Cụ May kể rằng hôm đó, cụ hô hoán mọi người đưa anh Tân tới trạm xá Quân y của tỉnh đội Cao Bằng trước khi chuyển đến bệnh viện tỉnh. Do vết thương nặng và bị nhiễm trùng, quân nhân này không qua khỏi.
Kết quả khám nghiệm cho thấy anh Tân bị đánh trọng thương ở vùng đầu rồi bị đẩy xuống hố phân lợn.
|
Cụ May cùng 2 người con bị lực lượng chức năng bắt giữ sau khi vụ án xảy ra. Ảnh: H.L
|
Theo cụ May, gia đình đã trình báo sự việc với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, chính cụ cùng con trai là Trần Ngọc Hùng bị bắt tạm giam với cáo buộc giết người.
Hai tháng sau, tới lượt con gái cụ May là bà Trần Thị Nga cũng vướng lao lý.
Trong thời gian tạm giam, ông Hùng đã nhận mình là hung thủ giết anh Tân. Tuy nhiên, cơ quan điều tra nhận thấy lời khai này có nhiều mâu thuẫn. Thực nghiệm hiện trường, ông Hùng đã không tái hiện được hành vi giết người như đã khai nhận. Và hành động đó không đúng với cơ chế hình thành vết thương trên người anh Tân.
Sau khi không có đủ căn cứ kết tội, cơ quan điều tra lần lượt trả tự do cho bà Nga, cụ May và ông Hùng. Thời gian những người này bị tạm giam lần lượt là 2 tháng, 9 tháng và 2 năm.
Thực hư chuyện chưa được minh oan?
Theo lời kể, khi hết tạm giam, mẹ con cụ May chỉ nhận được giấy ra trại. Họ không nhận được bất cứ văn bản minh oan nào từ các cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, phía VKSQS Quân khu 1 khẳng định đã ban hành Quyết định tạm đình chỉ vụ án số 14/KSĐT ngày 30/3/1990 và Quyết định số 03/KS ngày 4/3/1991 về việc đình chỉ điều tra bị can đối với Trần Ngọc Hùng, Nguyễn Thị May và Trần Thị Nga.
Trong quyết định đình chỉ điều tra bị can có ghi: "Quyết định này giao cho Trần Ngọc Hùng; Nguyễn Thị May và Trần Thị Nga mỗi người một bản để đảm bảo mọi quyền lợi và nghĩa vụ của công dân".
|
Cụ May cho biết trong số tài liệu mình nhận được không có quyết định đình chỉ điều tra bị can còn đại diện VKS khẳng định những người này "phải nhận được quyết định rồi". Ảnh: H.L.
|
Trao đổi với Zing, trung tá Bàn Tuấn Bắc, kiểm sát viên trung cấp của VKSQS Quân khu 1, cho biết: "Các cơ quan tố tụng đã tiến hành đầy đủ thủ tục tố tụng để phục hồi quyền lợi cho những người này. Những quyết định đó vẫn được lưu trong hồ sơ vì vụ án này chưa kết thúc, mới trong giai đoạn tạm đình chỉ điều tra".
Ông Bắc cũng cho biết cụ May đã gửi đơn tới nhiều cơ quan chức năng song tới tháng 4/2020, đơn vị mới chính thức nhận được đơn thư của gia đình. Sau khi tiếp nhận và xử lý đơn, VKSQS Quân khu 1 đã có công văn số 149/VKSQSQK1/TB và công văn số 18/CV-VKSQK về việc trả lời, giải quyết đơn thư của công dân.
Trong đó, VKSQS Quân khu 1 cho biết đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, quyết định đình chỉ điều tra bị can với 3 mẹ con cụ May. Các văn bản này đã được thông báo cho VKSND tỉnh Cao Bằng, UBND phường Tân An, UBND thị xã Cao Bằng và Phòng nhà đất thị xã Cao Bằng (nơi cụ May công tác) biết để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ trách nhiệm công dân với họ.
