Không để người bị kỷ luật vào Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Google News

Không thể để những người bị kỷ luật đứng trong đội ngũ lãnh đạo, càng không thể để những người “nhúng chàm” đi kiểm tra người khác.

Vừa qua dư luận xôn xao về một số nơi để người bị đề nghị xử lý kỷ luật lại nằm trong Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Trao đổi với báo chí về nội dung này, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, những người được lựa chọn vào Ban Chỉ đạo phải tiêu biểu, gương mẫu, có tinh thần đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Ông cho rằng "không phải vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn về sự gương mẫu, liêm khiết". Những người đã tham gia Ban Chỉ đạo mà giờ mới bị phát hiện sai phạm, khuyết điểm thì sẽ phải xử lý, sau khi xử lý thì chắc chắn phải đưa ra khỏi Ban Chỉ đạo. Quan trọng là "không bao che, giấu giếm, sai đến đâu xử lý tới đó".
Khong de nguoi bi ky luat vao Ban Chi dao phong chong tham nhung, tieu cuc
Hội nghị Trung ương lần thứ năm thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Ảnh: TTXVN
Thời gian vừa qua, việc thành lập Ban Chỉ đạo ở các tỉnh, thành nhanh chậm có khác nhau. Nói như Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên là phải tiến hành thận trọng, chắc chắn, đặc biệt là công tác nhân sự.
Có thể nói, việc thành lập các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là một bước tiến mới trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thời gian qua, sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương, công cuộc phòng chống tham nhũng đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 10 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 295 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 117 đảng viên so với cùng kỳ năm trước), thi hành kỷ luật 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 20 trường hợp so với cùng kỳ năm trước).
Một trong những kết quả ấy chính là lòng tin của nhân dân đối với Đảng, niềm tin về một chủ trương đúng đắn.
Về điều này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiều lần, những người trong Ban Chỉ đạo phải là những người tiêu biểu nhất, trong sạch nhất, không thể để những người có “vết”. Ông dẫn ra câu: “Chân người còn lấm bê bê, lại đi cầm đuốc để rê chân người”.
Tổng Bí thư còn nhấn mạnh, nếu ai trong các cơ quan bảo vệ pháp luật có sai phạm phải xử lý nặng và phải bị thay ngay. “Bây giờ không thiếu người tài đức”- Tổng Bí thư khẳng định.
Người có nhiều sai phạm lại nằm trong Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì có thể kiểm tra được ai, kỷ luật được ai? Không thể nói là vì cơ cấu và càng không thể nói là thiếu người.
Một chủ trương lớn của Đảng phải được thực hiện một cách nghiêm túc và chất lượng. Không phải thành lập ban, đưa người vào là xong. Hà Nội hiện có cách làm hay, Ban Thường vụ Thành ủy vừa ban hành quy định đánh giá, xếp loại hàng tháng đối với cán bộ. Nghĩa là chấm điểm cán bộ hàng tháng, ai hoàn thành nhiệm vụ, ai không sẽ rất cụ thể.
Chất lượng cán bộ là thước đo để hoàn thành nhiệm vụ. Không thể để những người bị kỷ luật đứng trong đội ngũ lãnh đạo, càng không thể để những người “nhúng chàm” đi kiểm tra người khác.

 

Theo Tấn Đăng/Vietnamnet