Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM: Con lẫn bố mẹ cùng lo lắng

Google News

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập còn ít thời gian nữa là bắt đầu, thời điểm này, nhiều phụ huynh và học sinh vẫn miệt mài chạy đua với thời gian để “nhồi nhét” kiến thức…

Nhiều áp lực tại kỳ thi vào lớp 10 công lập
Ngày 2 - 3.6, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2018- 2019 tại TPHCM sẽ diễn ra với ba môn thi bắt buộc là Toán, Văn và Ngoại ngữ. Với gần 90.000 thí sinh, TPHCM thành lập 135 hội đồng tuyển sinh lớp 10 THPT thường và 10 hội đồng thi vào trường, lớp chuyên.
Cần tạo tâm lý thoải mái cho các thí sinh trước giờ nước rút kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019. Ảnh: P.V 
Theo số liệu nguyện vọng do Sở GDĐT công bố, thành phố có gần 90.000 học sinh đăng ký thi vào lớp 10. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu 103 trường THPT công lập là 67.000 nên sau kỳ thi này, hơn 22.000 thí sinh sẽ không trúng tuyển. Những em rớt có thể chuyển sang học trường quốc tế, trường ngoài công lập hoặc giáo dục thường xuyên, trường nghề. Việc nhiều trường THPT có tỉ lệ chọi tăng so với năm ngoái nên dự báo điểm chuẩn sẽ biến động.
Trước những thông tin trên, nhiều phụ huynh đặt quá nhiều kỳ vọng ở con nên lo lắng và tìm mọi cách để “giải cứu” bằng việc sẵn sàng chi tiền, tìm lớp luyện thi cho con để “nhồi nhét” kiến thức thêm.
“Giải cứu” bằng việc nhồi nhét!
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông N.Q.A (phụ huynh một học sinh trường THCS Hiệp Bình, quận Thủ Đức) cho biết, việc con học lớp 9 sẽ trải qua kỳ thi để vào lớp 10 nên đã đồng hành cùng con từ những buổi con theo học ở trường. “Tôi thường xuyên cập nhật thông tin liên quan số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 và cảm thấy lo lắng khi Sở GDĐT công bố sau kỳ thi sẽ có hơn 22.000 thí sinh sẽ không trúng tuyển. Tôi đã khuyên con nên căn cứ vào năng lực của mình để điều chỉnh nguyện vọng và chuyển sang trường có điểm đầu vào thấp” - ông N.Q.A nói.
Được biết, để cho con luyện thi cấp tốc, nhiều phụ huynh đã bỏ ra số tiền với mỗi môn có giá khoảng 500.000 đồng - 800.000 đồng/tháng (tùy từng nơi)… đối với một số gia đình, số tiền luyện thi này khá cao, tuy nhiên, vì lo lắng cho con nên họ sẵn sàng chi. Đối với ông N.Q.A thì lịch học trong tuần của con ông đến thời điểm này vẫn rất dày và chỉ trống mỗi chiều cuối tuần, ngoài việc học ở trường cả ngày, đến tối con ông phải ôn ở lớp học thêm và tự học ở nhà (gần 23 giờ) mới ngủ…
Em Anh Tú (học sinh THCS Phan Văn Trị, Gò Vấp), khi biết chế độ cộng điểm khuyến khích cho các cá nhân đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp đã bị bỏ, em cảm thấy nuôi tiếc, tuy nhiên, do đăng ký tại trường có tỉ lệ chọi cao nên em phải học nhiều hơn so với dự tính. Ngoài Anh Tú, nhiều học sinh lớp 9 phải chịu áp lực nhiều từ sự kỳ vọng của cha mẹ và việc các em muốn theo học tại trường như nguyện vọng khiến các em thường xuyên bị căng thẳng. Một vài em học quá nhiều, nhưng khó tiếp thu.
Một giáo viên trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3, TPHCM) cho biết, không chỉ các em học sinh, phụ huynh mà thời điểm này, nhiều nhà trường, nhiều thầy cô giáo dạy các bộ môn: Văn, Toán, Anh… cũng chịu nhiều áp lực, thầy cô vất vả dạy trò, đặc biệt những ngày liền kề kỳ thi với mong muốn học trò của mình sẽ vào học được trường đã đăng ký theo nguyện vọng…
Theo Kim Đồng/Lao động