Không để TP. HCM sầm uất trở lên trầm uất vì các cơ chế ràng buộc
Nêu ý kiến thảo luận về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết, thời điểm này đã yên tâm tìm được sự đồng thuận rất lớn của các ĐBQH khi đề cập đến việc thí điểm chính sách đặc thù phát triển.
“Có đại biểu đã dùng khái niệm là "đã chín muồi" nhưng tôi cho rằng nó đã "chín mõm" rồi, điều đó có nghĩa là không thể kéo dài được nữa. Từ một thành phố sầm uất nó đang trở nên trầm uất vì tất cả các cơ chế ràng buộc nó”, ĐB Dương Trung Quốc cho biết.
|
Đại biểu Dương Trung Quốc. |
“Đến thời điểm này, TP. HCM vẫn nằm chung trong mặt bằng chung, ràng buộc bởi những cơ chế không khác những địa phương khác. Rõ ràng chúng tôi muốn nhắc nhiều đến tầm nhìn. Chúng ta thường hay nhắc đến một nguyên lý cổ điển là "không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng", nguyên lý có giá trị về mặt đạo lý, về ứng xử xã hội, về phân chia. Lúc này chúng ta rất sợ thiếu và chỉ sợ cào bằng”, Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. HCM.
“TP. HCM là đô thị đặc biệt có quy mô dân số và mật độ dân số lớn nhất, trung tâm kinh tế lớn nhất, thu nhập đầu người cao nhất, là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân TP. HCM thì hơn 30 năm đổi mới, cơ chế chính sách phát triển của thành phố tương tự như các địa phương khác trong cả nước. Chính cơ chế, chính sách hiện hành này đã không còn phù hợp mà đã bộc lộ sự kìm hãm, không tạo điều kiện cho thành phố phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển. Do đó, có cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố là yêu cầu mang tính khách quan và công bằng”, đại biểu Nguyễn Thái Học nói.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, nhiều năm qua TP. HCM đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, được hình tượng sống động ví như một đầu tàu kinh tế của cả nước.
“Dù làm ra nhiều của cải, vật chất đóng góp hơn 21% GDP của cả nước, 28% tổng thu ngân sách nhưng tỷ lệ điều tiết để lại cho thành phố ngày càng ít đi và nay là thấp nhất trong cả nước. Nếu như thành phố làm ra 100 đồng thì phải điều tiết về Trung ương 82 đồng, 18 đồng giữ lại phải trang trải cho chi thường xuyên, đầu tư phát triển, trả nợ và nhiều khoản chi khác. Có thể nói con số khá ít ỏi này so với nhu cầu đầu tư giải quyết các tồn tại để tiếp tục giữ được vai trò là động lực của một đầu tàu kinh tế thì quả là một bài toán quá khó cho thành phố”, Đại biểu Nhân nói.
Đại biểu Phạm Thành Tâm (Hậu Giang) cho rằng dù là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP. HCM đang đối mặt với nhiều thách thức như khả năng thu hút vốn đầu tư mới có thể bị giảm, sức ép về dân số tăng nhanh…. Vì vậy, cần có cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với sự phát triển của thành phố trong giai đoạn mới.
Kỳ vọng để TP. HCM phát triển
Nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng rằng, Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP. HCM được thông qua sẽ giúp cho thành phố mang tên Bác phát triển, phồn vinh hơn nữa, xứng đáng là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước. Các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến tâm huyết về việc này.
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, nghị quyết này không chỉ mở ra cho TP. HCM và không chỉ mang lại cho đất nước lợi ích về vật chất mà còn chính là cơ chế.
“Tôi tin rằng thành công của TP. HCM sẽ mang lại sự giải thoát, sự bứt phá mới cho Hà Nội và cho cả nước”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.
ĐB Nguyễn Thái Học góp ý rằng, Quốc hội đang xem xét tìm ra những cơ chế, chính sách đặc thù cho các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thì đối với TP. HCM phải được xem là sự đặc thù của đặc thù.
