Mong muốn kiều bào cùng TP HCM thực hiện thành công Nghị quyết 98
Ngày 8/5, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (UBVNVNƠNN) TP HCM đã tổ chức tọa đàm quốc tế “Vai trò cộng dồng doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với sự phát triển TP HCM theo Nghị quyết số 98/2023/QH15; Chỉ thị số 27-CT/TU; Nghị quyết số 18/NQ-HĐND”.
|
Chủ nhiệm UBVNVNƠNN TP.HCM Vũ Thị Huỳnh Mai mong muốn cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt ở nước ngoài chung tay cùng TP.HCM thực hiện thành công Nghị quyết 98 của Quốc hội. |
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm UBVNVNƠNN TP HCM Vũ Thị Huỳnh Mai cho biết: Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM” được Quốc hội thông qua ngày 24/6/2023, thì ngày 8/7/2023 Thành ủy TP HCM đã có Chỉ thị số 27-CT/TU về “Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội”, đến ngày 10/7/2023 HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết 18/NQ-HĐND về “Triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội”.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, UBVNVNƠNN TP HCM đã chủ động tham mưu lãnh đạo TP HCM triển khai thực hiện nhiều nội dung nhằm phát huy tối đa nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài góp vào sự phát triển chung của TP HCM. Có thể kể đến một số đề án, như: “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài”; “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới”; “Chính sách kiều hối trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2024-2030”…
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai cũng mong muốn đại biểu tham dự tọa đàm cùng thảo luận và đưa ra giải pháp thiết thực để chung tay với TP HCM thực hiện thành công Nghị quyết 98 của Quốc hội; Chỉ thị số 27-CT/TU và Nghị quyết số 18/NQ-HĐND.
|
Tọa đàm quốc tế nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt ở nước ngoài và đại diện các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở ngoài nước. |
Tham gia tọa đàm trực tuyến, bà Đỗ Thị Bích Ngọc- đại diện Văn phòng Khoa học - Công nghệ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc chia sẻ: Hàn Quốc là quốc gia phát triển đứng thứ 12 thế giới, đứng thứ 5 về đầu tư cho R&D và đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong những ngành công nghiệp chip bán dẫn, công nghệ sinh học, kỹ thuật số, không gian vũ trụ…
''Đối với ngành công nghiệp bán dẫn, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch thành lập cụm bán dẫn Mega lớn nhất và tiên tiến nhất thế giới để tiến đến mục tiêu đạt được 10% thị phần bán dẫn hệ thống trở lên và có thể tự chủ 50% chuỗi cung ứng. Chính phủ và các doanh nghiệp Hàn Quốc đặt mục tiêu tạo ra cơ sở sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới bằng cách thúc đẩy một hệ sinh thái bao gồm các công ty vật liệu, linh kiện và thiết bị có liên quan, các viện nghiên cứu bán dẫn công cộng, và các trường đại học nuôi dưỡng nhân tài, nhằm thiết lập lên một hệ sinh thái bán dẫn hệ thống''- Bà Ngọc chia sẻ.
Nguồn nhân lực chất lượng cao còn rất nhiều ở nước ngoài
Theo bà Bích Ngọc, hiện nay có khoảng 80.000 du học sinh, sinh viên Việt Nam tại các trường đại học; đội ngũ lưu học sinh đang theo các chương trình sau đại học, tiến sĩ, sau tiến sĩ tại các ngành, lĩnh vực. Trong số đó có nhiều lưu học sinh trở thành Giáo sư giảng dạy tại các trường đại học của Hàn Quốc. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao mà Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng cần có cơ chế thu hút để khai thác tối đa đóng góp của nguồn lực này. Về đội ngũ doanh nhân người Việt, hiện nay Hàn Quốc có Hội Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt-Hàn, Chi nhánh Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc.
|
TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu CNC TP.HCM, cho biết Khu CNC ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong 3 lĩnh vực. |
“Với vai trò là cơ quan đại diện cho Việt Nam tại Hàn Quốc, Đại sứ quán luôn là nơi quy tụ, bảo trợ các hội đoàn để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các hội đoàn nói chung cũng như mạng lưới nhà khoa học, trí thức, doanh nhân người Việt trong việc đóng góp cho quê hương, đất nước. Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành với TP HCM trong các chương trình hợp tác cụ thể với Hàn Quốc trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo”, bà Đỗ Thị Bích Ngọc khẳng định.
Đại biểu cũng nghe tham luận của bà Trần Tuệ Tri - Cố vấn cấp cao Việt Nam Brand Purpose (Singapore) về tiềm năng khởi nghiệp sáng tạo của TP. Thủ Đức nói riêng và TP HCM. Bà Tuệ Tri cho rằng, cần xây dựng khu tổ hợp dịch vụ tập trung cho đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là Trung tâm R&D ở 2 lĩnh vực: xanh và chip bán dẫn. Từ đó, giúp phát triển TP Thủ Đức trở thành đô thị thông minh, sáng tạo, là hạt nhân thúc đẩy cả vùng Đông Nam Bộ.
