Hà Nội vừa cho phép học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 12 quận nội thành học trực tiếp từ ngày 21/2. Tuy nhiên, thành phố yêu cầu các trường chỉ dạy trực tiếp một buổi/ngày, không tổ chức bán trú.
Các chuyên gia cho rằng việc cho học sinh trở lại trường là yêu cầu cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, các phương án đưa ra cần tạo thuận lợi cho cả nhà trường, học sinh và phụ huynh.
"Nhiệm vụ của nhà trường là tạo điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh, không gây khó khăn cho phụ huynh", bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, nói.
Trẻ được đến trường nhưng phụ huynh vẫn áp lực
Chưa kịp vui mừng vì thông báo cho học sinh học trực tiếp từ ngày 21/2, chị Phạm Thị Tuyết (trú quận Hà Đông, Hà Nội) đã phải lo lắng bàn bạc với chồng về phương án đưa đón con, do trường không dạy bán trú.
Theo chị Tuyết, con gái chị học lớp 2 tại một trường tư thục cách nhà 3 km, nhưng cách cơ quan chị và chồng đi làm gần 10 km. Chị nhẩm tính mỗi buổi học của con gái sẽ kết thúc muộn nhất vào lúc 11h hàng ngày. Như vậy, chị phải chạy xe từ cơ quan về lúc 10h30 thì mới kịp đón con.
Thời điểm cháu học online, chị Tuyết phải xin cơ quan làm việc tại nhà để trông con học. Sau Tết, nghe tin học sinh ở nhiều nơi đã được học trực tiếp, chị sốt ruột mong từng ngày con được đến trường để bản thân cũng sớm trở lại với công việc. Dù vậy, khoảnh khắc nhận tin con được đi học trở lại không vui như chị nghĩ.
"Nếu không cho học bán trú thì ngay cả khi cháu đến trường, tôi cũng không thể quay về công việc như trước kia do ngày nào cũng phải canh giờ đón cháu vào giữa trưa. Như vậy còn mệt hơn là cho con học online cả ngày", chị Tuyết nói.
Chị cho biết nhiều phụ huynh trong lớp của con đang kiến nghị trường cho dời lịch học trực tiếp xuống một tuần để có thời gian thu xếp công việc.
|
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội) trở lại trường từ ngày 10/2. Ảnh: Thạch Thảo.
|
Theo PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Hà Nội nên mạnh dạn cho phép các trường tổ chức học bán trú. Việc này giúp các phụ huynh không bị xáo trộn lịch công việc khi phải thu xếp thời gian đưa đón con mỗi buổi.
Chuyên gia cho biết nếu Hà Nội chỉ cho phép dạy học trên lớp một buổi/ngày, học sinh vẫn có thể vui chơi bên ngoài trong thời gian không đến trường. Việc này gây nguy cơ lây nhiễm cao hơn khi trẻ được học ở trường cả ngày.
Ông Phu cũng nhận định thời gian qua, trẻ em mắc Covid-19 nhiều khi ở nhà do lây từ người lớn. Nếu các em được đến trường và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, nhà trường và giáo viên có kế hoạch đảm bảo an toàn cho học sinh, nguy cơ lây nhiễm của các em ở trường có thể thấp hơn.
“Nhà trường cần tăng cường biện pháp quản lý rủi ro, tránh để lớp này tiếp xúc với lớp kia nhằm dễ dàng khoanh vùng tốt hơn khi xuất hiện ca mắc Covid-19 trong lớp học”, ông Phu nói.
Không gây khó cho phụ huynh
Trao đổi với Zing, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, nhấn mạnh Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn bình thường mới và dần tiến tới bình thường theo lộ trình để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Muốn vậy, mở cửa trường học là yêu cầu, nhiệm vụ chính trị.
Chia sẻ với lo lắng của nhiều phụ huynh khi cho trẻ trở lại trường học, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho rằng tâm lý cẩn trọng vào “giai đoạn giao thời” này là cần thiết, nhưng cũng không nên quá lo lắng, sợ hãi, vì chúng ta đã có được những điều kiện cơ bản để hạn chế hậu quả của Covid-19.
“Chúng ta không kỳ vọng vào việc không có ca F0 trong trường học, mà quan trọng là chuẩn bị các điều kiện cần nhất để hạn chế lây nhiễm trong học sinh”, bà Mai Hoa nêu quan điểm và lưu ý công tác chuẩn bị của nhà trường phải chủ động, có kịch bản cụ thể, được tập dượt các tình huống giả định để khi phát hiện F0, thầy cô sẽ có ứng xử kịp thời, không gây biến động quá lớn trong hoạt động dạy học.
|
Các chuyên gia cho rằng nhà trường cần có kịch bản cụ thể để thầy cô ứng xử kịp thời khi lớp học xuất hiện F0, không gây xáo trộn trong quá trình dạy và học. Ảnh: Thạch Thảo.
|
Về việc nhiều phụ huynh phản ứng với phương án của Hà Nội khi chỉ cho các trường dạy một buổi/ngày, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết đã ghi nhận việc này.
Theo bà Mai Hoa, việc phụ huynh đồng tình hay phản ứng đều có lý lẽ và cần được tôn trọng. Nhiệm vụ của nhà trường là tạo điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh, không gây khó khăn cho phụ huynh. Gia đình nào có điều kiện đưa đón thì không bắt buộc ở lại trường buổi trưa, cũng là để hạn chế tập trung các cháu.
Bà phân tích trong giai đoạn bình thường mới, việc mở cửa trường học ngoài đáp ứng nhu cầu của học sinh, để học sinh tiếp cận điều kiện, chất lượng giáo dục tốt nhất còn phải góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Do hầu hết phụ huynh học sinh đang là lực lượng lao động chính để đưa hoạt động kinh tế - xã hội quay trở lại bình thường, việc mở cửa trường học cũng cần tạo thuận tiện cho phụ huynh và nhu cầu cho con học bán trú ở trường là nhu cầu chính đáng.
Dẫn mô hình của một số địa phương khi chuẩn bị tốt đã cho học sinh học bán trú, Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa - Giáo dục cho rằng Hà Nội cũng nên sớm mở hình thức học bán trú.
"Việc này sẽ giúp nhà trường kiểm soát an toàn tốt nhất cho học sinh thay vì các em phải di chuyển nhiều lần hay phải ăn bên ngoài", bà Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
Thông tin với Zing, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho biết ngày 25/2 tới, ủy ban sẽ có phiên giải trình về nội dung mở cửa lại trường học, trong đó có đề cập đến việc chuẩn bị điều kiện cho việc dạy học hậu Covid-19. Đến nay, các nội dung cho phiên giải trình đã được Ủy ban Văn hóa giáo dục chuẩn bị xong.
Theo Hoài Thu - Mỹ Hà/Zing