“Có cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện để TP. HCM phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế, sự năng động, chủ động, sáng tạo để tiếp tục phát triển, tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự phát triển của cả nước và vì cả nước…
|
Đại biểu Nguyễn Thái Học. Ảnh: Quochoi.vn |
Trong những cơ chế chính sách đặc thù dành cho TP. HCM có nội dung giải quyết được yêu cầu cấp bách trước mắt như tăng nguồn lực đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện, đường giao thông, hệ thống chống ngập úng... Có nội dung cần thời gian và lộ trình để triển khai thực hiện như việc điều chỉnh các sắc thuế. Nhưng dù là trước mắt hay lâu dài, dù thuận lợi hay khó khăn, đây là những việc làm cần được ưu tiên để thành phố sớm triển khai thực hiện thí điểm” đại biểu Học nói.
Đại biểu Dương Minh Tuấn cho rằng, không nên tăng tất cả các loại thuế, vì nếu tăng nhiều loại thuế sẽ là lợi thế trước mắt nhưng không mang lại tính hiệu quả lâu dài.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đồng tình với việc tăng mức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và trần vay nợ cho thành phố từ 70% hiện nay lên mức 90% của số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Ông cũng ủng hộ việc cho phép thành phố chủ động tăng một số sắc thuế và phí phù hợp với nguồn thu. Đồng thời, đồng ý cho TP. HCM được thí điểm phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong thành lập các cơ quan quản lý trật tự đô thị, quản lý cạnh tranh thị trường và cả trong quản lý thuế, điều tra chống chuyển giá…
Tuy nhiên Đại biểu Thịnh cũng đề nghị Chính phủ và TP. HCM nghiên cứu, xây dựng và áp dụng bổ sung thêm các cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả. Phòng tránh các hành vi và nguy cơ lạm dụng và tham nhũng, vì có sự méo mó nếu không hiểu đúng sẽ có sự méo mó về chính sách đặc thù và bị chi phối bởi lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ khi áp dụng các cơ chế đặc thù cho thành phố.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đa số ĐBQH nhất trí cần có cơ chế, chính sách tài chính cho thành phố, tuy nhiên còn băn khoăn về chính sách thuế, điều chỉnh thuế suất hiện hành. Các băn khoăn này là xác đáng, khi đề xuất, TP. HCM và Chính phủ đã lường trước những vấn đề có thể nảy sinh.
Việc có cơ chế riêng sẽ tạo động lực và đột phá phát triển cho thành phố:
Có mặt tại Quốc hội với tư cách khách mời, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khi chia sẻ với báo chí về sự cần thiết của cơ chế đặc thù cho địa phương này đã cho rằng, Việc có cơ chế riêng sẽ tạo động lực và đột phá phát triển cho TP. HCM.
“Thành phố xin cơ chế đặc thù với các nhóm vấn đề từ quản lý đầu tư, đất đai, tài chính, ủy quyền thu nhập... Tôi nghĩ nếu Quốc hội thông qua thì đây sẽ là động lực và tạo ra sự đột phá phát triển cho TP.HCM” – Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói.
Với tư cách là Chủ tịch HĐND TP.HCM - ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, bà rất cảm kích và cảm ơn quý vị đại biểu Quốc hội đã rất quan tâm đến TP. HCM có những ý kiến rất quý báu.
ĐB Tâm cho rằng, sự phát triển của TP. HCM sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, những động lực, điều kiện, cơ chế mà Đảng, Nhà nước tạo ra cho TP. HCM đã có độ cứng nhất định, cần phải linh hoạt hơn. Cho nên TP. HCM đề nghị những cơ chế, chính sách mới đặc thù hơn, đột phá hơn và Chính phủ đã trình ra Quốc hội.
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm nhìn nhận, khi có cơ chế, chính sách, TP.HCM cũng phải thể hiện được sự tự trọng của mình, trách nhiệm của mình để hoàn thành và thực hiện thí điểm phải thành công, mang lại thể nghiệm, thí nghiệm và thực tiễn để đánh giá tác động về chính sách, về cơ chế, từ đó có cơ hội để chúng ta nhân rộng ra.
“HĐND được giao 4/5 nhiệm vụ và sẽ cố gắng để làm tốt. Trong 105 đại biểu có trên 97% đại học và trên đại học, trong đó có 63,7% có trình độ trên đại học, Vì vậy, vai trò quyết định các vấn đề quan trọng cho sự phát triển của thành phố, đặc biệt thực hiện nhiệm vụ phân quyền, phân cấp này một cách thắng lợi là có điều kiện và có thực tiễn để thực hiện được”, Bà Tâm cho biết.
Hải Ninh