Thưa ông, với cương vị Bí thư Tỉnh ủy 2 nhiệm kỳ, ông có trăn trở như thế nào về cán bộ nguồn cũng như quy trình tìm kiếm các “hạt giống đỏ”?
Tôi không làm Bí thư đã lâu rồi. Bây giờ tình hình đã khác, nhiều cái mới, có khi mình đã lạc hậu một phần. Tuy nhiên, việc quy hoạch cán bộ, tôi nghĩ không phải là để xếp hàng, giữ chỗ, mà chủ yếu là để phát hiện người có triển vọng phát triển tốt hay còn gọi là nhân tài.
Sau khi phát hiện thì có kế hoạch bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, tư duy sáng tạo của họ. Chứ không phải để tạo khuôn mẫu cứng nhắc, giáo điều, lúc ấy họ sẽ không dám hành động đổi mới, mà trở nên bảo thủ và cản trở.
Nên đưa họ ra thực tiễn tiếp cận với công việc, rồi chính kết quả công việc sẽ là cơ sở để đánh giá họ.
|
Ông Vũ Ngọc Hoàng |
Cái khó lâu nay trong công tác cán bộ là việc đánh giá con người. Nếu cán bộ chỉ có những tiêu chuẩn mang tính trừu tượng thì họ nói rất hay, nhưng vào thực tế thì làm không được.
Tốt nhất, cán bộ cần có sự tín nhiệm của nhân dân. Dân có “nghìn tai vạn mắt” ở khắp mọi nơi, lá phiếu của họ là khách quan và toàn diện nhất để lựa chọn cán bộ.
Ngoài ra, chọn cán bộ còn cái khó là liên quan đến nhận thức và tư duy của lãnh đạo. Ví dụ: Người lãnh đạo công tác cán bộ theo phương pháp dân chủ thì tốt. Nhưng theo kiểu áp đặt nhân sự vào các vị trí theo ý chủ quan của lãnh đạo, thì khi thoái hóa sẽ dẫn đến lây lan nhanh, thoái hóa cả hệ thống.
Cần khuyến khích cán bộ tự ứng cử
Vừa rồi Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị Ban Tổ chức Trung ương báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý chủ trương được thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội. Theo ông đề nghị này có khả thi? Ở Quảng Nam đã tính đến phương án này chưa?
Tốt quá, tôi nghĩ việc Đại hội bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy (kể cả Bí thư các cấp) như Quảng Ninh đề nghị là việc nên làm và hoàn toàn khả thi.
Đó cũng là cách mở rộng dân chủ trong nội bộ Đảng và tăng vai trò của Đại hội là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ. Nếu Đại hội bầu trực tiếp Bí thư thì dân chủ hơn so với Ban chấp hành bầu Bí thư Tỉnh ủy như hiện nay hay làm.
Ở Quảng Nam, tôi chưa biết ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy như thế nào. Câu hỏi này nên dành cho các đồng chí lãnh đạo đương chức.
Còn nhìn chung với tình hình cả nước thì không chỉ riêng Quảng Ninh mà rất nhiều tỉnh thành khác cũng có thể bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội, nếu Ban lãnh đạo tỉnh đó có quyết tâm đổi mới.
Ông có đồng tình với đề xuất, nhân sự bầu cử - kể cả vị trí chủ tịch hay bí thư tỉnh đều phải chuẩn bị dư ra - ít nhất là 1 người thì việc bầu mới cho kết quả tâm phục khẩu phục?
Tôi hoàn toàn đồng tình, cần bầu cán bộ chủ chốt các cấp có số dư. Như thế sẽ có thêm phương án lựa chọn, dân chủ hơn, tiến dần đến tranh cử thực chất và bình đẳng
Lúc này, các ứng viên cần trình bày phương án của mình như: Nếu trúng cử thì trong nhiệm kỳ sẽ tập trung giải quyết chuyện gì, giải quyết như thế nào và bằng cách nào... Họ sẽ tranh luận với nhau công khai trước những người tham gia bầu, để mọi người có nhiều phương án lựa chọn.
