Trung ương Hội sinh vật cảnh Việt Nam công nhận 725 cây Pơmu cổ thụ ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) là Cây di sản Việt Nam đánh dấu sự kỳ vĩ của “vương quốc Pơmu” có một không hai ở Việt Nam và trên thế giới. Điều đáng nói, trước vấn nạn phá rừng tràn lan như hiện nay, việc bảo vệ và tồn tại một khu rừng Pơmu quý giá đó như một kỳ tích…
Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi về Tây Giang, huyện miền núi khó khăn nhất của của tỉnh Quảng Nam. Ước mong thâm nhập vào “vương quốc Pơmu” cổ thụ đã có từ lâu nhưng giờ mới có dịp thỏa nguyện khi con đường vào Pơ mu được lãnh đạo huyện Tây Giang dày công khai phá nhiều năm qua…
Lạc vào “vương quốc Pơmu”
Tây Giang những ngày nắng hè thường có những trận mưa chiều nên để đến được rừng cây kỳ bí này quả là một điều không dễ. Chiếc xe bán tải hai cầu cài số 1 nhưng vẫn rù rì mãi mới lên được nhưng ngọn núi cao vút. Nhiều đoạn trơn trượt khiến bánh xe quay mãi nhưng vẫn nằm một điểm. Thế nhưng, nhiều năm qua, lãnh đạo huyện Tây Giang và nhân dân đã lên đây vô số lần để kiểm đếm, khám phá, làm đường, bảo vệ…mới có khu rừng kỳ vĩ , được nhiều người biết đến như ngày hôm nay.
|
Cây Pơmu tên Rồng. |
Sau khi có quyết định công nhận 725 cây Pơmu là Cây di sản, huyện Tây Giang vừa đầu tư một khu trung tâm với khoảng 10 nhà Gươl (nhà truyền thống của người Cơ Tu), ngay tại “trái tim” của khu rừng Pơmu. Và cạnh đó là khu bia chứng nhận Cây di sản. Đứng ở khu trung tâm, hướng tầm mắt từ phía rừng xa thẳm xung quanh, những thân cây Pơmu cao lớn, thẳng đứng, vững chắc tỏa bóng mát xanh khiến ta như lạc vào chốn thiên đường…
Từ khu trung tâm, chúng tôi theo chân ông Bh’riu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, được xem là người phát hiện và góp công khám phá, bảo tồn, tận hiện nhiều nhất cho “vương quốc Pơmu” cho đến thời điểm hiện tại. Theo ông Bh’riu Liếc, khu rừng Pơmu nằm ở độ cao 1400 m so với mực nước biển.
Chúng tôi đi lên phía đồi cao khoảng gần 500 m thì đến được cây Pơmu có tên gọi là Ngũ Hổ, cây lớn thứ 3 tại khu rừng này. Tận mắt chứng kiến, chúng tôi không thể tin vào mắt mình với công cây Pơmu cổ thụ vưới đường kính gần 3,5m, cao gần 25m. Đi thêm vài trăm mét nữa là cây Pơmu với tên gọi là cây Rồng còn kỳ bí hơn. Chủ một rễ cây của cây Pơmu này đã lớn hơn những cây lớn khác.
Theo ông Bh’riu Liếc, cây kỷ lục nhất ở khu rừng Pơmu cổ thụ này là cây Voi (vì nhìn hình thế ở phía dưới chân cây giống con voi) với đường kín gần 4m, phải hơn 10 người ôm. Từ trung tâm khu rừng đi sâu vào hơn một tiếng đồng hồ mới tới cây Pơmu Voi trên.
Kỳ công khai mở
“Cây này được một vị giáo sư người Mỹ qua khám phá, nghiên cứu, tuy đã mang khoan cỡ lớn để đo tuổi cây nhưng khi khoan vào thì chưa thấu bên kia. Thế là ông này phải về bên kia, vài tháng sau mang khoan khủng hơn mới khoan hết phần thân cây phía dưới. Theo tính toán thì cây Pơmu có tên là Voi có năm tuổi là 1823 năm”, ông Bh’riu Liếc kể lại.
