Cả đời mê nghề cơ khí
Kỹ sư Bùi Hiển tên thật là Nguyễn Bùi Hiển (SN 1954, ngụ phường An Thạnh, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Bố mẹ ông là Việt kiều Thái Lan gốc Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Năm cậu bé Hiển lên 10 tuổi, bố mẹ rời Thái Lan về quê sinh sống bằng nghề rèn truyền thống, sản xuất cân xách tay. Cậu bé ham học hỏi nghề cơ khí từ ấy.
Năm 1972, lúc 18 tuổi, ông nhập ngũ. Năm 1978 ông xuất ngũ, xin vào làm trong một cơ sở sửa chữa cơ khí của lâm trường ở Tân Uyên, Sông Bé (nay là Bình Dương).
|
Chiếc máy bay “thế hệ hai” được chế tạo với chi phí 400 triệu. |
Mãi đến năm 1985, lúc 29 tuổi, khi chuyển công tác về Sở Lâm nghiệp tỉnh Sông Bé, ông mới thi vào Đại học Nông Lâm TP.HCM, Khoa Cơ khí, hệ tại chức.
Học xong, ông xin chuyển về Sở Công nghiệp điều hành xưởng sửa chữa ôtô. Giấc mơ cơ khí thuở ấu thơ sau hơn 20 năm mới thành hiện thực. Thời điểm này loại xe hơi tay lái nghịch được nhập khẩu ồ ạt. Ông bàn với vợ lấy 14 cây vàng dành dụm mua một chiếc Daihatshu nghiên cứu cách chuyển tay lái nghịch thành thuận và thành công.
Từ hai bàn tay trắng, ông Hiển tạo dựng cơ ngơi là một gara sửa chữa xe ô tô, tậu thêm nhiều bất động sản. Ông có hai con trai đều tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP.HCM.
Dù mang nặng ước mơ sáng chế một chiếc máy bay tự chế chính tay mình cầm lái, nhưng do công việc bề bộn, con cái chưa yên bề, ông vẫn lỡ hẹn hàng chục năm.
Mãi đến năm 2011, các con tốt nghiệp, ông Hiển bàn giao hẳn gara sửa chữa xe cho hai con. Từ đấy ông mới chính thức bắt tay vào nghiên cứu các chi tiết máy hình thành một chiếc máy bay.
Mày mò hơn hai năm
Ban đầu ông mày mò sáng chế ra chiếc máy bay mô hình đồ chơi điều khiển từ xa. Loại máy bay này sử dụng động cơ máy cưa làm động cơ chính. Bằng khả năng hiểu biết, sách báo nước ngoài, ông tiếp tục sáng chế máy bay mô hình có cánh quạt đuôi. Ông tự chế độ đến 70% phụ tùng, chỉ 30% phải mua từ bên ngoài.
Chưa dừng lại, ông tiếp tục nghiên cứu, quyết định đi một bước dài hơn. Đó là chế tạo máy bay có thể chở người. “Nhận thấy loại máy bay có hai cánh quạt đồng trục là dễ chế tạo nhất, tôi liền bắt tay làm ngay. Nói thì dễ nhưng để có đủ lý thuyết và thiết bị chế tạo thành một chiếc máy bay, chuyện không phải đơn giản. Tôi phải tự tìm hiểu suốt hơn hai năm mới thành công” ông Hiển hồi ức.
Loại máy bay mới ông Hiển sử dụng động cơ là động cơ ca nô. Điều quan trọng thứ hai là chế tạo cánh quạt. Ban đầu ông thử dùng sợi thủy tinh nhưng thất bại. Dùng nhôm cũng không được, đến bộ cánh quạt thứ ba bằng inox mới thành công.
Trong các tài liệu liên quan đến sản xuất máy bay trên thế giới, chưa ai chế tạo cánh quạt bằng inox, chỉ có ông Hiển là duy nhất.
Chiếc máy bay đồng trục do ông Hiển chế tạo có trọng lượng 250kg (chưa tính người lái), dài 2,95m, rộng 1,2m, cao 2,4m, hai tầng cánh, độ dài sải cánh 4,52m.
Công suất của thiết bị này trên 100 mã lực, tốc độ quay tối đa 12.000 vòng/phút, chỉ cần duy trì 6.500 vòng/phút là chiếc máy bay có thể bay ổn định. Chi phí đầu tư chế tạo khoảng 200 triệu.
Theo tính toán của ông Hiển, khi bay trên bầu trời và thuận lợi các điều kiện môi trường, đặc biệt là gió, trực thăng tự chế này có khả năng bay ở độ cao 200m, tốc độ bay 150-200km/giờ. Trung bình một giờ bay nhiên liệu cần khoảng 15 lít xăng A92.
“Về mặt lý thuyết tính toán trên giấy tờ là như thế. Nhưng do phương tiện kỹ thuật vật liệu mình còn khá sơ sài, chưa đảm bảo đúng quy định, nên có thể chiếc máy bay đồng trục có cất cánh cũng đạt độ cao và tốc độ thấp. Mặt khác do sử dụng động cơ ca nô nên máy bay rất nhanh nóng, nước không đủ làm mát được, nên chỉ sau độ một giờ là cần phải tắt máy giảm nhiệt”, ông Hiển kể.
