Phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp về quyền tác giả nhạc sĩ Nguyễn Trường Nhân (35 tuổi) và ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) ngày 29/11, tiếp tục bị hoãn dù vụ việc đã kéo dài suốt hơn 6 năm qua (kể từ ngày nhạc sĩ Trường Nhân đã gửi đơn kiện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và được TAND quận 10, TP HCM thụ lý vào ngày 9/5/2013), thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo đơn khởi kiện, nhạc sĩ Trường Nhân cho biết ông là tác giả, chủ sở hữu tuyển tập tác phẩm “Vị ngọt”, trong đó có bài hát “Chút tình” được Cục Bản quyền tác giả văn học - nghệ thuật cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả.
Đồng thời, nhạc sĩ Trường Nhân cho rằng, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã sử dụng bài hát “Chút tình” để biểu diễn, phân phối tác phẩm trên thị trường mà không được sự đồng ý hay cho phép của chủ sở hữu. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật.
|
Album Góc khuất của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
|
Sau nhiều lần liên hệ, nhắc nhở nhưng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng không thể hiện thiện chí khắc phục nên nhạc sĩ Trường Nhân đã nộp đơn gửi tòa án đề nghị giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích của tác giả theo quy định.
Nhạc sĩ Trường Nhân yêu cầu ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cải chính công khai và xin lỗi trên 4 số báo ra liên tục, đồng thời bồi thường số tiền hơn 300 triệu đồng là khoản chi phí liên quan đến việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khai thác tác phẩm nhằm kinh doanh thu lợi nhuận mà không trả phí bản quyền và các chi phí liên quan.
Tuy nhiên, sau đó, ông Nhân đã có đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện, chỉ còn yêu cầu ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bồi thường 150 triệu đồng.
Trong bản tự khai, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho biết anh được Công ty TNHH Giải trí Tiếng hát Việt mời thực hiện album "Góc khuất", trong đó có ca khúc "Chút tình phai". Theo đó, đây là ca khúc được Công ty TNHH Tiếng hát Việt ký độc quyền với nhạc sĩ Trương Tuấn Huy. Bản thân Đàm Vĩnh Hưng chỉ là người được mời ghi âm mà thôi.
"Tất cả những việc phổ biến, phát hành thuộc quyền của Tiếng hát Việt. Do vậy, xét thấy bị đơn trong vụ án này chính là Công ty TNHH Tiếng hát Việt chứ không phải Huỳnh Minh Hưng. Đề nghị quý tòa xem xét và có những thay đổi phù hợp", trích lời của Đàm Vĩnh Hưng.
Trao đổi với PV Kiến Thức liên quan vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Khải, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu, đồng thời là một phần của sở hữu trí tuệ.
Nhạc sĩ Trường Nhân là người trực tiếp sáng tác cũng là chủ sở hữu của bài hát “Chút tình” hơn nữa cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả.
Do đó, nhạc sĩ Trường Nhân là người nắm quyền tác giả, là chủ sở hữu có mọi quyền đối với bài hát “Chút tình” bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản theo quy định tài điều 19 và 20 Luật Sở hữu trí tuệ.
Bởi vậy, nhạc sĩ Trường Nhân yêu cầu bồi thường tiền là các khoản chi phí liên quan đến việc kinh doanh tác phẩm là đúng.
Luật sư Khải cho rằng, vụ việc này đang có sự lúng túng trong việc xác định tư cách bị đơn trong vụ án dân sự.
Theo quy định của pháp luật thì bị đơn có thể là cá nhân hoặc cơ quan tổ chức bị nguyên đơn khởi kiện khi cho rằng người đó gây tổn hại đến quyền và lợi ích của nguyên đơn. Nói cách khác thì bị đơn phải là người xâm phạm đến quyền và lợi ích của nguyên đơn. Vậy trong vụ việc này ai là chủ thể thực sự xâm phạm quyền tác giả của nhạc sĩ Trường Nhân?
Theo bản tự khai của nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, anh được Công ty TNHH Giải trí Tiếng hát Việt mời thực hiện album "Góc khuất", trong đó có ca khúc "Chút tình phai".
Do đó, đây là ca khúc được Công ty TNHH Tiếng hát Việt ký độc quyền với nhạc sĩ Trương Tuấn Huy. Bản thân Đàm Vĩnh Hưng chỉ là người được mời ghi âm mà thôi. Tất cả những việc phổ biến, phát hành thuộc quyền của Công ty TNHH Giải trí Tiếng hát Việt.
Từ đó, luật sư Khải cho rằng, chủ sở hữu của bài hát “Chút tình phai” là của Tiếng hát Việt, chủ thể trực tiếp kinh doanh và thu lợi là Tiếng hát Việt chứ không phải Đàm Vĩnh Hưng. Nếu kết quả xác minh đúng như những gì nam ca sĩ cung cấp thì ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng được xác định chỉ là người biểu diễn.
Theo quy định của pháp luật, hành vi phát hành bài hát nói trên, thu lợi nhuận nhưng chưa xin phép tác giả được xác đinh là hành vi xâm phạm quyền tác giả “Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật…” (quy định tại khoản 8 điều 28 Luật sở hữ trí tuệ).
Do đó, chủ thể phải trả khoản tiền bồi thường cho nhạc sĩ Trường Nhân phải là công ty Tiếng Hát Việt.
“Ngoài ra trong vụ việc này, cũng cần làm rõ chi tình tiết ca khúc “Chút tình phai” của nhạc sĩ Trương Tuấn Huy có phải là ca khúc “Chút tình” của nhạc sĩ Trường Nhân hay không? Có hay không hành vi mạo danh tác giả ở đây hay không? Để xác định được vấn đề này thì cần có sự can thiệp của cơ quan chức năng để giám định. Tùy vào mức độ vi phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật tại nghị định số 131/2013/NĐ-CP”, luật sư Đặng Văn Khải cho hay.
Mời độc giả xem video Đàm Vĩnh Hưng bị kiện bản quyền, bồi thường 150 triệu?:
Tâm Đức