Khởi tố, bắt khẩn cấp cha dượng đánh gãy tay, chân bé 6 tuổi

Google News

(Kiến Thức) - Chỉ vì bé trai con riêng của “vợ hờ” mở tivi làm ảnh hưởng giấc ngủ, tên Sĩ đã đánh con dã man gãy tay, chân và nhiều thương tích trên cơ thể.

Ngày 11/11, chỉ huy công an quận Bình Tân, TP HCM xác nhận: Đội CSĐT tội phạm về TTXH công an quận đã bắt khẩn cấp, đồng thời thực hiện quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Tấn Sĩ (28 tuổi, quê tỉnh Bến Tre) về hành vi cố ý gây thương tích.
Đối tượng Nguyễn Tấn Sĩ vừa bị bắt khẩn cấp và công an quận Bình Tân đã thực hiện quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi cố ý gây thương tích. 
Cùng thời gian này, cháu Trần Văn Minh Hiếu (6 tuổi, con của chị Trần Ngọc Liên, 39 tuổi) vẫn đang điều trị tại Khoa ngoại, chấn thương chỉnh hình bệnh viện Chợ Rẫy.
Cháu Hiếu là nạn nhân bị đối tượng Sĩ (chồng hờ của chị Liên) đánh dã man vào tối 4/11 gây thương tích nghiêm trọng: Gãy xương 2 cánh tay trái và phải; gãy xương cẳng chân phải…chấn thương khắp cơ thể.
  Cháu Hiếu đang điều trị tại BV Chợ Rẫy với nhiều thương tích trên cơ thể do gã cha dượng tán ác đánh đập.
Tại CQĐT, Sĩ khai nhận khi đang ngủ, cháu Hiếu mở tivi gây ồn ào khiến y bực tức ngồi dậy cầm 2 tay cháu ném mạnh vào tường khiến cháy Hiếu khóc ngất vì đau đớn. Chưa dừng lại đó, Sĩ tiếp tục dùng khúc gỗ tròn đánh tới tấp khắp cơ thể con riêng của vợ.
Đang bán hàng rong trên đường Tên Lửa, quận Bình Tân (gần phòng trọ), chị Liên bàng hoàng khi được người hàng xóm điện thoại báo tin con trai của mình bị cha dượng đánh dã man nên tất tả chạy về. Đến nơi, nhìn con nằm thất thểu dưới sàn nhà trong khi Sĩ thản nhiên ngồi hút thuốc dù đứa bé quằng quại trong đau đớn.
Ngay sau đó, chị Liên và những người hàng xóm nhanh chóng đưa con vào bệnh viện quận 6 cấp cứu. Sauk hi băng bó, sơ cứu, các bác sĩ tiếp tục chuyển cháu Hiếu vào BV Chợ Rẫy tiếp tục điều trị.

Theo điều 104 Bộ luật Hình sự, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. Còn phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Ở điều này cũng quy định một số trường hợp cố ý gây thương tích cụ thể mà dù tỷ lệ thương tật thấp hơn mức quy định cũng bị phạt nặng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền kiêm Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho biết: “Tôi thấy rằng việc bạo hành trẻ em ở nước ta đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Thực sự các quy định pháp luật của nước ta đã có những chế tài rõ ràng. Chúng ta có Luật Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em, Luật Phòng chống bạo hành trong gia đình. Chúng ta còn có cả một Bộ luật Hình sự và thường xuyên sửa đổi bổ sung vào năm 1999 và 2009. Tới đây chúng ta cũng sẽ tiếp tục sửa đổi luật này cũng như luật Bảo vệ - Chăm sóc Trẻ em. Hiện nay chúng ta đã tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Bảo vệ trẻ em. Với việc Hiến pháp 2013 vừa thông qua thì tiếp theo chúng ta sẽ sửa khoảng 100 luật, pháp luật (trong đó có Bộ luật Hình sự). Tôi kiến nghị Quốc hội nên xem xét sửa đổi, bổ sung các tội danh về bạo hành trẻ em. Hơn nữa, Luật Bảo vệ - Chăm sóc Trẻ em hiện còn nhiều bất cập nên tôi cũng kiến nghị là phải sửa theo hướng đưa ra những chế tài thật nghiêm khắc về các hành vi này”.
Vũ Sơn