Cuối năm 2013, ông Hiển đưa chiếc máy bay của mình ra sân bãi, chính thức cho cất cánh trước sự chứng kiến của nhiều người.
Tự học làm phi công
Để chiếc máy bay đồng trục cất cánh, ông Hiển đã tự học làm phi công. Ông chia sẻ: “Lái máy bay không phải dễ, nhất là những chiếc máy bay tự mình chế tạo ra. Mình không lái được, hoặc không dám lái, thì không có phi công chuyên nghiệp nào dám lái cả. Bởi thế tôi mới phải học phi công. Ban đầu tôi cài phần mềm lái các loại máy bay trên máy tính”.
Loại phần mềm này tương tác như ngoài đời thật. Phải mất nửa tháng, ông mới có thể tự điều chỉnh lái máy bay “ảo” trên máy tính.
Các phi công trên thế giới đều được đào tạo, huấn luyện bay bằng mô hình, có trường lớp, có giáo viên hướng dẫn, riêng ông Hiển thì tự thân vận động. Ông mang chiếc máy bay ra bãi đất trống dùng dây níu, cố định cánh quạt lại, không cho nghiêng sang bên trái hay bên phải. Chiếc máy bay chỉ được phép lên xuống. Phải tập luyện cả tháng mới quen với tay lái.
Chiếc máy bay có cánh quạt nên việc giữ thăng bằng rất khó, chỉ cần nhích một ít là nghiêng và nếu không kịp chỉnh tay lái sẽ lật nhào ngay. Chiếc máy bay của ông không có thông số hay cảm biến chuyên nghiệp. Mọi thứ đều nhờ giác quan của người lái.
Sau một tháng quen dần, ông mới bắt đầu mở các dây cánh quạt, tự bay được. Ban đầu ông bay thấp, sau đó bay cao hơn nữa. Chiếc máy bay đồng trục ông đã cho bay cao hơn 1m, đứng trên không trung 15 phút.
Khả năng làm phi công của ông Hiển chưa hoàn thiện, vẫn đang tự mình học thêm những kỹ năng, những bài tập trên mạng, thì bị cơ quan chức năng “tuýt còi”. Trực thăng của ông bị bị cấm bay vì chưa kiểm định được độ an toàn.
Nguy cơ phí hoài công sức
Chiếc máy bay “thế hệ một” được ông Hiển mang vào nhà kho. Ông bắt đầu chế tạo chiếc máy bay “thế hệ hai” có độ khó cao hơn. Đó là chiếc máy bay có cánh quạt đuôi.
Ông Hiển giải thích: “Loại máy bay này có động cơ phức tạp hơn, khó điều chỉnh hơn, nhưng bù lại có nhiều điểm ưu việt”. Máy bay này cần có loại máy cân bằng động hai cánh cực kỳ chính xác, nhưng loại máy này rất hiếm, chỉ vài nơi có được.
Ông Hiển mua một động cơ dành riêng cho loại xe đua công thức 1 của Mỹ. Tiếp đó ông làm cánh quạt, khung, đuôi. Chiếc máy bay thứ hai được "hạ sinh" vào tháng 9/2014, cơ chế máy bay hai cánh quạt - cánh đơn hỗ trợ cánh đuôi. Máy bay nặng 340kg, sử dụng động cơ 171 mã lực, tiêu tốn khoảng 15 lít xăng A92 mỗi giờ.
Máy bay có chiều dài 7,4m, cao 2,4m. Chiều dài cánh quạt chính là 6,6m và chiều dài cánh quạt phía sau là 1,1m. Khung, cánh quạt bằng inox cao cấp, kính chắn gió chịu lực. Vận tốc tối đa khi bay đạt 200 km/h, trần bay dưới 500m, tầm hoạt động liên tục trong hai tiếng. Động cơ được trang bị hệ thống giải nhiệt của xe hơi. Trọng lượng cất cánh có tải tối đa 500kg. Số tiền ông bỏ ra để chế tạo máy bay này khoảng 400 triệu.
Ông Hiển nhớ lại: “Tôi lại lén lút tập bay. Sợ người dân hiếu kỳ tập trung đông có thể gây nguy hiểm, bắt đầu từ 5h sáng, tôi kéo máy bay ra tận khu đất trống cách gara xe gần 10km. Sau nhiều lần tập bay, tôi gần như làm chủ được chiếc may bay của mình”.
Theo kỹ sư Bùi Hiển, ông đang tập lái chiếc trực thăng “made in Việt Nam” thứ hai này cho đủ số giờ bay, qua đó nhằm kiểm tra độ ổn định, an toàn của máy bay cũng như tay lái vững vàng. Sau đó ông mới làm các thủ tục xin cấp giấy phép liên quan đến vấn đề bay.
Thế nhưng khi hay tin ông Hiển tập bay, cơ quan chức năng sớm tuýt còi một lần nữa bởi lý do an toàn. "Tôi rất buồn trước yêu cầu này, mong sao cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện cần thiết để tôi có cơ hội. Với tôi thời gian bây giờ rất quan trọng, tôi không còn trẻ nữa. Cả đời tôi đau đáu với mơ ước làm sao mình có thể chế tạo được máy bay, đến giờ máy bay đã thành hình và đang tập bay thì bị cấm, máy bay bị xếp xó”, ông Hiển chia sẻ.
Mời quý độc giả xem video:
Theo Báo Pháp Luật