“Ước mong của chúng tôi về lâu dài là Nhà nước cần thành lập khu vực rừng Pơmu là khu bảo tồn thiên nhiên thì công tác bảo tồn có giá trị bền vững hơn. Nhưng đó là việc lâu dài, còn trước mắt khi 725 cây Pơmu được công nhận là Cây di sản như đã ghi nhận công lao bấy lâu, bao thế hệ nơi đây, nên bà con luôn quyết giữ khu rừng có một không hai này. Tuy nhiên, trước mắt, trong khả năng của huyện, để có nguồn kinh phí hỗ trợ, mua sắm trang thiết bị bảo hộ cho tổ đội bảo vệ rừng, việc làm đường sá để hình thành khu du lịch khám phá còn gặp muôn vàn khó khăn nên Nhà nước, các tổ chức và cá nhân cần quan tâm, cùng chung tay với Tây Giang bảo vệ, bảo tồn khu rừng quý giá này và ước mong mở một khu du lịch sinh thái, tuor khám phá khu rừng Pơmu cổ thụ sớm thành hiện thực”, ông Bhling Mia chia sẻ.
Theo ông Bh’riu Liếc, để khám phá ra khu rừng Pơmu quả là một kỳ công. Việc tìm hiểu, kiểm đếm, khai phá con đường đi đến các cây Pơmu mất rất nhiều thời gian và công sức. Khi phát hiện ra những cây Pơmu cổ thụ kỷ lục trước năm 2000 nhưng đến năm 2011 mới bắt đầu triển khai các công tác “vinh danh” rừng cây cổ thụ này.
Trước đó, công tác bảo vệ đã thực hiện nghiêm ngặt. Tại các thôn bản, có từng tổ đội tham gia bảo vệ rừng nói chung, đặc biệt là bảo vệ cây Pơmu cổ thụ nói riêng nên khẳng định hàng chục năm qua chưa một cây Pơmu nào bị lâm tặc đốn hạ.
Để có con đường đến trung tâm rừng Pơmu hôm nay, huyện đã huy động nhiều nhân lực, vật lực trong nhiều năm liền. Còn nghiên cứu mở con đường mòn đi khám phá rừng cây này thì càng vất vã hơn nhiều. Nhiều lần đoàn công tác của huyện dày công đi kiểm đếm, đánh số từng cây, xác định ở từng vị trí và mở đường mòn nhiều lần để đi đến thống nhất có con đường dễ đi như hôm nay.
Đoàn công tác của huyện đi trước, cột dây lanh để làm dấu, còn bà con đi sau phát quang. Khi thấy đường đi còn khó, còn gập ghềnh thì lần sau phải khám phá đường khác, làm dấu và tạo ra một con đường ngắn nhất, nhưng dễ đi nhất để sau này mở “tour khám phá rừng Pơmu cổ thụ” đã nằm trong ý tưởng sớm trở thành hiện thực của huyện.
“Vương quốc Pơmu” độc nhất vô nhị
Theo ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, Cây Pơmu có tên khoa học Fokienia hodginsii (Dunn), thuộc họ Hoàng đàn (Cupressaceae), tập trung tại hai địa bàn 2 xã Tr’hy và Axan (thuộc huyện Tây Giang). Theo số liệu điều tra khảo sát của BQL rừng phòng hộ Bắc Sông Bung (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam) quần thể phân bố trên diện tích 240ha.
Trong số 1.366 cây Pơ mu đếm được, hiện có 725 cây có chu vi từ 2,40 m trở lên. Chu vi cây được đo tại vị trí cách mặt đất 1,3m; được đánh số từng cây và tọa độ GPS. 725 cây Pơmu được công nhận là Cây di sản Việt Nam có độ tuổi trên 250 năm, cây lớn nhất trên 1.000 tuổi, có chu vi 7,52m.
