Mới đây (11/7), Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Trước đó, tháng 10/2018, bà Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương) đã bán 1,68 triệu cổ phiếu DQC của Điện Quang để "phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân". Lượng cổ phiếu bà Thoa bán ra ước tính trị giá gần 50 tỷ đồng.
Thu gần 50 tỷ nhờ bán cổ phiếu, trong khi sai phạm của bà Thoa có liên quan tới công ty Điện Quang, vậy số tiền bán cổ phiếu của bà Kim Thoa có bị tịch thu, nộp lại nhà nước?
|
Bà Hồ Thị Kim Thoa |
Trao đổi với PV, luật sư Đỗ Thị Hằng – Luật sư Cao cấp Công ty Luật TNHH ANT (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Theo Điều 219 Bộ luật Hình sự thì khả năng bà Thoa sẽ chịu hình phạt về tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản theo Khoản 4 Điều 219 Bộ Luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí có quy định “Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Điều 45 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tịch thu tài sản như sau: "Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước. Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định. Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống".
Trường hợp bà Kim Thoa thu hàng chục tỷ nhờ việc bán cổ phiếu, theo khung tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trong của tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí thì khả năng bà Kim Thoa sẽ chịu hình phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ số tiền thu lợi nêu trên do tội phạm này.
Tùy vào các giai đoạn tố tụng và tính chất nghiêm trọng của vụ án, cơ quan chức năng sẽ quyết định việc phong tỏa tài sản của bà Kim Thoa tại thời điểm nào để đảm bảo việc thi hành án sau này.
Ngày 28/7/2017, bà Hồ Thị Kim Thoa có đơn xin nghỉ việc vì "lý do cá nhân".
Ngày 29/8/2017, bà Hồ Thị Kim Thoa nghỉ hưu hưởng chế độ BHXH kể từ ngày 1/9/2017.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định các vi phạm, khuyết điểm của bà Thoa diễn ra trong thời gian bà giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (từ tháng 1/2004 đến 5/2010).
Cụ thể, bà Thoa vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật; không báo cáo Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) xử lý và xử lý không đúng số tiền lãi vay được ngân hàng cho miễn 6,7 tỷ đồng...
Bà Thoa còn mua cổ phần vượt mức quy định, chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Điện Quang không đúng quy định. Bên cạnh đó, trong thời gian dài, bà Thoa nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ.
Ngày 11/7, bà Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Ngày 13/7, Bộ Công an phát lệnh truy nã bà Kim Thoa. Được biết, sau khi nghỉ hưu, bà qua Pháp sinh sống.
>>> Xem thêm video: Khởi tố cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng:
Xuân Diệp