Mới đây, Chính phủ có văn bản đề nghị trình Quốc hội 05 nội dung tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, đề nghị xem xét giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.
Về nội dung trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bằng văn bản và cho rằng, đề xuất của Chính phủ chưa có đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn cho việc sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý hỗ trợ/thanh toán các hợp đồng dự án giao thông BOT; đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.
“Tiền thuế của dân, không thể muốn làm gì thì làm”
Việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chưa đủ căn cứ pháp lý để sử dụng ngân sách mua lại các dự án BOT bị vỡ phương án tài chính, đa số người dân đều ủng hộ quan điểm này?
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy: Việc mua lại các dự án BOT bị vỡ phương án tài chính cần nghiên cứu kỹ về cơ sở pháp lý và hết sức hạn chế. Nếu Nhà nước dùng ngân sách mua lại các dự án BOT như đề xuất thì hợp đồng đã ký kết là cái gì, liệu còn tính pháp nhân hay không? Nhà nước cứ phải hỗ trợ cho những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hay sao?
Việc mua lại các BOT, Bộ GTVT và Nhà nước dứt khoát không nên làm. Việc này chúng ta đã từng nói rất nhiều lần rằng không hợp lý. Hợp đồng ký kết giữa Bộ GTVT hoặc Tổng công ty cao tốc với các nhà thầu rất rõ ràng minh bạch. Chi phí bao nhiêu, thu phí bao nhiêu, thời gian thu phí thế nào?... đều được quy định rất rõ. Hai bên ký kết đều phải tuân thủ thực hiện theo đúng văn bản pháp lý này, nếu không đúng phải bị xử lý. Tại sao doanh nghiệp đầu tư BOT không kinh doanh được lại đổ cho Nhà nước. Việc này Chính phủ và Bộ GTVT cần phải cương quyết. Tiền thuế của người dân không phải muốn làm thế nào, chi thế nào thì chi mà phải cân nhắc kỹ.
Các nhà kinh doanh, đầu tư BOT phải thấy rằng, Nhà nước và Bộ GTVT đã quá ưu đãi cho họ, còn làm được hay không, làm như thế nào là việc của họ; đừng nghĩ đến việc lấy tiền thuế của người dân đóng, muốn làm gì thì làm, hay mua lại các trạm BOT thua lỗ. Bộ GTVT không nên đề xuất mua lại các dự án BOT này.
|
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy |
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên: Các trạm BOT đầu tư theo pháp luật Việt Nam về đầu tư BOT và có các hợp đồng ký kết. Bộ GTVT ít nhất có Thứ trưởng ký, hay các cơ quan khác như Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư… dự án đó mới được phê duyệt.
Giờ muốn Nhà nước mua lại, Bộ GTVT cần thuyết minh căn cứ vào các quy định nào để thanh lý hợp đồng, mà Nhà nước phải bỏ tiền mua, khoản thu từ trước đến giờ giải quyết thế nào? Phải làm rõ nếu không Nhà nước sẽ thất thoát và phát sinh những vấn đề khác. Cần phải có Thanh tra Chính phủ vào cuộc rà soát từ dự án thì mới làm được. Không phải cứ doanh nghiệp không làm được là Nhà nước phải lấy ngân sách ra mua lại, sẽ đi ngược chủ trương trong việc huy động các nguồn lực xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách.
|
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên |
9 dự án BOT sụt giảm doanh thu
Theo thống kê, có 9 dự án BOT gặp vướng mắc do không được thu phí hoặc sụt giảm doanh thu gồm: Dự án xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả; xây dựng quốc lộ 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa; tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn); dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 qua Cần Thơ; dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh trên địa bàn Đăk Lăk; cầu Thái Hà; cải tạo luồng sông Sài Gòn; cầu Việt Trì - Ba Vì; cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Cần rà soát từng trạm BOT thua lỗ
Một trong những lý do để đề xuất mua lại các BOT thua lỗ là do có sự phản đối lớn từ người dân, ông có suy nghĩ gì về nguyên nhân này?
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy: Họ lấy lý do người dân phản đối trạm BOT nên doanh thu giảm hoặc không được thu phí trong nhiều năm là vô lý. Doanh nghiệp đã chọn vị trí đầu tư BOT là đã khảo sát, nghiên cứu hàng mấy năm rồi, lưu lượng bao nhiêu, lượng xe bao nhiêu, thuận lợi hay không mới ký. Khi doanh nghiệp ký rồi, người dân đi ít hoặc chọn địa điểm đặt trạm thu phí không hợp lý, người dân phản đối thì lại đổ cho Nhà nước là thế nào?!
Chính sách quan trọng nhất là phải đi theo pháp luật. Pháp luật phải lấy hợp đồng là yếu tố pháp lý để giải quyết các vấn đề vướng mắc giữa hai bên. Ngay Bộ GTVT cũng có những chủ trương không đúng như việc thu phí mà thời gian tăng lên thì lại tăng phí lên, lẽ ra thời gian tăng lên thì phải giảm mức thu phí đi. Bởi thời gian càng tăng thì lưu lượng đi càng đông, phải giảm phí cho người dân nhưng đây lại tăng phí cho nhà đầu tư là vô lý, dẫn đến người dân phản đối.
Mấu chốt phải lấy hợp đồng là cơ sở pháp lý để giải quyết mọi vướng mắc trong BOT, chứ không phải lấy tình cảm, lấy sự nhân nhượng của Nhà nước đối với các nhà đầu tư BOT.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa |
Mua lại thì chưa đủ cơ sở pháp lý, vậy cần có những giải pháp nào để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân?
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Đồng Tháp): Chính phủ nên giao lại cho Bộ GTVT rà soát từng dự án. Tùy vào từng trường hợp của các dự án, tìm rõ nguyên nhân để có những biện pháp tối ưu nhất. Việc dùng ngân sách Nhà nước mua lại các trạm BOT là chưa hợp lý. Doanh nghiệp “vỡ trận” có thể tìm đối tác khác để bán lại.
Đề xuất chi hơn 13.000 tỷ đồng mua lại 8 dự án BOT
Tháng 10/2022, Bộ GTVT trình Chính phủ giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT do Bộ quản lý. Đây là các dự án BOT đã hoàn thành đưa vào khai thác, nhưng chưa được thu phí hoặc không thể thu phí do mất an ninh trật tự, phương án tài chính bị phá vỡ hoặc dự án đã thu phí, doanh thu thực tế chỉ đạt 30% so với hợp đồng... Bộ GTVT lựa chọn 8 dự án BOT có bất cập để đề xuất xử lý sau khi đã có sự thống nhất với nhà đầu tư. Theo đó, tính toán sơ bộ, nguồn vốn nhà nước dự kiến cần bố trí để xử lý vướng mắc, bất cập khoảng 13.115 tỷ đồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khắc phục ngay tình trạng ô tô thu phí tự động không qua được trạm BOT
Hải Ninh (thực hiện)