Không tăng học phí năm học 2023 – 2024

Google News

Còn hơn 1 tháng nữa sẽ tới ngày khai giảng năm học 2023-2024. Thông tin Chính phủ yêu cầu không tăng học phí năm học này khiến nhiều bậc phụ huynh an lòng, yên tâm đồng hành cùng con trong mùa tựu trường với nhiều khoản cần lo.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập... Theo đó, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81 và không tăng học phí năm học 2023 - 2024; trình Chính phủ trước ngày 8/8/2023.
Khong tang hoc phi nam hoc 2023 – 2024
Ảnh minh họa. 
Nhiều địa phương dự định tăng học phí
Trước thềm năm học 2023-2024, nhiều địa phương đã thông báo sẽ áp dụng mức thu học phí mới đối với các cơ sở giáo dục công lập. Tại Hà Nội, HĐND thành phố đã phê duyệt học phí bậc mầm non, phổ thông. Theo đó, học phí với học sinh vùng thành thị là 300.000 đồng/tháng; vùng nông thôn 100.000-200.000 đồng/tháng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số 50.000-100.000 đồng/tháng. So với năm ngoái, khung học phí thực tế không tăng, song vì Hà Nội không còn áp dụng chính sách hỗ trợ, nên số tiền thực nộp của phụ huynh ở một số bậc học sẽ tăng gần gấp đôi.
Một số địa phương khác gồm TPHCM, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Điện Biên, Long An, Bình Thuận… cũng dự kiến áp dụng học phí năm học 2023 - 2024 bằng mức sàn của khung học phí theo quy định của Chính phủ. Bắc Giang dự kiến thu mức học phí cao nhất là 320.000 đồng/tháng, cao hơn 5.000 - 45.000 đồng so với mức sàn học phí do Chính phủ ban hành. Đồng thời với việc tăng học phí, các địa phương đều đề cập đến các chính sách hỗ trợ miễn, giảm theo quy định của Chính phủ và các chính sách đặc thù khác của địa phương.
Trên thực tế, lộ trình tăng học phí các cấp học đã được đề ra từ năm 2021, theo Nghị định 81 của Chính phủ. Theo đó, ở bậc mầm non và phổ thông, học phí khu vực thành thị dao động từ 300.000-650.000 đồng/tháng; khu vực nông thôn 100.000-330.000 đồng/tháng; vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số từ 50.000 đến 220.000 đồng/tháng.
Mức học phí mới này đáng lẽ được áp dụng từ năm 2022, sau khi Nghị định 81 có hiệu lực. Tuy nhiên, để hỗ trợ người dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tỉnh, thành đều chi ngân sách cấp bù nên phụ huynh chỉ phải đóng tiền bằng mức cũ (2021). Đến năm 2023, đa số tỉnh, thành dừng hỗ trợ, nên mức đóng của phụ huynh sẽ cao hơn 2-5 lần. Nay với quyết định không tăng học phí, nhiều phụ huynh đón nhận thông tin này với sự phấn khởi.
Lộ trình miễn học phí THCS từ năm 2025
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, học phí là luôn là mối quan tâm đặc biệt của phụ huynh, học sinh, sinh viên cả nước. Nhìn lại lộ trình tăng học phí từ Nghị định 86 của Chính phủ quy định từ năm học 2016-2017, học phí đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố. Tới nay là Nghị định 81 với việc tăng mức sàn học phí và vẫn do HĐND cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn mình.
Sau 3 năm dịch bệnh, kinh tế người dân vẫn hết sức khó khăn. Việc áp dụng mức học phí mới tăng từ 3-5 lần so với học phí trước đó thực nộp có thể gây ảnh hưởng tới chi tiêu của học sinh, gia đình, dễ gây xáo trộn lớn trong xã hội, ảnh hưởng tới cơ hội đi học của phần lớn học sinh, sinh viên.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81 theo hướng không tăng học phí năm học 2023 - 2024 như chỉ đạo của Chính phủ. Đây chắc chắn là tin vui đối với mọi người dân” - ông Vinh nhìn nhận và cho rằng các địa phương cũng cần xây dựng phương án hỗ trợ, rà soát thường xuyên các đối tượng học sinh để đảm bảo không để học sinh nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí.
Bên cạnh đó, các khoản đóng góp trong năm học từ nhà trường, từ ban phụ huynh theo ông Vinh cũng cần công khai, minh bạch để giảm bớt áp lực cho phụ huynh.

Theo lộ trình của Chính phủ, từ năm 2024, trẻ mầm non sẽ được miễn học phí và từ năm 2025 là với học sinh THCS. Nhiều địa phương như TPHCM đã có văn bản đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn thực hiện lộ trình miễn học phí đối với học sinh THCS từ năm 2025 theo Luật Giáo dục năm 2019.


Theo Hàn Minh/ Đại Đoàn Kết