Cho chuyển đổi mục đích SDĐ trái luật
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa có báo cáo kết quả giám sát chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về sử dụng đất (SDĐ) đối với dự án KDL sinh thái Ngọc Sương (ở xã Cam Lập, TP Cam Ranh) của Công ty CP Ngọc Sương. Theo đó, tháng 5/2009, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp cho Công ty CP Ngọc Sương 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ) tại khu vực Bãi Lao (xã Cam Lập) với tổng diện tích hơn 245.000m2 với hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hằng năm để doanh nghiệp thực hiện dự án KDL sinh thái Ngọc Sương.
|
Sau khi được chuyển đổi đất trái quy định, chủ đầu tư khu du lịch Ngọc Sương đã đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng Ảnh: CTV |
Ngày 27/8/2009, Công ty CP Ngọc Sương thế chấp quyền sử dụng 4 thửa đất thuê của tỉnh Khánh Hòa tại Sở giao dịch TP Hồ Chí Minh - Ngân hàng Thương mại CP Phương Nam (viết tắt Ngân hàng Phương Nam) để đảm bảo cho khoản vay 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, đoàn giám sát HĐND tỉnh Khánh Hòa kết luận: “Theo quy định của pháp luật, tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất chỉ có quyền thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam để vay vốn sản xuất kinh doanh. Việc công ty thế chấp quyền sử dụng 4 thửa đất thuê trả tiền hằng năm của UBND tỉnh cho ngân hàng là trái với quy định của Luật Đất đai năm 2003”.
Theo Đoàn giám sát HĐND tỉnh Khánh Hòa, việc Ngân hàng Phương Nam nhận thế chấp bằng quyền sử dụng 4 thửa đất với Công ty CP Ngọc Sương nhưng không thực hiện việc đăng ký giao dịch đảm bảo là trái với Nghị định 163 ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch đảm bảo.
Do đó, hợp đồng thế chấp giữa Ngân hàng Phương Nam và Công ty CP Ngọc Sương là không có hiệu lực pháp luật.
Còn việc UBND tỉnh Khánh Hoà lại cho phép Công ty CP Ngọc Sương chuyển mục đích sử dụng đất trái luật từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở để xây dựng biệt thự, chuyển từ hình thức trả tiền sử dụng đất hằng năm sang giao đất có thu tiền sử dụng đất tại khu Bãi Lao và Bãi Cồn (xã Cam Lập) không phù hợp quy hoạch sử dụng đất.
Tòa án cũng vi phạm luật
Sau đó, giữa Ngân hàng Phương Nam và Công ty CP Ngọc Sương phát sinh tranh chấp, khởi kiện ra TAND TP Hồ Chí Minh. Ngày 17/8/2010, TAND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa Ngân hàng Phương Nam với Công ty CP Ngọc Sương, buộc công ty này phải trả nợ cho ngân hàng.
Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu Công ty CP Ngọc Sương phải thanh toán cho ngân hàng 52,2 tỷ đồng và lãi phát sinh từ hợp đồng tín dụng. Nhưng công ty này không thực hiện theo phán quyết của TAND TP Hồ Chí Minh nên Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh đã ban hành các quyết định cưỡng chế kê biên, phát mãi tài sản là quyền sử dụng 4 thửa đất mà công ty này thuê của tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 27/4/2017, Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh có quyết định ủy thác cho Chi cục Thi hành án dân sự TP Cam Ranh tiếp tục tổ chức thi hành án. Do thấy giá trị phải thi hành án và giá trị tài sản của Công ty CP Ngọc Sương quá lớn, Chi cục Thi hành án dân sự TP Cam Ranh đã đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa có quyết định rút hồ sơ vụ việc để tiếp tục thi hành. Quá trình thi hành án, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa nhận thấy quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự của TAND TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo đoàn giám sát HĐND tỉnh Khánh Hòa, mặc dù thỏa thuận giữa Ngân hàng Phương Nam với Công ty CP Ngọc Sương là trái luật, nhưng TAND TP Hồ Chí Minh vẫn ban hành quyết định công nhận thỏa thuận là vi phạm Điều 111 Luật Đất đai năm 2003. Bên cạnh đó, 4 sổ đỏ thế chấp là đất của UBND tỉnh Khánh Hòa cho công ty thuê trả tiền hằng năm nhưng TAND TP Hồ Chí Minh không đưa UBND tỉnh vào tham gia tố tụng. Làm như thế là vi phạm Luật Tố tụng dân sự năm 2004.
Kiến nghị Trung ương xử lý
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến nay thời hiệu giám đốc thẩm quyết định của TAND TP Hồ Chí Minh đã hết hiệu lực. Vì thế, Đoàn đã kiến nghị lên Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Bộ Tư pháp, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao xem xét lại quyết định này để có biện pháp xử lý, giải quyết vụ việc đúng pháp luật, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Theo Lữ Hồ/Tiền Phong