Từ những sai phạm các dự án của Tập đoàn Lã Vọng...
Mới đây, TTCP đã ban hành kết luận thanh tra toàn diện 9 dự án do Công ty Lã Vọng và các đơn vị thành viên đầu tư tại Hà Nội cho thấy, DN này được ưu ái đặc biệt khi được Hà Nội khi các dự án đều có chung một công thức: chỉ định đầu tư dự án BT - đổi đất lấy hạ tầng - qua đó dần sở hữu các khu đất ở đô thị và các khu đô thị có giá trị hàng ngàn tỷ đồng tại Hà Nội.
Đáng chú ý, có 5 dự án do Công ty Lã Vọng và các đơn vị thành viên thực hiện làm chủ đầu tư; 4 dự án khác thực hiện hợp tác đầu tư và thuê mặt bằng kinh doanh. Hầu hết các dự án được thanh tra đều phát hiện có vi phạm, với nhiều mức độ như giao đất không qua đấu giá; xác định lãi suất để đối trừ tiền sử dụng đất khi chưa có khối lượng hợp đồng BT...
TTCP nêu rõ, quá trình TP Hà Nội giao 5 khu đất vàng DX1, DX2, DX3, DX4, CX2 diện tích khoảng 10.000m2 tại khu đô thị mới Đông Nam đường Trần Duy Hưng cho Công ty Lã Vọng có nhiều sai phạm như lựa chọn nhà đầu tư không thực hiện thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; không thông qua đấu giá, không tính lại đơn giá thuê đất phần xây dựng sai quy hoạch làm tăng mật độ xây dựng.
|
Phối cảnh dự án khu đô thị Tây Nam đường 70 do Công ty cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới thực hiện. |
Đáng chú ý, khi giao 5 ô đất cho Công ty Lã Vọng, Hà Nội căn cứ vào đơn giá đất sản xuất nông nghiệp để cho thuê đất với mức giá khoảng 187.000 đồng/m2 làm mặt bằng kinh doanh thương mại, kinh doanh nhà hàng, ẩm thực và bãi đỗ xe, gây thất thu tiền sử dụng đất. Sau khi thuê đất, Công ty Lã Vọng tự điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, xây dựng công trình sai phép trên đất nhưng các cơ quan chức năng của Hà Nội đã làm ngơ, không xử lý dứt điểm sai phạm.
TTCP cũng kết luận, tháng 2/2017, để tham gia dự án BT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, Công ty Lã Vọng đã thông qua Cty Ngôi Nhà Mới góp vốn cùng Cty CP Sông Đà Hà Nội và hai công ty lập ra Công ty CP Louis Group để thực hiện dự án, cũng theo hình thức BT.
Công ty Louis đã được Hà Nội chỉ định là nhà đầu tư thực hiện dự án BT có chiều dài 20,9km, tổng vốn đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng, đổi lại Hà Nội dự kiến thanh toán cho Công ty Louis 39 ô đất, diện tích khoảng 343ha khi làm dự án BT này. TTCP nêu rõ, việc chỉ định Công ty Louis thực hiện dự án là vi phạm quy định về đấu thầu dự án, đồng thời Hà Nội cũng phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng, không tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành về việc tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị thủ tục đàm phán trực tiếp với Công ty Louis. Công ty Lã Vọng cũng góp vốn cùng Tổng công ty Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) để thực hiện dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, rộng 23,8ha tại quận Hoàng Mai với số vốn góp 300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc giao UDIC thực hiện dự án không qua đấu thầu là sai quy định pháp luật. Hơn nữa, đến thời điểm thanh tra, TP Hà Nội đã giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai 7,61 ha để thực hiện dự án nhưng chưa thu tiền sử dụng đất.
...Đến lùm xùm giá nước Nhà máy nước sạch sông Đuống
Liên quan đến dự án Nhà máy nước sạch sông Đuống của Công ty CP Nước mặt sông Đuống (Tập đoàn Aqua One), UBND TP Hà Nội cũng được cho là có nhiều “ưu ái”.
Cụ thể, tháng 7/2017, UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận giá bán nước sạch tối đa của Nhà máy nước mặt sông Đuống tạm tính là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Việc chấp thuận tạm tính giá này cao hơn cả giá nước sạch bán cho người dân theo quy định của TP Hà Nội đang áp dụng.