Trước đây, cấp ủy thường hay bầu tròn và không có số dư, bây giờ đã tiến bộ hơn, bắt buộc phải có số dư, thậm chí có số dư nhiều, kể cả bầu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nhưng riêng bầu chủ chốt thì chưa có quy định và hầu hết vẫn bầu không có số dư.
Tranh cử thay cho sắp đặt sẽ tạo ra sự tiến bộ đáng kể trong công tác cán bộ. Vì sắp đặt sẽ không tránh khỏi yếu tố chủ quan của những người tham gia sắp đặt và phụ thuộc nhiều vào ý muốn chủ quan của người đứng đầu.
Nhiều nhiệm kỳ, ta chưa làm được việc tổ chức tranh cử, dẫn đến công tác cán bộ bị trì trệ. Để có tranh cử thì phải có nhiều phương án, thực hiện ứng cử, đề cử dân chủ.
Đặc biệt, lâu nay các cán bộ không tự ứng cử, lâu dần thành bệnh. Cá nhân nào đứng lên tự ứng cử dễ bị xem như “bị tâm thần”, nên cần khuyến khích việc này.
Nhân tài đừng để đến sắp hưu mới đề bạt
Từ kinh nghiệm quản lý nhiều năm, theo ông việc chọn nhân sự khóa mới ở Quảng Nam phải như thế nào để chọn được cán bộ có thể đưa tỉnh đi lên góp phần vào sự phát triển chung của đất nước?
Quảng Nam có nhiều lợi thế như: Địa kinh tế, biển rừng, đầu mối giao thông và vùng đất mở… để trở thành một vùng phát triển mạnh mẽ và năng động. Với các lợi thế đó, Quảng Nam mà không thể phát triển thì tiếc lắm, phí lắm.
Theo tôi, chọn cán bộ cho Quảng Nam cần phải nhằm hướng đến mục tiêu phát triển lớn cho vùng đất này.
Cán bộ đó cần có tâm huyết, thật sự cầu thị, có tầm nhìn, tư duy thoáng mở, quyết tâm đổi mới. Ngoài ra, họ cần biết và ra sức xây dựng cơ chế, môi trường đầu tư cùng với chăm lo sự phát triển của con người cho sự nghiệp lâu dài.
Từ thực tế một số cán bộ trẻ ở một số tỉnh “ngã ngựa” do quy trình bổ nhiệm thần tốc, cá nhân ông có tiếc nuối điều gì không? Vì có thể cán bộ trẻ có năng lực thực sự, nhưng quy trình hay vì một khâu nào đó khiến họ chưa phát huy được khả năng và cần phải có điều chỉnh?
Tôi chưa biết ai có năng lực thật sự nhưng do quy trình mà dẫn đến “ngã ngựa”. Ngày tôi làm ở địa phương không có ai như vậy, nên cũng không tiếc nuối về việc này.
Theo tôi, sự nghiệp phát triển đất nước rất cần cán bộ trẻ, tương lai sự nghiệp thuộc về họ, chứ không phải các cụ.
Đối với nhân tài thì nên có vượt cấp, đừng để đến khi già rồi, sắp nghỉ hưu họ mới được đề bạt, dẫn đến làm lãng phí nguyên khí của quốc gia.
Nhưng cán bộ đó phải thật sự là nhân tài, chứ không phải do ai có quyền lực đứng phía sau đẩy lên vì động cơ cá nhân nào đó. Đồng thời, cũng nên hiểu trẻ già không phải chỉ tập trung vào tuổi tác, cái quan trọng nhất là đầu óc, tư duy của họ. Cán bộ trẻ thì thường chưa có nhiều kinh nghiệm, nên giúp đỡ họ chứ đừng cố chấp, miễn rằng họ là người tốt.
Còn việc bố trí họ sai chỗ thì trách nhiệm chủ yếu thuộc về người đề bạt chứ không phải lỗi của họ.
Theo Lê Bằng - Kiều Oanh/Vietnamnet