Sau sự việc gần 30 hộ dân ở xã Thiệu Phú (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) có người ở xa về ăn tết được vận động cho chính quyền địa phương khóa cổng nhà để phòng dịch COVID-19 đang gây xôn xao dư luận thì mới đây tại xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, Thái Bình cũng xảy ra sự việc tương tự. Cụ thể, một gia đình ở thôn Cao Bạt Lụ (xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) bị cán bộ thôn khoá trái cửa, “nhốt” trong nhà nhiều ngày do về từ “vùng đỏ” ở Hải Phòng.
|
Cửa nhà bà S. bị khóa trái suốt 7 ngày nay dù kết quả test COVID-19 của hai cháu nhỏ từ vùng đỏ về đều âm tính.
|
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch Công ty Luật TAT Lawfrim) đánh giá, việc khóa cửa nhà dân rồi giữ chìa là sai, thể hiện sự “lúng túng, hoảng loạn” trong quá trình phòng, chống dịch COVID-19 ở địa phương.
Theo luật sư Tú, dù chính quyền xã khi muốn giữ an toàn, hạn chế điều kiện cho dịch bệnh phát sinh nhưng rõ ràng, biện pháp khóa cửa giữ chìa là “sáng tạo thái quá”. Việc này có dấu hiệu vi phạm các quyền về tự do cư trú và đi lại, kể cả khi được đồng ý.
Hiến pháp năm 2013 quy định, công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tự do đi lại, cư trú trong nước. Quyền của công dân chỉ có thể bị hạn chế theo “quy định của luật” trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, sức khỏe của cộng đồng…
Trên thực tế, cơ quan có thẩm quyền chỉ được phép hạn chế quyền của người dân bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự như bắt giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc xuất cảnh; tịch thu phương tiện, tài sản; phạt tiền…
Với nhà đất, ngay tòa án khi cần cũng chỉ có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, phong tỏa, cấm thay đổi hiện trạng hoặc mua bán… Như vậy, hoàn toàn không có quy định nào cho phép khóa cửa nhà dân.
|
Cán bộ thôn dán biển thông báo tại nhà người dân có người về từ "vùng đỏ" |
Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan, kể cả những điều khoản về tình trạng khẩn cấp, chiến tranh… cũng không cho phép làm như vậy.
Do đó, cả khi việc khóa cửa “được người dân chấp thuận”, chính quyền xã vẫn không được thực hiện. Nó vi phạm nguyên tắc “người dân được làm những gì pháp luật không cấm còn cơ quan nhà nước được làm những gì pháp luật cho phép”.
“Khóa cửa, giữ chìa” còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy hoặc nếu nhà dân có người cần cấp cứu sẽ khó khăn hơn.
Hành động này còn “không cần thiết” bởi người dân khi đã đồng thuận sẽ chấp hành ở trong nhà, không cần khóa cửa. Nếu người dân không đồng ý hoặc vờ đồng ý, có khóa hay không cũng ít tác dụng.
“Các địa phương nên thực hiện việc đón người về quê ăn Tết theo các quy định phòng chống dịch theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế với tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; không nên “sáng tạo thái quá”.
|
Luật sư Trương Anh Tú. |
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp dịch bệnh cho rằng, theo quy định của Bộ Y tế về việc cách ly và xét nghiệm nêu rõ, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ như sốt, ho, khó thở hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3. Thực tế vừa qua, Chính phủ, Bộ Y tế đã "thổi còi" một số địa phương đưa ra quy định không hợp lý về cách ly, xét nghiệm đối với người từ địa phương khác về. Các địa phương nên tạo điều kiện cho người dân, người lao động xa quê về quê đón Tết an toàn.
Trước đó, ngày 16/1, anh Nguyễn Xuân B. (38 tuổi, trú tại thôn Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng) phản ánh về việc bố mẹ và 2 con nhỏ của anh ở thôn Cao Bạt Lụ (xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) bị cán bộ thôn khoá trái cửa, “nhốt” trong nhà nhiều ngày do về từ “vùng đỏ”.
Theo anh B, chiều 9/1, do Hải Phòng công bố cấp độ dịch thuộc vùng đỏ, 2 con anh B. phải chuyển sang học trực tuyến nên anh đưa 2 con (10 tuổi và 7 tuổi) về gửi nhà ông bà nội ở thôn Cao Bạt Lụ (xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) bằng xe riêng.
"Sau khi cho các cháu về nhà, mẹ tôi có chủ động đưa các cháu ra trạm y tế xã để khai báo y tế và làm test nhanh COVID-19, đều cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, cán bộ trạm y tế xã vẫn yêu cầu các con tôi phải cách ly y tế tại trạm. Mẹ tôi xin cho các cháu về cách ly tại nhà thì trưởng thôn khóa trái cửa và cầm chìa khóa. Bố mẹ tôi và hai cháu nhỏ bị "giam lỏng" trong nhà từ ngày 9/1 đến ngày 16/1, dù ông bà và các cháu không tiếp xúc với người bị COVID-19, không phải là F1 mà chỉ từ vùng đỏ về", anh B. bức xúc.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thành Khoa, Chủ tịch UBND xã Nam Cao cho biết, ngay sau khi nắm bắt sự việc, chiều qua, xã đã yêu cầu cán bộ thôn Cao Bạt Lụ khẩn trương mở cửa cho gia đình.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hình ảnh đường phố trong ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 17 của UBND thành phố:
Hải Ninh