“Phát hiện con cá mú to ẩn nấp trong hang, chúng tôi tiến lại gần, trực tiếp dùng tay thò vào hang để bắt. Và không ít lần tôi bị hàm răng sắc nhọn của những chú cá mú khổng lồ cắn đứt tay”.
Dùng tay không bắt cá mú vài chục kg
Câu chuyện của thợ lặn Hoàn Văn Đoán (49 tuổi), xã Kỳ Nam (Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) khiến chúng tôi nhiều phen phải “nổi da gà”.
Anh Đoán vốn quê ở xã Kỳ Lợi, một mảnh đất mà theo anh nói, tất cả trai tráng cứ đến độ tuổi 18 là ra biển lặn cá, tôm, mực... về bán lấy tiền trang trải cuộc sống.
Và đến nay, dù chuyển lên khu dân cư mới, anh cùng người dân ở Kỳ Lợi, vẫn “đeo bám” nghề lặn biển này.
Bên hiên nhà gió thổi vào mát lộng, anh Đoán tâm sự: “Người dân chúng tôi, dù đi đâu cũng bám biển mà sống. Bởi nếu xa biển, chắc chúng tôi sẽ...chết đói”.
Nói về nghề lặn của làng mình, giọng anh Đoán tỏ vẻ tự hào: “Từ thế hệ cha ông cho đến nay, chỉ có người dân từ các nơi đến đây học lặn, chứ chúng tôi không phải đi đâu học cả. Tính từ độ tuổi 18 đến 45, làng tôi có khoảng 800 thợ lặn”,
|
Mỗi lần phát hiện thấy mực, cá... thợ lặn Đoán sẽ nhanh tay dùng chĩa đâm trúng |
Anh Đoán cùng các “kình ngư” ở đây lặn biển và bắt tất cả các loại hải sản từ cá, tôm, mực, nghêu, sò... bằng tay.
“Các loại tôm nằm chủ yếu nằm trong hang, mình chỉ cần dùng tay thò vào hang là bắt được. Các loại nghêu, sò... phải đào sâu xuống cát mới bắt được. Các loại mực, cá mú, cá hanh... thì ngay khi nhìn thấy, mình phải nhanh tay dùng chĩa để đâm”, “kình ngư” Đoán kể lại.
“Đối với các loại cá to hơn (khoảng vài chục kg), thường sống trong hang. Muốn bắt được, mình phải trực tiếp thò tay vào hang. Đã không ít lần tôi bị những con cá hung dữ cắn bị thương ở tay vì “cả gan” đột nhập vào “nhà” của chúng”, ông Đoán chia sẻ thêm.
Theo tin tức tìm hiểu, mỗi chuyến ra biển, thợ lặn có thể đánh bắt được hàng chục kg hải sản các loại. Trung bình thu về mỗi người khoảng 300 đến 500 nghìn đồng. Thậm chí có ngày “trúng mánh”, các thợ lặn có thể mang về thu nhập hàng chục triệu đồng.
Theo anh Đoán chia sẻ, việc lặn biển diễn ra quanh năm, trừ những ngày biển động, mưa bão.
Tử thần luôn “rình rập”
Nghe anh Đoán chia sẻ thông tin, chúng tôi đã hình dung ra rất nhiều rủi ro mà thợ lặn phải đối mặt. Mỗi lúc như vậy, tôi liền hỏi anh: “Có sợ không”?. Anh trả lời dứt khoát: “Sợ thì lấy gì mà ăn”.
Thông thường, các thợ lặn không thể làm việc “đơn thương, độc mã” mà phải có từ 2 đến 3 người cùng phối hợp.
Theo đó, các thợ lặn cho thuyền đến địa điểm có hải sản. Sau khi công tác chuẩn bị được thực hiện xong, một thợ lặn sẽ quăng mình xuống nước cùng với hệ thống hỗ trợ oxi và một sợi dây dài làm cầu nối cho thợ lặn và người ở trên thuyền.
Lúc này, trên thuyền luôn có ít nhất 1 người theo dõi, xử lý tất cả các sự cố có thể diễn ra bất cứ lúc nào, đồng thời chờ để kéo hải sản mà thợ lặn bắt được dưới đáy biển lên thuyền.
Tùy theo địa hình từng vùng biển, nhưng trung bình họ lặn ở độ sâu khoảng 15 đến 20 sải nước (1 sải bằng 1,6m).
|
Nghề thợ lặn luôn đối diện với rất nhiều rủi ro. |
Chính vì lặn sâu, nên các thợ lặn rất dễ gặp phải tai nạn “giảm áp”, tức là bị sức ép của nước, khi ngoi lên mặt nước sẽ đứt mạch máu và chết.
Với hơn 30 năm làm nghề lặn ở rất nhiều vùng biển khác nhau như đảo Phú Quốc, đảo Cát Bà... và vùng biển quê hương, anh Đoán đã đau xót chứng kiến hàng chục thợ lặn bị tai nạn nghề nghiệp tử vong.
“Hiện ở địa phương vẫn có một số người bị bại liệt hoặc tàn tật suốt phần đời còn lại vì nghề lặn biển, nhìn thấy những những bạn nghề như vậy, chúng tôi vô cùng đau đớn”, anh Đoán buồn bã chia sẻ.
Không chỉ có chứng giảm áp, nghề thợ lặn còn phải đối diện với rất nhiều tai nạn nghề nghiệp khác đe dọa trực tiếp đến tính mạng như máy khí bị hư hỏng, nổ bình chứa khí, chuột rút... Nhưng tất cả, vì miếng cơm, manh áo nên hàng ngày, họ vẫn phải đánh cược mạng sống của mình...
Theo Người đưa tin