Sau một tuần xét xử, sáng 8/1, đại diện Viện Kiểm sát TP Hà Nội đề nghị mức án đối với 38 bị cáo trong vụ Việt Á. Đáng chú ý, cựu Giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án 10 tháng 4 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam). Ông Danh là người bị truy tố, xét xử về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
|
Bị cáo Nguyễn Thành Danh tại tòa.
|
Cơ quan tố tụng nêu rõ, ông Nguyễn Thành Danh không có yếu tố vụ lợi trong vụ án, bị cáo từng từ chối nhận tiền của Tổng Giám đốc Việt Á. Cáo buộc cho rằng, cựu Giám đốc CDC Bình Dương đã thỏa thuận, thống nhất với Công ty Việt Á, Công ty VNDAT và chỉ đạo nhân viên CDC Bình Dương ứng test xét nghiệm, test tách chiết và vật tư y tế để sử dụng trước, sau đó hợp thức thủ tục để Việt Á trúng thầu.
Bị cáo còn thống nhất để Việt Á đứng tên đấu thầu thay cho Công ty VNDAT để hợp thức thanh toán tiền test tách chiết CDC đã ứng trước của VNDAT. Ông Danh cũng chỉ đạo nhân viên cấp dưới liên hệ, phối hợp với nhân viên Công ty Việt Á, Công ty VNDAT thông đồng, cung cấp hồ sơ kỹ thuật, báo giá cho đơn vị thẩm định giá để ban hành Chứng thư thẩm định với giá do Việt Á đề nghị, hợp thức thủ tục hồ sơ đấu thầu, thanh toán 7 hợp đồng với giá mà Việt Á, VNDAT đưa ra, gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước hơn 55 tỷ đồng.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, ông Nguyễn Thành Danh trình bày việc nhiều lần được nhân viên Việt Á đề nghị đưa tiền nhưng ông không nhận. Có những lần nhân viên Việt Á mời bị cáo đi cà phê, đi uống bia, nhưng ông đều từ chối, cáo bận. “Việc tránh tiếp xúc đấy là một cách từ chối khéo việc nhận tiền của Việt Á”, bị cáo Nguyễn Thành Danh nói.
Theo quan điểm luận tội của đại diện VKS, tại phiên tòa, ông Danh thừa nhận bị truy tố về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là đúng người, đúng tội. Bản thân bị cáo thực hiện việc sử dụng trước kit test và thanh toán sau là thực hiện chỉ đạo từ Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương.
Đại diện VKS cho rằng, bị cáo Danh không có yếu tố vụ lợi, từng từ chối nhận tiền của Tổng Giám đốc Việt Á và tại tòa được đại diện CDC tỉnh Bình Dương có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đây là tình tiết giảm nhẹ tội của bị cáo. Trong phần luận tội, Viện Kiểm sát ghi nhận tổng số tiền các bị cáo đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả là hơn 77 tỷ đồng và 2,65 triệu USD (tương đương tổng 142 tỉ đồng).
Trong đó, những người khắc phục nhiều nhất gồm: cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nộp 2,25 triệu USD (gần 55 tỷ đồng); cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến nộp hơn 13 tỷ đồng; cựu vụ trưởng thuộc Bộ Y tế Nguyễn Minh Tuấn nộp 300.000 USD (7,3 tỷ đồng); Phan Huy Văn, Giám đốc Công ty Dược Phan Anh, nộp 16,8 tỷ đồng; cựu vụ Phó thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trịnh Thanh Hùng nộp 8 tỷ đồng và 8 sổ tiết kiệm 4 tỷ đồng.
Phan Quốc Việt đã nộp 200 triệu đồng và có đơn đề nghị sử dụng toàn bộ tài sản đang bị kê biên để khắc phục hậu quả. Viện Kiểm sát kiến nghị tòa tuyên buộc Công ty Việt Á và Phan Quốc Việt nộp khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, có khấu trừ các khoản các bị cáo khác đã nộp lại tiền hối lộ, tiền cảm ơn, chiết khấu % khi bán kit xét nghiệm tại các địa phương. Tài sản của các bị cáo cần tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án.
>>> Xem thêm video: Báo cáo rõ vụ Việt Á và chuyến bay giải cứu sau giám sát
Gia Đạt