“Để xác định tuổi cây bằng phương pháp bằng phương pháp khoan tăng trưởng trên thân cây để xác định độ dày của từng năm sinh trưởng. Hiện tại quần thể Pơ mu vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, được chính quyền và nhân dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt, một số cây bị chết do sét đánh và một số cây bị gãy cành do gió bão và tuổi tác. Chính quyền và nhân dân địa phương cùng với sự giúp đỡ của một số cơ quan, tổ chức và các nhà khoa học đang nghiên cứu các phương pháp chống sét cho quần thể cây Pơ mu đặc biệt này”, ông Bhling Mia nói.
Già làng Clâu Blao (trú thôn Vòng, xã Trà Hy), người được vinh danh mang tên “con đường Blao” vì ông đã có công khai phá, làm nên trong nhiều năm liền. Già Clâu Blao cho biết, cây Pơmu theo tiếng Cơ Tu là Hynghee. Đây được xem là cây thiêng, nên từ xưa, đồng bào chỉ dùng để làm quan tài (hòm) khi có người tạ thế. Làm nhà, bàn ghế, hay những vật dụng trong gia đình thì họ không bao giờ đụng đến . Đây là một loài cây quý và có tính chất linh thiêng nên đồng bào ai cũng muốn gìn giữ cây này như báu vật của làng.
“Giờ rừng cây Pơmu cổ thụ được vinh danh thì bà con nơi đây vui lắm, nghìn năm gìn giữ quả không hoài công và mãi sau này vẫn thế”, già Clâu Blao cười tươi.
Bảo vệ Pơmu như mạng sống của mình
Với mục tiêu “Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong”, bao đời qua, người dân Tây Giang luôn quyết tâm bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng Pơmu.
“Quần thể cây Pơmu được chính quyền và nhân dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt và gần như còn nguyên vẹn. Nhằm bảo tồn tốt hơn nữa, Chính quyền và nhân dân địa phương lâp hồ sơ đề nghị và được Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận quần thể cây gỗ quý Pơmu “độc nhất vô nhị” ở Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung và đã được công nhận là Cây di sản”, ông Bhling Mia nhấn mạnh.
Theo ông Bhling Mia, quần thể cây Pơmu gắn liền với văn hóa và đời sống của người Cơtu. Theo truyền thống của người Cơtu, những cây to trong rừng, hoặc là chỗ trú ngụ của thần linh, hoặc là nơi linh hồn người chết trú ẩn. Việc chặt cây làm nhà phải có sự đồng ý của bản làng, phải làm lễ cúng để xin chặt cây. Người làng khác cũng không được xâm phạm phần đất, phần rừng của nhau theo ranh giới đã quy ước. Quần thể cây Pơmu cũng là nhân chứng lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc Tây Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.
Ông Hốih Mia - Bí thư Chi bộ Ga Ninh (xã A Xan) được Huyện giao nhiệm vụ đội trưởng, bảo vệ khu vực rừng trung tâm khu rừng Pơmu cổ thụ. Ông Hốih Mia nói, để bảo vệ được khu rừng như ngày hôm nay, hàng chục năm qua từng tổ đội họp dân thường xuyên, với quyết tâm “không để một cây Pơmu bị đốn hạ, nếu mất một cây như mất một người thân vậy, nên mỗi người dân nơi đây đều là tai mắt, thương Pơmu như thương chính người thân của mình”.
Ông Hốih Mia, đưa hàng chục đoàn đi khảo sát, ngày ngày theo sát Pơmu cổ thụ nên ở điểm nào, đặc điểm gì như nằm trong lòng bàn tay. “Người dân bảo vệ rừng nơi đây chỉ mới nhận hỗ trợ lương thực thôi nhưng không vì khó khăn mà họ không bảo vệ rừng, vì rừng chính là cuộc sống của bà con”, ông Hốih Mia tâm sự.
Mời quý độc giả xem video Trâu điên tấn công người ở Lâm Đồng (nguồn Youtube):
Theo Công An TPHCM