Khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1

Google News

Sáng 17/6,  tại tỉnh An Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1.

Phát biểu tại Lễ khởi công tại điểm cầu chính An Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong thời gian rất ngắn, An Giang và 3 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng cùng các Bộ, ngành, các đơn vị liên quan đã nỗ lực rất lớn để khởi công đồng loạt 4 dự án thành phần, mục tiêu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ toàn tuyến cao tốc trong năm 2026.
Khoi cong cao toc Chau Doc - Can Tho – Soc Trang giai doan 1
Thủ tướng bấm nút khởi công Dự án tại đầu cầu An Giang.
“Tôi đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các địa phương, của Bộ GTVT; Biểu dương chính quyền và nhân dân 4 tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện dự án”, Thủ tướng nói.
Để công trình được hoàn thành đảm bảo an toàn, chất lượng và đáp ứng tiến độ, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị thực hiện dự án phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất; Huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công; Tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản nhà nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan của Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố cùng phối hợp với Bộ GTVT, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để dự án thi công đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
UBND tỉnh An Giang và các tỉnh có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng cần ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho Dự án; Cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các nhà thầu thi công dự án một cách nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo việc bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới bằng và tốt hơn nơi cũ. Bà con nhân dân có đất phải thu hồi phục vụ dự án ủng hộ chủ trương lớn của Nhà nước, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công dự án.
Khoi cong cao toc Chau Doc - Can Tho – Soc Trang giai doan 1-Hinh-2
 Tại các đầu cầu, các đại biểu, khách mời cùng bấm nút khởi công dự án. (Hình ảnh bấm nút khởi công tại đầu cầu Cần Thơ.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này rất cấp thiết. Dự án đóng vai trò liên kết vùng, mở rộng không gian, tạo thế và động lực mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Trường khẳng định Cần Thơ luôn nhận thức việc tổ chức triển khai thực hiện dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thành phố và các địa phương có liên quan thường xuyên phối hợp, hỗ trợ để công trình triển khai thuận lợi.
“Chủ đầu tư, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát, các đơn vị phải tập trung mọi nguồn lực để tổ chức triển khai thi công, hoàn thành công trình theo tiến độ yêu cầu, đảm bảo chất lượng và mỹ quan nhằm đưa công trình khai thác đúng mục tiêu đề ra”, ông Trường nhấn mạnh.
Tại đầu cầu Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng có bài phát biểu về ý nghĩa và việc triển khai dự án đi qua địa bàn tỉnh.
Ông Lâu cho biết, đây là công trình trọng điểm quốc gia, là sự kiện lớn không chỉ của riêng của tỉnh, của ngành GTVT mà còn là sự kiện lớn của các địa phương có dự án đi qua. Dự án sẽ tạo động lực và không gian phát triển vùng ĐBSCL với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị Ban Quản lý dự án 2 quan tâm đôn đốc đơn vị thi công, tập trung nhân công, thiết bị, vật tư để triển khai công trình đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra nhằm đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân. 
Khoi cong cao toc Chau Doc - Can Tho – Soc Trang giai doan 1-Hinh-3
Hình ảnh tại đầu cầu Hậu Giang.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho hay: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là dự án thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, mang tính chất liên vùng, có tác động lớn đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.
Đây là lần đầu tiên, tỉnh An Giang được giao thực hiện dự án có quy mô đầu tư lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao và thời gian triển khai cấp bách.
Triển khai dự án, tỉnh An Giang đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban, để chỉ đạo triển khai thực hiện dự án.
Đặc biệt về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đến ngày 16/6/2023, công tác giải ngân đã thực hiện đối với 1.020/1530 hộ với diện tích khoảng 315/391 ha, đạt tỷ lệ gần 81%.
Quán triệt nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh An Giang cũng đã thống nhất hỗ trợ, bố trí hai khu vực cung cấp cát sông san lấp để Cần Thơ và Hậu Giang tổ chức khai thác, nạo vét thu hồi khoáng sản cát san lấp cung cấp cho dự án.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long kết nối khu vực với hệ thống đường cao tốc quốc gia có tổng mức đầu tư gần 44,7 nghìn tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng là một trong 6 tuyến cao tốc thay đổi Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển.
Dự án tuyến đường bộ cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo sức lan tỏa, động lực và dư địa để phát triển kinh tế - xã hội khu vực; phát huy hiệu quả khai thác các tuyến trục dọc, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng; từng bước hình thành trục kết nối, giao thương và phát triển kinh tế - xã hội giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mê Kông.
 >>> Mời độc giả xem thêm video 11.100 tỷ đồng xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái:

(Nguồn: Nhân Dân)

 
Thiên Tuấn