Chiều 23/8, Viện Vật lý địa cầu cho biết, lúc 14h8 phút 4 giây chiều 23/8) (giờ Hà Nội), một trận động đất có độ lớn 4.7 độ Richter đã xảy ra tại huyện Kon Plông, Kon Tum. Trận động đất xảy ra ở độ sâu 8,2km, gây chấn động một khu vực rộng lớn. Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã phát đi cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 1.
Số liệu thống kê của Viện Vật lý địa cầu, đây là trận động đất mạnh nhất xảy ra ở Kon Tum trong hơn một thế kỷ qua ở khu vực này.
|
Bản đồ chấn tâm động đất. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu |
Trận động đất thứ 2 xảy ra lúc 14h11 phút 36 giây (giờ Hà Nội) ngày 23/8 có độ lớn 3.6 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.796 độ vĩ Bắc, 108.252 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Trước đó, trận động đất mạnh nhất có độ lớn 4.5 độ Richter xảy ra ngày 18/4, gây rung chấn mạnh cho Kon Plông và khu vực lân cận.
Tháng 4/2022, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã họp ứng phó với hoạt động động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Tại cuộc họp này, TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, trong khoảng thời gian từ năm 1903 đến năm 2020, trên khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) và lân cận ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên.
Từ tháng 4/2021 đến nay, thống kê cho thấy, hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có tần xuất xảy ra thường xuyên và xu hướng mạnh dần. Cụ thể, trong năm 2021 đến nay ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn từ M >=2.5. Riêng từ 15-18/4, đã ghi nhận động đất xảy ra liên tục tại khu vực này với tổng số 22 trận động đất với độ lớn M = 2.5 đến 4.5.
Theo ông Nguyễn Xuân Anh, nhiều số liệu cho thấy hiện tượng động đất tại khu vực Kon Plông có tần suất xảy ra thường xuyên hơn gần đây và xu hướng mạnh dần. Thời gian tới, tại đây có thể xảy ra các trận động đất có độ lớn 5-5,5.
Đánh giá sơ bộ của Viện Vật lý địa cầu, hiện tượng động đất ở Kon Tum là động đất kích thích. Nghĩa là có tác nhân nào đó, chẳng hạn như thủy điện hay một số tác động nào đó kích hoạt tạo ra động đất.
Dẫn chứng vào tháng 3/2021, một thủy điện tại đây tích nước, sau đó liên tiếp xảy ra các trận động đất, ông Nguyễn Xuân Anh cho biết, với tình huống hiện tại cần tiếp tục quan trắc hoạt động động đất và tiến hành nghiên cứu các đứt gãy ở khu vực cũng như vấn đề tích nước của các hồ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thương vong tăng nhanh sau vụ động đất ở Haiti:
Hải Ninh