Hàng trăm người kéo đến đứng chật kín trước cửa khu vực cách ly để tiếp tế nhu yếu phẩm như thực phẩm, vật dụng cá nhân cho những người cách ly. Đây là một sự việc lạ lùng và khó hiểu đang diễn ra trước cửa Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM và lặp đi lặp lại những ngày qua.
Lạ bởi các thực phẩm, vật dụng được người nhà mang đến gửi gắm đến người cách ly rất đa dạng từ mì tôm, bánh kẹo, hoa quả, thuốc bổ …đến đệm ga, quạt gió thậm chí cả tủ lạnh mini, cây lau chùi nhà.
Trong khi đó, để những người cách ly Covid-19 có cuộc sống đầy đủ không thiếu thốn cả về ăn uống lẫn điều kiện sinh sống trong thời gian cách ly, Chính phủ và các địa phương, trong đó có TP HCM đã quyết định trích ngân sách một khoản không nhỏ để hỗ trợ chi phí ăn uống, điều kiện ăn ở với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Cách đây không lâu, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong mới đây đã yêu cầu cung ứng đủ nhu yếu phẩm, thực phẩm cho các khu cách ly.
Trên thực tế, những người tại các khu cách ly không thiếu thốn thứ gì từ những suất ăn được hỗ trợ đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng đến điều kiện sống trong khu cách ly rất tốt, điều kiện sinh hoạt khác cũng được đảm bảo. Đó không chỉ là quyền lợi, chế độ mà còn là sự ưu đãi, đãi ngộ của Nhà nước với công dân Việt Nam có nguy cơ mắc Covid-19 với ưu tiên sức khỏe người dân đặt lên hàng đầu.
Đồng thời, thể hiện sự nhân văn, nhân đạo, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các công dân này.
|
Hàng trăm người dân đến tiếp tế cho người thân tại khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM trong ngày 22/3/2020. Ảnh: FB Võ Huỳnh Tấn Tài. |
Trong khi những người lao động khác phải vất vả mưu sinh mới có được “bữa cơm có thịt” thì những người cách ly được đảm bảo điều kiện sống tốt nhất trong phạm vi cho phép trong thời gian cách ly. Vậy những người đi tiếp tế cho người cách ly họ đang nghĩ gì khi tiếp tế cả…tủ lạnh?
Phải chăng họ đang nghĩ người thân của họ đi cách ly là đang đi nghỉ dưỡng hưởng thụ chứ không phải đi để theo dõi sức khỏe, ngăn chặn dịch bệnh? Phải chăng họ nghĩ người thân của họ phải được sống đầy đủ tiện nghi như trong một khu resort?
Con cái, người thân của họ tất nhiên với họ “quý hơn vàng” nhưng “ngọc có mài mới sáng, vàng càng luyện càng trong” và thời gian cách ly vừa là thời gian để bảo vệ sức khỏe cho chính những người được cách ly, cho người thân của họ.
Đồng thời vừa là thời gian để trải nghiệm, để thấu hiểu và thể hiện trách nhiệm của một người công dân với đất nước, với cộng đồng, rèn luyện bản thân vượt qua những gian khó, cùng hòa mình vào tinh thần đoàn kết toàn dân chống dịch, vốn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.
Những người cách ly cũng có cơ hội để hiểu hơn những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của ngành y tế, của các địa phương, các lực lượng trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Mới đây, một câu chuyện đáng buồn, thể hiện sự nhận thức lệch lạc, thiếu trải nghiệm, thiếu cảm thông, thiếu sự thấu hiểu, chung tay phòng chống Covid-19 của người được cách ly được đăng tải lên mạng xã hội khiến dư luận vô cùng bất bình.
Đó là việc một nữ du học sinh Mỹ khi được sắp xếp vào khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM đã đăng bài chê bai khu cách ly “bẩn”, không giống "hình ảnh review trên mạng". Đồng thời, một đoạn tin nhắn với bạn thể hiện, nữ sinh này muốn xin được chuyển qua khu cách ly ở resort giống bạn.
Ngay lập tức cô gái bị dư luận chỉ trích bởi đi cách ly chứ đâu phải đi du lịch. Cách ly là biện pháp bắt buộc theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm mục đích tốt cho bản thân mỗi người và gia đình, cộng đồng xã hội. Bản thân người cách ly khi thấy phòng chưa sạch có thể tự mình dọn dẹp không nên ca thán. Bởi để có chỗ cho cô gái cách ly là nhiều sinh viên khác đã phải rời khỏi ký túc xá.
