Động thái tố tụng này là khởi đầu cho tiến trình xem xét lại vụ VN Pharma một cách khách quan, toàn diện, đúng bản chất như dư luận xã hội từng mong đợi.
Còn nhớ ngay sau khi TAND TP.HCM tuyên án các bị cáo phạm tội buôn lậu (và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức) với mức án cao nhất là 12 năm tù, Pháp Luật TP.HCM đã có bài nhận định tòa xử tội này là sai luật. Bởi đối chiếu với quy định tại các khoản 22, 23, 24 Điều 2 Luật Dược 2005 thìlô hàng 9.300 hộp (có nhãn ghi là) thuốc H-Capita mà các bị cáo nhập về là thuốc giả. Và hành vi nhập lô hàng (gọi là thuốc) này để bán ra thị trường của các bị cáo đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh (Điều 157 BLHS 1999).
Công bằng mà nói, trong vụ án này hành vi của các bị cáo vẫn có dấu hiệu của tội buôn lậu. Tuy nhiên, TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự - ĐH Luật TP.HCM, đã lập luận rất thuyết phục rằng: Nếu hành vi phạm tội xâm hại nhiều khách thể thì phải lựa chọn khách thể nào thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội nhất để định tội; trong vụ án này, hành vi của các bị cáo xâm phạm chế độ quản lý nhà nước đối với thuốc chữa bệnh (khách thể của tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh), thể hiện bản chất nguy hiểm cho xã hội hơn là chế độ quản lý ngoại thương của Nhà nước (khách thể của tội buôn lậu); tính nguy hiểm đó được thể hiện ở chỗ tội buôn lậu có mức án cao nhất là chung thân nhưng tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh có mức án cao nhất là tử hình…
Thế nhưng đâu đó vẫn có lập luận rằng kết luận giám định của hội đồng giám định thuộc Bộ Y tế nói lô “thuốc” mà VN Pharma nhập về chỉ “kém chất lượng” chứ không phải là thuốc giả. Bằng chứng họ dẫn ra là kết luận nói trên ghi rõ lô thuốc này chứa 97% hoạt chất capecitabine (là hoạt chất để chữa bệnh ung thư). Lý lẽ này thoạt nghe cũng có lý nhưng thử đưa một ví dụ ta sẽ thấy nó không ổn chút nào.
Ai từng học hóa học cũng biết rượu mà ta uống (còn gọi là rượu etylic, ancol etylic hoặc etanol) có công thức hóa học là C2H5OH. Cồn hóa học cũng có công thức (cấu tạo) là C2H5OH. Vậy có thể nào lấy nước lã pha cồn để cho ra dung dịch chứa 97% etanol C2H5OH rồi bảo đó là rượu, mời anh nâng cốc được hay không?
Ngoài ra, nguyên văn kết luận giám định nói trên ghi vầy: “Lô thuốc H-Capita chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”. Trời ạ, cái thứ mà “không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người” mà lại bảo không phải là giả thì không biết nó thật ở chỗ nào, nó dùng để làm gì! Nên nhớ, thuốc giả khác xa thuốc kém chất lượng; thuốc kém chất lượng có thể xài được (tuy hiệu quả không cao) nhưng thuốc giả thì tuyệt đối không được sử dụng vì nếu sử dụng thì hậu quả rất khó lường!
Có lẽ vì vậy mà VKSND Cấp cao đã cho rằng kết quả giám định nói trên có mâu thuẫn, không phù hợp với quy định pháp luật và thực tế khách quan của vụ án VN Pharma. Viện này cho rằng: “Kết luận giám định nói thuốc không dùng được cho người nhưng các đối tượng này lại nhập về để chữa bệnh cho người; lẽ ra phải kết luận là thuốc giả nhưng lại kết luận là thuốc kém chất lượng”.
Mặc dù kháng nghị của VKSND Cấp cao cho rằng cần phải giám định lại nhưng tôi trộm nghĩ, may mắn làm sao trong kết luận này đã có cụm từ cốt tử “không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”. Nó đã bộc lộ gần như toàn bộ bản chất vấn đề để đập lại mọi luận điệu cho rằng đây không phải là thuốc giả, thậm chí (cái gọi là) thuốc này còn có thể sử dụng được vì nó chứa đến 97% hoạt chất chữa bệnh ung thư!
Hy vọng sau kháng nghị của VKSND Cấp cao, vụ án sẽ được làm sáng tỏ, kể cả mọi ngóc ngách của quy trình thẩm định hồ sơ nhập thuốc từ Cục Quản lý dược - Bộ Y tế và cả sự đen đúa, nhớp nháp của khoản chi hoa hồng 7,5 tỉ đồng.
Theo NGÔ THÁI BÌNH/Pháp luật TPHCM