Theo thống kê, sau bão số 3, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) có trên 550 điểm sạt lở, ảnh hưởng đến trên 3.000 hộ dân và một số cơ quan, trường học. Sau hơn 1 tháng nỗ lực của người dân và cả hệ thống chính trị, tại thành phố Yên Bái đã có hơn 130 điểm sạt lở được khắc phục, trên 200 điểm đang được tiến hành.
|
Công tác khắc phục sạt lở ở tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hữu Tuấn. |
Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 200 điểm với hàng trăm hộ dân chưa thể thực hiện dọn đất đá sau sạt lở do những nguyên nhân như: Máy móc, phương tiện hạn chế; kinh phí lớn, nhiều nhà mất hết tài sản, nhà cửa sau bão nên gặp khó khăn về kinh tế; khối lượng đất đá cần múc, hót dọn còn nhiều nên việc hạ độ dốc, xử lý sạt lở ta luy sau bão số 3 ở thành phố Yên Bái vẫn còn nhiều gian nan.
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng (thành viên Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, không chỉ riêng Yên Bái mà các tỉnh thành khác bị ảnh hưởng cơn bão số 3 cần phải nhanh chóng, khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ một cách nhanh, gọn, hiệu quả nhất có thể để sớm ổn định đời sống của người dân, tập trung lao động sản xuất, kiến thiết kinh tế.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, thực tế công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các địa phương có địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Tuy nhiên, với tinh thần chỉ đạo thống nhất của Chính phủ về công tác khắc phục sau bão lũ, các địa phương cần công khai rõ kế hoạch, tiến độ và hiệu quả trong công tác này, nhất là đánh giá đúng về những vấn đề khó khăn, vướng mắc nhằm sớm tháo gỡ, tránh tình trạng giấu diếm, buông lỏng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Mưa lớn trải rộng miền Trung, cảnh báo sạt lở:
Thiên Tuấn