Không khí lạnh tăng cường, vùng núi cao có khả năng mưa tuyết

Google News

Từ đêm nay (26/1), do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, miền Bắc chuyển mưa nhỏ rải rác. Vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 26/1, miền Bắc tiếp tục rét hại diện rộng nhưng nền nhiệt tăng nhẹ, riêng vùng đồng bằng có khả năng vượt qua ngưỡng 10 độ. Từ đêm nay, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, miền Bắc chuyển mưa nhỏ rải rác, rét đậm, rét hại kéo dài trong 3-4 ngày tới.
Khong khi lanh tang cuong, vung  nui cao co kha nang mua tuyet
Ảnh minh họa. 
Khu vực phía Đông Bắc Bộ hôm nay nhiều mây, ngày có mưa vài nơi, riêng khu vực phía nam đồng bằng có mưa nhỏ rải rác, đêm có mưa, mưa nhỏ rải rác. Gió đông bắc cấp 2. Trời rét hại. Vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết. Nhiệt độ thấp nhất 9-12 độ, vùng núi 4-7 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ. Nhiệt độ cao nhất 11-14 độ, vùng núi 8-11 độ.
Khu vực phía Tây Bắc Bộ hôm nay nhiều mây, ngày có mưa vài nơi, đêm có mưa, mưa nhỏ rải rác. Gió nhẹ. Trời rét hại. Vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết. Nhiệt độ thấp nhất 8-11 độ, Tây Bắc 4-7 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ. Nhiệt độ cao nhất 12-15 độ, riêng Tây Bắc có nơi trên 15 độ. Hà Nội hôm nay nhiều mây, ngày có mưa vài nơi, đêm có mưa, mưa nhỏ. Gió đông bắc cấp 2. Trời rét hại. Nhiệt độ thấp nhất 10-12 độ. Nhiệt độ cao nhất 13-15 độ.
Theo hướng dẫn của Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế), vào mùa lạnh có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp như: Cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cúm, đột quỵ, ngộ độc khí than do sưởi ấm, đun nấu... Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường lạnh hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.
Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm: Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; những người làm việc ở ngoài trời hoặc trong môi trường lạnh, gió rét, thiếu ánh nắng mặt trời; người lao động nông nghiệp, công nhân...; những người mắc các bệnh mạn tính: tăng huyết áp, hen suyễn, tim mạch, cơ xương khớp...
Cục Quản lý môi trường y tế hướng dẫn cần chú ý các biểu hiện: đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó chịu, tê bì chân tay... Khi người dân xuất hiện các triệu chứng cần lưu ý giữ ấm cơ thể ngay và đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe.
Thời tiết lạnh gây tăng thêm gánh nặng cho tim do vậy với người bị bệnh tim, huyết áp nên khám và làm theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa; nên kiểm tra theo dõi huyết áp thường xuyên kể cả người trẻ, người chưa có tiền sử bệnh lý tim mạch, huyết áp.
Mọi người cần chú ý khi tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ rất lạnh có thể gây giảm thân nhiệt, nhất là người già, gầy ốm, bị bệnh mãn tính, trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ sơ sinh; biểu hiện giảm thân nhiệt: run, kiệt sức, nhầm lẫn, mất trí nhớ và buồn ngủ... Ở trẻ sơ sinh có dấu hiệu da đỏ tươi hoặc da lạnh.
Ngoài ra, run rẩy cũng là một trong những dấu hiệu quan trọng đầu tiên cho thấy cơ thể đang mất nhiệt vì vậy cần phải sưởi ấm ngay; khi người dân bị nhiễm lạnh xuất hiện ho, sốt cần đi khám bác sĩ để có chẩn đoán và điều trị phù hợp; không nên tự ý mua thuốc đặc biệt là thuốc kháng sinh để uống.
>>> Xem thêm video: Người Hà Nội co ro trong đợt không khí lạnh đầu tiên của mùa đông
  
Gia Đạt