Đáng buồn, không chỉ có cô gái trên có suy nghĩ như vậy. Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng nói rằng, có hiện tượng một số du học sinh ở khu vực châu Âu là con cháu gia đình có điều kiện nên khi về đến sân bay Nội Bài có biểu hiện thiếu hợp tác với cơ quan chức năng. Lực lượng chức năng phải cưỡng chế lên xe mới đưa được về khu cách ly.
Cách ly y tế là biện pháp bắt buộc đối với người có nguy cơ lây nhiễm, không kể đó là cậu ấm, cô chiêu con cái nhà giàu, cũng không kể những hoàn cảnh khó khăn. Giàu nghèo vào khu cách ly đều bình đẳng như nhau, không có sự so sánh giữa người có tiền và người không có tiền. Họ là bất kỳ ai cũng đều được hưởng các chế độ nhà nước, địa phương hỗ trợ và bắt buộc phải tuân thủ mọi quy định, điều kiện cách ly để không xảy ra lây nhiễm chéo.
Khi vẫn còn những người cách ly có thái độ, cái nhìn lệch lạc về việc đi cách ly, muốn ở nơi sang trọng, đầy đủ tiện nghi như resort, việc người thân của họ tiếp tế đủ các loại thực phẩm vật dụng cũng là điều không quá để lý giải.
Tuy nhiên, khi tiếp tế đồ cho người bị cách ly, người thân của họ có từng nghĩ đến những người đã không quản ngại khó khăn, nguy cơ lây nhiễm đang từng ngày chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, thăm khám cho họ từng ngày. Họ là những bác sĩ, y tế, điều dưỡng, các tình nguyên viên và nhiều lực lượng phục vụ khác.
Mấy ngày trước, hình ảnh các nhân viên y tế, quân nhân, các tình nguyện viên phải đắp trên người manh chiếu, nằm dưới sân để chợp mắt sau một ngày làm việc quá sức lực. Có ai trong số những người đi tiếp tế thấu hiểu và cảm thông cho sự vất vả của họ?
Mới đây, một tờ báo đăng tải thông tin về những người phục vụ công tác cách ly tại khu cách ly trường Quân sự Bộ tư lệnh thủ đô (Hà Nội) có một chi tiết rất đáng chú ý, đó là hình ảnh một thiếu úy ngày đầu tiên phải đi bộ 17.323 bước, lên xuống hơn trăm lượt cầu thang năm tầng, ôm chăn chiếu, lau phản, quét phòng, dọn giường đón người về cách ly. Những đoàn người cách ly tiếp tục được đưa đến, thiếu úy trẻ cũng đồng đội tiếp tục “quay cuồng” từ sáng đến đêm. Có người mệt quá, gục lên vai đồng đội và vùng dậy ngay khi nghe tiếng động cơ ô tô…
Mấy ngày qua, TP HCM tiếp nhận, cách ly đến hơn 7000 trường hợp thì có đến hơn 5000 trường hợp tại khu cách ly tập trung ký túc xá ĐHQG TP.HCM. Tất nhiên, lượng người cách ly lớn, áp lực của những người phục vụ gia tăng gấp nhiều lần.
Các nhân viên y tế, lực lượng tình nguyện viên và nhiều lực lượng khác đã phải rất vất vả khi lượng người đến cách ly gia tăng cao, nay phải giải quyết, vận chuyển thêm đồ tiếp tế từ người thân những người đang cách ly có cả quạt điện, tủ lạnh, phích nước, chăn ga đến đúng người nhận và thực hiện công tác khử trùng dẫn đến quá tải công việc. Do đó, việc tập trung đông người để tiếp tế các vật dụng sinh hoạt cho người cách ly vô hình chung tạo áp lực lớn cho lực lượng chức năng, cho lực lượng phục vụ.
Hãy dừng ngay tiếp tế... hãy để “đội phục vụ” được nghỉ ngơi! Hãy một lần thấu hiểu, sẻ chia và nghĩ cho những người đang hết mình, tận tâm tận lực phục vụ con cái, người thân mình tại khu cách ly mà thôi gửi đồ tiếp tế, thôi gây thêm áp lực, gánh nặng cho họ.
Thôi gửi đồ tiếp tế cũng sẽ không có cảnh tập trung đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho chính người đi tiếp tế. Dù có thiếu thốn trong thời gian 14 ngày, giảm bớt nhu cầu hằng ngày những người cách ly vẫn được đảm bảo sức khỏe nhưng nếu tập trung đông người mà lây lan dịch bệnh, những người đi tiếp tế sẽ tiếp tục trở thành gánh nặng cho các cơ quan chức năng, làm ảnh hưởng đến việc chống dịch chung của đất nước, của toàn dân.
>>> Mời độc giả xem thêm video Covid-19: Vì sao BN100 vẫn đi lễ 60 lần sau khi từ Malaysia về?
Tâm Đức