Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các địa phương, về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày 26/9 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, đánh giá và xem xét phương án giảm chi phí các dịch vụ thiết yếu như điện, xăng với mức từ 10-30%.
Không tính chuyện tăng giá điện
Liên quan đến đề nghị này, tại buổi họp báo thường kì Quý III/2021 của Bộ Công Thương tổ chức chiều 30/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh các DN đang khó khăn, nhiều hoạt động sản xuất bị đình trệ, mặc dù nhiều yếu tố có tác động đến giá thành sản xuất điện song Bộ Công Thương không nghĩ đến chuyện sẽ tăng giá điện trong năm nay.
“Bộ Công Thương sẽ làm việc cụ thể, trực tiếp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về vấn đề này. Bộ Công Thương với vai trò quản lý nhà nước sẽ hết sức chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng DN, người dân”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ.
|
EVN thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện 5 đợt trong các năm 2020 và 2021 với tổng số tiền hơn 16.950 tỷ đồng. |
Khẳng định việc điều tiết giá điện hiện nay được thực hiện ngày càng minh bạch và rõ ràng, ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng cho biết, công tác điều hành giá bán điện trong thời gian qua được thực hiện theo đúng quy định của Luật Điện lực. Cụ thể, theo Quyết định 24, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thực hiện theo cơ chế thị trường. Trong đó có các cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm và điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm.
Về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan của các thông số đầu vào sản xuất kinh doanh điện của tất cả các khâu trong ngành điện, bao gồm phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, quản lý ngành. Đối với cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trong năm theo biến động của các thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện.
“Trong thời gian qua, việc thực hiện điều chỉnh giá điện và giá bán lẻ điện theo quy định hiện hành trên đã góp phần bảo đảm tài chính cho ngành điện, đảm bảo đầu tư, cũng như phát triển các công trình điện, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế đất nước”, ông Quang cho hay.
Trong năm 2021 và 2022, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành điện theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh điện, biến động phụ tải hệ thống điện, cũng như các thông số đầu vào của tất cả các khâu như khâu truyền tải điện, quản lý ngành, để thực hiện giá điện theo đúng quy định về điều chỉnh giá bán điện theo quy định của Thủ tướng.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay, mặc dù EVN cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng trên tinh thần tích cực chia sẻ với những khó khăn của các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và các cơ sở cách ly, cơ sở y tế phòng chống dịch, EVN đã kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành để cho phép thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt trong các năm 2020 và 2021 với tổng số tiền là hơn 16.950 tỷ đồng.
Điều hành giá xăng, dầu hợp lý nhất
Tại buổi họp báo, phân tích về thị trường xăng dầu thế giới và sức ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, giá bán xăng dầu được quản lý trên cơ sở đảm bảo lợi ích giữa nhà nước, DN và người dân. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề bình ổn thị trường và hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, Bộ Công Thương phối hợp với các DN xăng dầu bảo đảm được nguồn cung và điều hành giá nhịp nhàng, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh.
“CPI 9 tháng tăng 1,82% là mức rất thấp so với chỉ tiêu của Quốc hội đặt ra năm 2021. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của giá xăng dầu trong việc hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa với mức chi phí hợp lý và hỗ trợ cho người dân, DN trong thời điểm rất khó khăn này”, bà Nga chia sẻ.
|
Nền kinh tế hồi phục là yếu tố khách quan sẽ tác động đến giá xăng dầu trong nước. |
Theo bà Nga, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu đề xuất giảm giá điện, giá xăng, Bộ Công Thương, cụ thể là Vụ Thị trường trong nước đã có những nghiên cứu, nắm bắt thị trường, đặc biệt là giá xăng dầu trên thị trường thế giới và bám sát các điều hành liên quan giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cùng các doanh nghiệp để đưa ra những nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Nhận định của Vụ Thị trường trong nước, trong thời gian tới, thị trường xăng dầu sẽ có nhiều biến động, giá cũng có khả năng tăng khi các nền kinh tế đều đã dần dần khôi phục trở lại. Chính vì vậy, việc giảm giá xăng dầu trên thế giới trong thời gian tới sẽ rất khó xảy ra và đây cũng là một yếu tố khách quan sẽ tác động đến giá xăng dầu trong nước.
Theo và Lê Việt Nga, việc điều hành giá xăng, dầu trong nước hiện nay ngoài việc phụ thuộc vào giá thế giới và việc đảm bảo nguồn cung, rất cần phải căn cứ tình trạng Quỹ Bình ổn xăng dầu để có thể gạn được quỹ này hay không. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan để phân tích những yếu tố về giá, cơ sở giảm thuế môi trường đối với xăng E5 sinh học... để điều hành giá xăng dầu phục vụ tốt nhất cho nền kinh tế, bảo đảm hỗ trợ cho người dân, DN”, bà Lê Việt Nga khẳng định./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN