Trao đổi với PV Kiến Thức về vụ xe container gây tai nạn kinh hoàng tại Long An làm 4 người chết và 16 người bị thương khi đang dừng đèn đỏ. Kỹ sư Lê Văn Tạch (cựu nhân viên Công ty Toyota Việt Nam) đã có những phân tích xung quanh tranh luận của cư dân mạng về thông tin ban đầu cho rằng “nguyên nhân tai nạn do xe container mất phanh”.
|
Phạm Thành Hiếu, tài xế lái xe container gây tai nạn thảm khốc tại huyện Bến Lức, Long An làm 4 người tử vong dương tính với ma túy. |
Kỹ sư Tạch cho biết: “Xe container sử dụng hệ thống phanh khí nén, hay còn gọi là phanh hơi (thuật ngữ phanh locke) thì rất khó bị mất phanh được. Có khả năng do thao tác nhầm lẫn của con người thôi. Bởi vì, ngoài phanh chân thì trên xe còn có nút phanh khẩn cấp và nó rất dễ thao tác vì nó chỉ là nút đóng mở van thôi, không có gì khó khăn cả.
Thậm chí, phanh xe container còn thao tác dễ hơn là phanh xe nhỏ sử dụng phanh dầu. Vì vậy, nói xe mất phanh thì khó thuyết phục. Còn nếu cơ quan điều tra kết luận xe mất phanh thì phải chỉ ra được nó (phanh) hỏng cơ cấu gì dẫn đến mất phanh.”
“Theo tôi khả năng mất phanh gần như không có, chủ yếu là do thao tác con người” – kỹ sư Tạch khẳng định.
Kỹ sư Tạch cho biết thêm, với xe phanh dầu thì khả năng mất phanh có thể xảy ra khi xe bị mất áp dầu. Khi xe hở đường ống dầu thì xe mất áp và dẫn đến mất phanh. Còn xe dùng phanh khí thì khí bao giờ cũng tích trong bình tích, nếu không đủ khí thì xe không thể đi được. Khí ở đây có nhiệm vụ để xe nhả phanh ra, khi mình phanh là mình giảm áp để nó đóng lại.
|
Kỹ sư Lê Văn Tạch (cựu nhân viên Công ty Toyota Việt Nam) được giới tài xế gọi là "người hùng" khi khiến Toyota phải triệu hồi sản phẩm bị lỗi. |
Còn ông Nguyễn Mạnh Quân – chủ gara ô tô tại Đại Kim, Hà Nội (đồng thời cũng là kỹ thuật viên) cho biết, cấu tạo phanh xe tải và xe container dùng hệ thống phanh khí nén sử dụng nguyên lý van ba ngả, bao gồm nạp khí, hãm phanh và nhả phanh.
Hệ thống cần được nạp đầy khí nén thì mới có thể nhả phanh, nghĩa là khi xe không hoạt động, nó luôn trong tình trạng được phanh. Chỉ khi áp suất trong hệ thống đạt tới mức thích hợp thì cơ cấu phanh mới thôi tác dụng, xe sẵn sàng khởi hành.
Khi tài xế đạp phanh thì áp suất trong hệ thống sẽ giảm xuống. Khi lượng khí trong hệ thống giảm thì van 3 ngả sẽ cho phép khí hồi về các bình chứa, cơ cấu hãm sẽ thực hiện chức năng phanh. Sau khi thực hiện tác dụng phanh, một lượng khí nén sẽ bị xả ra ngoài, sau đó áp suất trong hệ thống được tăng để nhả phanh.
Mời quý vị độc giả theo dõi vụ xe container gây tai nạn kinh hoàng tại Long An:
Hỗ trợ phanh khẩn cấp (phanh dừng) cũng là một phần quan trọng của hệ thống phanh khí nén. Hệ thống này được kích hoạt bằng cách kéo một nút trên bảng điều khiển trung tâm, gần với đèn báo sự cố kiểm tra phanh.
Trước khi vận hành, lái xe phải ấn nút phanh khẩn cấp để nạp khí nén cho hệ thống. Ngay khi đường dẫn phanh khẩn cấp đạt đủ áp suất, phanh sẽ nhả. Nếu hệ thống có rò rỉ, áp suất sẽ giảm một cách vừa đủ để kích hoạt lại phanh khẩn cấp.
Thêm vào đó, các xe container, xe tải hạng nặng thường được trang bị thêm phanh cổ xả động cơ nhằm bổ trợ cho quá trình phanh.
Cùng chung nhận định như kỹ sư Tạch, ông Quân khẳng định xe container không thể mất phanh.
“Nếu tài xế xe container nói mất phanh thì đó chỉ là biện minh cho hành động của con người và đẩy lỗi và hậu quả gây ra cho máy móc, chứ phanh hơi không thể mất phanh được” – ông Quân nói.
Trong một diễn biến liên quan, sáng 3/1, tin từ Bệnh viện đa khoa Long An cho biết Phạm Thành Hiếu, tài xế lái xe container gây tai nạn thảm khốc tại huyện Bến Lức, Long An làm 4 người tử vong đã được lực lượng chức năng đưa vào bệnh viện này xét nghiệm ma túy.
Theo đó, tài xế được xét nghiệm bằng phương pháp thử nước tiểu khuya 2/1. Việc xét nghiệm được tiến hành hai lần, cách nhau khoảng 3 giờ. Cả hai lần xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với heroin. Bên cạnh đó, tài xế này cũng có nồng độ cồn rất cao khi được đưa vào xét nghiệm lần đầu.
Đức Thuận - Minh Hải