Sáng 4/1, Quốc hội khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, quyết định nhiều nội dung quan trọng, cấp bách có ý nghĩa lớn để vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả hơn.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Trong năm 2021 và nhất là quý III/2021, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta tại hầu hết các địa phương trên toàn quốc đã lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp.
|
Tuy nhiên, nhờ vào sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc chuyển hướng chiến lược nhiệm vụ phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm đã có chuyển biến tích cực. Lạm phát tiếp tục được giữ ở mức thấp; các cân đối lớn được bảo đảm. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính vượt kế hoạch. Cán cân thương mại duy trì thặng dư. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định. Dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục được củng cố.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nền kinh tế vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường cả ở trong nước và trên thế giới.
"Tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 ước chỉ đạt 2,58%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây và thấp hơn rất nhiều mục tiêu kế hoạch. Rủi ro tín dụng, nguy cơ nợ xấu tiếp tục gia tăng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sinh kế, đời sống của nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, lao động thiếu hụt, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội không chỉ trong năm 2022 mà còn đối với cả nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025" - Chủ tịch Quốc hội nói.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Trên cơ sở yêu cầu cấp thiết của đất nước và công tác chuẩn bị, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và các Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, để hỗ trợ kịp thời cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
|
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV (ảnh minh hoạ).
|
Ngay trong ngày đầu tiên, Quốc hội sẽ nghe tờ trình với 4 nội dung gồm: dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đầu tư, Luật đấu thầu, Luật điện lực, Luật doanh nghiệp, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thi hành án dân sự; dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.
Sau đó, Quốc hội sẽ tiếp tục các phiên thảo luận tại tổ và thảo luận trực tuyến các nội dung trên, làm cơ sở để các cơ quan tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết. Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua cả bốn nội dung của kỳ họp bất thường trong phiên bế mạc chiều ngày 11/1.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, kỳ họp bất thường lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi nhiều vấn đề nóng, cấp bách từ thực tiễn đời sống đặt ra, yêu cầu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có ý kiến và sớm thông qua để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế.
Trước đó, trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về Đề án chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cho biết quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022 - 2023 gồm chính sách tài khóa sẽ vào khoảng 291.000 tỉ đồng, gồm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách là 240.000 tỉ đồng.
Ứng với từng nhiệm vụ, giải pháp, gói hỗ trợ sẽ bao gồm: chi cho mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đầu tư nâng cao năng lực y tế 60.000 tỉ đồng. Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm 53.150 tỉ đồng.
Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 110.000 tỉ đồng; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển 113.850 tỉ đồng. Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách khoảng 10.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, chính sách tiền tệ sẽ tập trung giải pháp để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ lãi suất, tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1% trong 2 năm; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất...
Theo đó, các nội dung liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xin ý kiến, hoàn thiện báo cáo dự thảo nghị quyết để Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Thiên Tuấn