Cuối năm 2018, Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống đã có nhiều văn bản gửi các đơn vị kinh doanh nước sạch trên địa bàn Hà Nội và đề xuất UBND TP Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch của mình bằng giá tạm tính là 10.246 đồng/m3.
Tuy nhiên, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội và Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội đều có văn bản cho rằng “không đủ nguồn lực tài chính” để thực hiện mua nước với giá 10.246 đồng/m3 mà Công ty nước mặt sông Đuống đưa ra. Giá bán nước sạch cần được sự chấp thuận và ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và Sở Tài chính.
|
Lễ khánh thành giai đoạn 1 dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống.
|
Công ty CP nước mặt sông Đuống đã đề nghị UBND TP Hà Nội chấp thuận phê duyệt phương án giá bán nước sạch tạm thời của Nhà máy nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3 để làm cơ sở phát nước thương mại. Đồng thời đề nghị Sở Tài chính Hà Nội làm việc với các đơn vị liên quan (Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội) thống nhất giá bán tạm thời theo phương án 10.246 đồng/m3, để từ tháng 12/2018 các đơn vị có cơ sở tiếp nhận nguồn nước từ Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, liên ngành tài chính - xây dựng Hà Nội ghi nhận giá bán nước sạch bình quân của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cho người dân chỉ hơn 9.700 đồng/m3. Còn nếu tính theo tỷ lệ nước thu tiền (đạt 81,4%) thì giá bán nước sạch sau khi trừ tỉ lệ hao hụt chỉ còn hơn 7.900 đồng/m3. Do vậy, nếu phải mua nước từ Nhà máy nước mặt sông Đuống với giá 10.246 đồng/m3 thì với mức nước tiêu thụ khoảng 80.000m3/ngày đêm, tương đương 29,2 triệu m3/năm sẽ khiến Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội dự kiến lỗ hơn 192 tỷ đồng/năm. Tương tự, Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội cũng sẽ lỗ trên 58 tỷ đồng/năm khi mua nước với mức giá này.
Dẫn đến việc, các đơn vị đề xuất UBND TP Hà Nội dự kiến cấp bù giá (phần thua lỗ do chênh lệch giá bán, mua) cho 3 đơn vị gồm Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội và Công ty nước mặt Sông Đuống trong năm 2019 lên tới gần 200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chiếu theo điểm b khoản 3 Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thì quyền chi ngân sách cho các hoạt động kinh tế địa phương thuộc về Hội đồng nhân dân chứ không thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Ngay cả vụ án Nhật Cường...
Mới đây, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng vừa thống nhất bổ sung vụ án liên quan sai phạm của Công ty Nhật Cường vào diện theo dõi của Ban chỉ đạo.
Dư luận không chỉ quan tâm vụ án “Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH Giải pháp và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường và các đơn vị có liên quan mà còn quan tâm việc Hà Nội từng ưu ái cho các doanh nghiệp của Bùi Quang Huy.
Cụ thể, từ một doanh nghiệp chỉ được biết đến qua buôn bán điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử, Công ty Nhật Cường thành lập Công ty Nhật Cường Software.
|
Công an khám xét một trong những cửa hàng của Nhật Cường.
|
Dù mới thành lập nhưng Nhật Cường Software đã trúng thầu nhiều dự án lớn về công nghệ của Hà Nội như: cơ sở dữ liệu dân cư; phần mềm dịch vụ công trực tuyến; phần mềm một cửa điện tử... Ngoài việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư của hơn 7 triệu người dân Hà Nội cho công an thành phố, Nhật Cường Software cũng đứng sau phần mềm quản lý tội phạm; phần mềm quản lý giáo dục (EDO); phần mềm lưu trú; phần mềm quản lý quỹ nhà tái định cư; phần mềm quản lý bệnh viện toàn diện (MESO)….
Hồ sơ năng lực của doanh nghiệp này cho thấy, hầu hết cơ quan hành chính của Hà Nội như UBND thành phố Hà Nội, Công an thành phố, Sở Thông tin Truyền thông, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo hay Sở Công Thương… đều đang sử dụng dịch vụ phần mềm do công ty cung cấp.