Nói về việc địa phương và các cơ quan được thông báo nêu trên không tìm thấy quyết định đình chỉ điều tra bị can trong hồ sơ lưu trữ, đại diện VKS cho biết: "Chúng tôi là cơ quan trực tiếp xử lý vụ việc, do đó không thể hủy tài liệu. Với các cơ quan khác, họ chỉ là đơn vị phối hợp. Sau một thời gian nhất định, họ rà soát thấy tài liệu không còn liên quan tới công việc thì tiến hành tiêu hủy là chuyện bình thường".
VKS từ chối xin lỗi công khai
Nói về yêu cầu bồi thường của gia đình, đại diện VKSQS Quân khu 1 cho rằng yêu cầu này không có căn cứ giải quyết do vụ việc đã hết thời hiệu yêu cầu bồi thường. Viện dẫn Nghị quyết 388/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan tố tụng nói thời hiệu yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại là 2 năm, kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực.
Theo VKS, điều 5 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 cũng quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường là 2 năm tính từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản. Còn theo điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, thời hiệu yêu cầu bồi thường là 3 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản liên quan.
Ông Bắc cho rằng suốt 30 năm qua, 3 mẹ con cụa May đã được hưởng mọi quyền, lợi ích cơ bản của công dân và nhận được quyết định từ đơn vị. Nếu không có các quyết định đó, chính quyền địa phương không thể có căn cứ để khôi phục quyền công dân cho họ.
Đại diện VKSQS Quân khu 1 cũng cho biết sẽ không tổ chức xin lỗi công khai 3 mẹ con cụ May. "Các cá nhân đó phải nhận được quyết định của VKS rồi thì họ mới được hưởng những quyền lợi đó cho tới bây giờ. Vì vậy, VKS sẽ không tiến hành xin lỗi công khai do quyền, lợi ích của họ không bị ảnh hưởng trong suốt 30 năm qua".
“Danh dự phải là những người có công việc bị ảnh hưởng, còn một công dân bình thường họ đang đi làm và vẫn tiếp tục quay lại đi làm nên không coi là bị ảnh hưởng về danh dự. Hoặc ảnh hưởng mất chức vụ hoặc không được hưởng các chế độ Nhà nước nữa thì lúc đó mới xin lỗi. Còn ở đây suốt 30 năm họ vẫn được hưởng các chế độ", trung tá Bắc nói.
|
VKSQS Quân khu 1 từ chối xin lỗi vì cho rằng cụ May đã hưởng đầy đủ mọi quyền lợi của công dân suốt 30 năm qua. Ảnh: H.L.
|
Tuy nhiên, luật sư Hà Kim Tâm (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình cụ May) cho biết do cơ quan tiến hành tố tụng bắt tạm giam nhưng sau đó không chứng minh được hành vi phạm tội của mẹ con cụ May nên gia đình họ được quyền yêu bồi thường.
Viện dẫn tiếp quy định tại Khoản 1, Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, luật sư cho rằng việc VKS từ chối giải quyết yêu cầu xin lỗi và bồi thường oan sai của gia đình cụ May là không đúng quy định pháp luật.
"Về thời hiệu giải quyết yêu cầu bồi thường, vì gia đình chưa nhận được quyết định đình chỉ điều tra vụ án hay đình chỉ điều tra bị can của VKS nên gia đình cụ May vẫn có quyền yêu cầu bồi thường", luật sư Tâm nhận định.
Con Trần Ngọc Dũng cho biết cụ May năm nay đã bước sang tuổi 84. Nếu VKSQS Quân khu 1 vẫn giữ nguyên quan điểm không bồi thường, ông Dũng mong muốn cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức xin lỗi công khai.
"Suốt 30 năm qua, gia đình chúng tôi luôn sống trong tủi hổ vì bị mọi người chửi bới, khinh thường, coi là những kẻ giết người. Trước mắt, chúng tôi mong VKS xem xét, tổ chức xin lỗi để mẹ chúng tôi được yên lòng, thanh thản trong những ngày tháng cuối đời", ông Dũng chia sẻ.