Để cụ thể, bà Tri giới thiệu mô hình Singapore đã thực hiện từ năm 2015 là khu tổ hợp dịch vụ tập trung JTC LaunchPad@One-North. One-North tạo ra một không gian chung bằng cách tái sử dụng đất và các tòa nhà bỏ không để làm nơi doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các chủ thể khác trong hệ sinh thái như nhà đầu tư, vườn ươm, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh được kết nối một cách hiệu quả. Cũng theo bà Tuệ Tri, mô hình nêu trên không chỉ có ở Singapore mà còn có ở các nước Đức, Pháp.
Cần đẩy mạnh thu hút nguồn lực tài chính quốc tế
Cũng theo bà Trần Tuệ Tri, cần đẩy mạnh kết nối quốc tế thu hút nguồn lực tài chính, chuyên gia, công nghệ từ nước ngoài vào TP.HCM giúp các doanh nghiệp SMEs và startup nâng cao năng lực và tăng trưởng quy mô ra quốc tế bằng cách tổ chức các sự kiện đổi mới sáng tạo quy mô quốc tế như “Tuần lễ sáng tạo và công nghệ”; hợp tác chiến lược với chính phủ các nước nhằm thúc đẩy các sáng kiến chung và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
“Chúng tôi sẵn sàng tổ chức chuyến đi trao đổi hợp tác giữa lãnh đạo TP Thủ Đức nói riêng và TP HCM nói chung với cơ quan chính phủ Singapore và các đối tác trong việc hợp tác này. Chúng tôi có thể kết nối các doanh nghiệp SMEs và Startup tham gia triển lãm, kết nối tại các chương trình Techfest trên toàn thế giới”, bà Trần Tuệ Tri khẳng định.
|
Bà Trần Tuệ Tri cho rằng cần xây dựng trung tâm R&D ở 2 lĩnh vực xanh và chip bán dẫn để phát triển TP.HCM.
|
Từ Thụy Sĩ, bà Nguyễn Thị Thục- Chủ tịch sáng lập Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam - Thụy Sĩ SVBG, tham dự tọa đàm trực tuyến với bài tham luận về việc hỗ trợ kết nối, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài (Thụy Sĩ) vào TP HCM trong lĩnh vực logistics.
Bà Thục chia sẻ, tại hội nghị của UBVNVNƠNN TP.HCM ngày 10/10/2023 về Nghị quyết 98 của Quốc hội với cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, bà có đề xuất hỗ trợ TP HCM trong dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với đối tác là Tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới MSC (trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ) mà bà Thục có các mối quan hệ.
“Bài phát biểu và kiến nghị của tôi sau đó đã được UBVNVNƠNN chuyển lên lãnh đạo UBND TP HCM và được chuyển xuống cho Sở Giao thông vận tải (GTVT) để xem xét. Nhưng đến nay không có phản hồi gì từ Sở GTVT sau khi UBND TP HCM đã chuyển kiến nghị của chúng tôi. Chúng tôi và các đối tác, bạn bè tại Thụy Sĩ sẵn sàng hỗ trợ TP HCM, nhưng kiến nghị đơn vị trực tiếp thực hiện dự án cần liên lạc và làm việc trực tiếp với chúng tôi. Cụ thể là Cảng Sài Gòn trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và Sở GTVT TP HCM; đồng thời, chuẩn bị hồ sơ dự án tốt, có người phụ trách có năng lực và thẩm quyền trong việc xử lý các yêu cầu của nhà đầu tư tiềm năng”, bà Nguyễn Thị Thục nói.
|
Bà Phạm Thị Nhung, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại Nhật Bản, kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ tại tọa đàm. |
Tại tọa đàm, bà Phạm Thị Nhung, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại Nhật Bản, kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ: Hiệp hội Doanh nghiệp Việt tại Nhật cũng đã thiết lập được nhiều kênh hợp tác là các trường đại học, cao đẳng, trường đào tạo nghề, có khả năng thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao cho TP HCM và các địa phương lân cận. Thông qua các cơ sở đào tạo này và qua mạng lưới đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam tại Nhật Bản, Hiệp hội Doanh nghiệp cũng có tiềm năng trong thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong một số ngành nghề công nghệ mới như công nghiệp sản xuất chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
"Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản mong muốn tham gia và thúc đẩy kênh hợp tác phát triển nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao giữa TP HCM và các địa phương lân cận với phía Nhật Bản, tham gia đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM và các địa phương tại Việt Nam"- Bà Phạm Thị Nhung đề nghị.
|
Các trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài tham gia tọa đàm chụp ảnh lưu niệm. |
Kết thúc buổi tọa đàm, Chủ nhiệm UBVNVNƠNN TP HCM Vũ Thị Huỳnh Mai đã cảm ơn những ý kiến rất tâm huyết của cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt ở nước ngoài. Bà Mai cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến quý giá này và sẽ kiến nghị lãnh đạo UBND TP HCM xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Bà Mai cũng mong kiều bào tiếp tục góp ý, chung tay xây dựng cho TP HCM nói riêng và cả nước nói chung ngày càng giàu mạnh.
Chính sách thu hút đầu tư của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao
Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) TP HCM đã có bài tham luận về các chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư vào Khu CNC theo Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Theo đó, những ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Khu CNC gồm 3 lĩnh vực: ngành điện tử, vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin; cơ khí chính xác, tự động hoá (phục vụ hàng không vũ trụ và dân dụng); công nghệ sinh học lĩnh vực y tế.
Yến Thanh