bảng xếp hạng về lượt truy cập…”.
Nhưng khi phóng viên nhờ PGS.TS Nguyễn Văn Cương đánh giá về chất lượng nghệ thuật từ các MV gây bão của Sơn Tùng M-TP, cụ thể là “Lạc trôi” thì ông lại chẳng tìm ra: “Lạc trôi” đứng về nghệ thuật âm nhạc không có gì mới cả”. Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa cho rằng, không nên nhìn nhận hiện tượng diễn “lạc trôi” trong bồn nước ở sân trường một cách nặng nề: “Tôi nhiều việc quá nên không để ý, chưa được xem cảnh đó. Nhưng chắc các em nghịch gì đó thôi, không nên nâng lên thành quan điểm. Tôi thấy đó là sinh hoạt giải trí vui vẻ ngoài giờ học, không ảnh hưởng gì”.
Ông cũng nhấn mạnh, trong trường có Khoa Nghệ thuật Đại chúng nên nếu các bạn sinh viên diễn “lạc trôi” trong khuôn khổ bài học thì có thể chấp nhận được. Hiệu trưởng trường ĐH Văn hóa khuyên phóng viên: “Đây là hiện tượng nên tiếp tục theo dõi, đừng định giá hồ đồ. Rõ ràng có hiện tượng đạo nhạc, thanh âm điệu thức chẳng có gì mới. Tuy nhiên giới trẻ chấp hết, để yêu Sơn Tùng. Rất đặc biệt đó. Những bạn sinh viên ĐH Văn hóa bị ảnh hưởng trào lưu “lạc trôi” cũng là bình thường”. Ông Cương bênh học trò của mình, bằng cách đưa ra liên hệ: “Ông Phó tổng giám đốc Viettel còn hát các bài của Sơn Tùng cơ mà?”.
Trao đổi với chị Phạm Thanh Hà, giảng viên Khoa Nghệ thuật Đại chúng, Trường ĐH Văn hóa, được biết, cảnh “lạc trôi” giữa sân trường nhằm phục vụ để làm trailer cho chương trình nghệ thuật tập hợp các bản “hit” nhạc dance trên thị trường âm nhạc Việt hiện nay của khoa: “Chúng tôi có nói với sinh viên, ai có ý tưởng gì thu hút mọi người khi xem trailer thì cứ làm, sinh viên mỗi người nghĩ một kiểu. “Lạc trôi” sẽ được nhiều bạn sáng tạo, quay theo một ý tưởng khác nhau”. Giảng viên Phạm Thanh Hà tiết lộ, sang tuần mới sinh viên của họ tiếp tục diễn cảnh “lạc trôi” mới và mời phóng viên đến xem. Lí do Khoa Nghệ thuật Đại chúng hào hứng với “Lạc trôi”: “Bài đó còn được vào đề thi cơ mà, nó phải như nào mới được đưa vào chương trình thi cử chứ?”.
Trong khi người quản lí và giảng viên của trường thấy việc hùa theo “lạc trôi” không có vấn đề gì thì một số bạn trẻ khi xem clip này đã phản ứng ngay trên mạng xã hội: “Phản cảm quá. Mất hết hình tượng của trường”. Một số bạn khác cũng bày tỏ ý kiến không đồng tình: “Trông bệnh bệnh”, “Kinh dị lắm”, “Khủng khiếp thật”…
Trao đổi trực tiếp với một bạn sinh viên (muốn giấu tên), Trường Đại học Văn hóa, xung quanh màn diễn “lạc trôi” giữa sân trường, bạn bày tỏ thái độ: “Tôi thấy bình thường”. Bởi: “Trường tôi là trường nghệ thuật”. Phóng viên hỏi tiếp: “Bạn thấy cảnh đó có nghệ thuật không?”. Sinh viên giấu tên đáp: “Tôi thấy hình ảnh đó không nghệ thuật nhưng tôi nghĩ đó là những sáng tạo của tuổi trẻ”. Tuy nhiên bạn trẻ cho biết, nếu được mời tham gia diễn “lạc trôi” trong bồn nước giữa sân trường, bạn sẽ từ chối vì “tôi không thuộc về nghệ thuật, không phải sinh viên khoa Nghệ thuật Đại chúng”.
Khi phóng viên băn khoăn: “Bạn quan niệm thế nào là nghệ thuật?” thì bạn trẻ đã đưa ra định nghĩa mới: “Nghệ thuật là người ta dám làm những cái người khác không thể làm”. “Màn biểu diễn này mang lại cho người xem điều gì?”, phóng viên hỏi tiếp. Bạn trẻ đáp: “Chắc là mang lại sự hài hước và hiếu kỳ cho mọi người. Tại gì cái gì lạ là thích”. Tác dụng của nghệ thuật chẳng lẽ chỉ là sự cung cấp “lạ” để “thích” thôi sao?!
Theo Nông Hồng Diệu/Tiền Phong