Đáng nói, Nhật Cường Software cũng từng vinh dự được trao Huân chương Lao động Hạng III vào năm 2016 và từng lọt top 50 doanh nghiệp Công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam (Top 50 ICT Vietnam) năm 2017.
...Hà Nội đều bị "gọi tên" vì sao?
Vụ việc xảy ra tại Công ty Nhật Cường hay việc mới đây TTCP chỉ hàng loạt sai phạm tại các dự án của Tập đoàn Lã Vọng và thời gian gần đây là lùm xùm dư luận liên quan đến giá nước Sông Đuống, UBND TP Hà Nội đều bị "gọi tên". Vì sao lại thế?
Nói về sai phạm các dự án của Tập đoàn Lã Vọng được cho là UBND TP Hà Nội có nhiều “ưu ái”, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Công ty Luật TAT Law firm) cho biết, vụ việc có nhiều biểu hiện sai phạm của Tập đoàn Lã Vọng trong việc thực hiện các dự án liên quan đến đất đai, quy hoạch, dự án công trình theo hình thức hợp đồng BT đã được chỉ ra trong kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Do đó, cơ quan chức năng thời gian tới phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan có thẩm quyền và xử lý sai phạm kịp thời trong quá trình tư vấn tham mưu, thực hiện dự án.
Đặc biệt là việc giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất vi phạm Luật đất đai 2013, giao Dự án và chỉ định nhà đầu tư khi qui mô Dự án thay đổi, có biểu hiện sai phạm liên quan đến đấu thầu, vi phạm qui định theo Điều 22 Luật đấu thầu 2013 và hàng loạt các sai phạm khác.. gây thất thoát tài sản của nhà nước và biểu hiện có lợi ích nhóm khi thực hiện các Dự án quốc gia.
Nếu trong quá trình thanh tra kiểm tra có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý về hình sự nghiêm minh đối với cá nhân, tổ chức có liên quan theo qui định hiện hành.
Trong khi đó, nêu ý kiến về việc giá nước Nhà mát nước mặt Sông Đuống được cho là UBND TP Hà Nội cũng ưu ái chấp nhận giá bán nước sạch tạm tính là 10.246 đồng/m3, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty Luật Thiên Thanh cho rằng, UBND TP Hà Nội hiện chưa thanh toán số chênh lệch giữa 8.871,17 với giá 7.700 đồng. Bên cạnh đó thành phố cũng chưa thực hiện cấp bù cho Nước sạch Hà Nội và Nước sạch số 2.
Do vậy, Thành phố cho rằng chưa cấp bù, chứ không phải không cấp bù, và chỉ đạo doanh nghiệp nhà nước 100% vốn mua giá cao thì đây cũng là một hình thức cấp bù.
“Đây là hai doanh nghiệp yêu cầu thành phố phải hiệp thương giá. Còn những doanh nghiệp không yêu cầu thành phố hiệp thương đều đàm phán mua nước Sông Đuống với giá <5.000 đồng/m3, giá này mới đủ sức cạnh tranh với nước Sông Đà, trong đó có Nước sạch Hà Đông là Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 1 doanh nghiệp tư nhân khác bán nước cho KĐT Thanh Hà. Bên cạnh đó, thoả thuận này chỉ là nguyên tắc, thành phố không có nghĩa vụ bao tiêu sản phẩm của nhà máy, không được phép mua sản phẩm chưa được nghiệm thu, không có trách nhiệm gánh lãi vay, khấu hao không đúng quy định, không phải đảm bảo đủ dòng tiền để doanh nghiệp hoạt động” - luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết.
Nhiều người dân cho rằng, qua ba vụ việc trên, các cơ quan chức năng cần làm rõ việc UBND TP Hà Nội “ưu ái” các doanh nghiệp hay không? Nếu có cần xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan.
“Tại các dự án của Tập đoàn Lã Vọng, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm, trong đó có trách nhiệm của UBND TP Hà Nội và các sở ban… liên quan. Đồng thời, kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan. Tại vụ án Nhật Cường và giá nước Sông Đuống cũng cần các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ có hay không việc Hà Nội “ưu ái” các doanh nghiệp, có lợi ích nhóm hay không và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu có” - ông Trần Văn Thành, người dân TP Hà Nội nêu ý kiến.
Mời độc giả xem video "Giá nước sạch sông Đuống không phải giá bán lẻ":
Tâm Đức