Các vấn đề được lựa chọn chất vấn thời sự, thiết thực
Theo Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày làm việc cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, bắt đầu từ sáng 04/6 đến hết sáng 06/6, tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Kiểm toán; Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
|
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang). |
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang) đánh giá, 4 nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn tại Kỳ họp này đều mang tính thời sự, thiết thực.
Cụ thể, đối với lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, tình hình ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn hiện nay đang ở mức báo động. Cùng với đó, tình trạng khan hiếm nước đang diễn ra khó lường trong tương lai, lưu vực các sông đang dần thiếu nước.
Với lĩnh vực Công Thương, có thể thấy, tình trạng hàng lậu, hàng giả diễn biến phức tạp trên thị trường, dù ngành chuyên môn vẫn tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Với lĩnh vực Kiểm toán, các dự án đã được kiểm toán hàng năm, nhưng vẫn xảy ra sai phạm, thậm chí tái phạm nhiều lần chưa khắc phục tốt.
Còn đối với Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đây là lĩnh vực trụ cột, góp phần phát triển đất nước và luôn được quan tâm. Đây cũng là vấn đề đại biểu Lê Thị Thanh Lam đặc biệt quan tâm trong phiên chất vấn này.
Thời gian qua, ngành du lịch đã và đang phát huy, khai thác hiệu quả những tiềm năng của văn hóa truyền thống. Chẳng hạn như việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp thông qua văn hóa vật thể, phi vật thể nhằm phát huy tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Hoặc gìn giữ, phát huy những giá trị chân, thiện, mỹ, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn thời gian qua, hoạt động quản lý văn hóa cũng bộc lộ còn nhiều hạn chế. Đơn cử: một số di tích lịch sử văn hóa xuống cấp chưa được bảo tồn, chưa quan tâm đúng mức, việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian ở một số đơn vị còn thụ động. Ngoài ra, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở chưa thật sự đi vào chiều sâu,...
Để ngành văn hóa –thể thao và du lịch phát triển, đại biểu cho rằng, chúng ta cần có những giải pháp phát triển văn hóa - xã hội ngang bằng phát triển kinh tế, để đất nước phát triển toàn diện, cân đối. Đồng thời, cần quan tâm phát triển du lịch phù hợp từng vùng, miền nhằm phát triển kinh tế đất nước nói chung.
Chia sẻ về kỳ vọng đối với phiên chất vấn, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho biết, bà mong các vị đại biểu Quốc hội sẽ có nhiều câu hỏi đúng và trúng những vấn đề nóng mà dư luận và cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Theo đó, những câu hỏi chất vấn cần rõ ràng, ngắn gọn, bám sát vào chủ đề chất vấn, đi thẳng vào vấn đề. Tranh luận mang tính xây dựng nhằm tìm ra những khó khăn hạn chế đưa ra những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Cùng với đó, các thành viên của Chính phủ, các Trưởng ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách. Nghiêm túc, cầu thị, lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, thẳng thắn giải trình, làm rõ nhiều nội dung đại biểu Quốc hội đặt ra.
“Đối với những vấn đề bức xúc nên giải quyết ngay, luôn kiểm tra tiến độ thực hiện, góp phần nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu trong các lĩnh vực có liên quan. Đồng thời gợi mở giải pháp để tháo gỡ các bất cập đang tồn tại, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, đại biểu Lê Thị Thanh Lam bày tỏ.
Muốn chất vấn Bộ Công Thương về vấn đề an toàn thực phẩm
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho hay tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 7 này, đại biểu quan tâm đến lĩnh vực an toàn thực phẩm và cũng là lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
|
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình). Ảnh: Mai Loan. |
Nghị định số 15 của Chính phủ quy định 10 nhóm quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có điều chỉnh với quản lý thức ăn đường phố. Trong thời gian qua, quản lý thức ăn đường phố nổi lên nhiều vấn đề rất đáng lo ngại, nếu không ban hành các văn bản pháp luật để hoàn thiện thể chế thì sẽ khó cho quản lý nhà nước.
Truyền thông vừa qua đăng nhiều vụ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, để đưa ra xử lý rất khó vì chế tài chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp. Do đó, tôi mong muốn, trong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công Thương sớm rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế cho quản lý thức ăn đường phố nói riêng, vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, công tác quản lý nhà nước và nguồn lực (trong đó có nguồn nhân lực) cũng là vấn để cần lưu tâm. Bởi, dù Bộ Y tế là cơ quan chủ trì, nhưng để quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm hiệu quả đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa nhiều bộ ngành khác.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm do nhiều bộ, ngành cùng quản lý nhưng chưa phân định cụ thể chức năng, nhiệm vụ. Bộ Công Thương phụ trách quản lý các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm nhưng theo kết quả tự rà soát của đại biểu, hiện mới có công văn của Bộ điều chỉnh với thực phẩm đường phố.
“Tôi mong rằng, qua chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng và Bộ Công Thương sẽ xây dựng các giải pháp để sớm hạn chế vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là với thức ăn đường phố”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nói.
Mời quý độc giả xem video đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Binh) trao đổi bên hành lang Quốc hội về vấn đề quan tâm tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan