Sáng 18/1, Quốc hội đã tổ chức họp báo về Kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV (sáng 18/01.
|
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tại buổi họp báo. Ảnh: Phạm Thắng. |
Tại buổi Họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau 3,5 ngày làm việc, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và tiến hành Phiên bế mạc.
Những nội dung được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, là minh chứng cho tinh thần lập pháp vì dân.
Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương và 260 điều, hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 01/01/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất.
Đồng thời đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Đây là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước, có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp.
Dự án Luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân.
Quốc hội xem xét dự thảo Luật tại Kỳ họp bất thường thứ 5 theo quy trình đặc biệt và tất cả ý kiến ĐBQH đã được tiếp thu, giải trình, không còn ĐBQH nào phát biểu thêm.
Điều đó cho thấy tinh thần cẩn trọng của Quốc hội và các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả. Tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với 432 đại biểu tán thành (chiếm 87.63% tổng số ĐBQH), điều đó thể hiện sự thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội.
Minh chứng cho tinh thần lập pháp vì dân
Đối với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), gồm 15 chương, 210 điều, ông Cường cho biết, là dự án Luật có nhiều nội dung chuyên sâu, có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật được thực hiện kỹ lưỡng, thận trọng, phù hợp với đường lối, chính sách và Hiến pháp 2013.
|
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Phạm Thắng. |
Việc Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp lần này với 450 đại biểu tán thành (chiếm 91.28% tổng số ĐBQH) góp phần bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, minh bạch, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, phát triển theo đúng nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ, chuẩn mực quốc tế phổ biến, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.
Cũng tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Nghị quyết gồm 06 điều, quy định về 08 cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/01/2024 cho đến khi có quy định mới.
Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Nghị quyết cho phép sử dụng 63.725 tỷ đồng dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022. Sử dụng dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 để bổ sung cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
"Những nội dung được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, là minh chứng cho tinh thần lập pháp vì dân", ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
>>> Mời quý độc giả xem video đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) trao đổi bên hành lang Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội khóa XV:
Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan