Qua công tác nắm tình hình, lực lượng Cảnh sát kinh tế CATP Nam Định phát hiện nhiều trường hợp người dân sử dụng các loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ, thậm chí cả huân huy chương, giấy chứng nhận thương binh… giả, nhằm chiếm hưởng chế độ chính sách của Nhà nước.
|
Lực lượng chức năng kiểm đếm số tài liệu liên quan đến vụ án. |
Trên cơ sở xác lập chuyên án đấu tranh, trung tuần tháng 12/2016, tổ công tác CATP Nam Định đã kiểm tra đột xuất một người đàn ông đi xe máy BKS 18F9-4277 trên đường Trần Hưng Đạo, TP Nam Định. Người này mang theo 1 bằng tốt nghiệp cấp 3 có đóng dấu của Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định; 1 học bạ cấp 3 có đóng dấu của trường THPT Nguyễn Huệ; 5 bản photocopy công chứng bằng tốt nghiệp cấp 3 và 5 bản photocopy công chứng học bạ cấp 3 đóng dấu của UBND phường Cửa Nam, TP Nam Định. Tất cả tài liệu trên đều mang tên N.H.M (SN 1995), trú ở xã Nam Phong, TP Nam Định.
Danh tính người đàn ông được xác định là Phạm Văn Đậu (SN 1946), trú ở phường Lộc Hạ, TP Nam Định. Qua đấu tranh khai thác, Phạm Văn Đậu khai nhận toàn bộ số giấy tờ trên là giả, do ông ta làm theo “đặt hàng” làm giả giấy tờ của một người phụ nữ mới quen biết với tiền công 1,9 triệu đồng. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Phạm Văn Đậu, cơ quan chức năng thu giữ gần 2.500 con dấu giả các loại; 1.000 tem chống bằng giả của Bộ GD-ĐT; 10.000 phôi các loại như: phôi học bạ, phôi bằng đại học, cao đẳng, bằng tốt nghiệp THPT, THCS, Trung cấp chuyên nghiệp, chứng chỉ hành nghề…
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn thu giữ nhiều phương tiện làm giả con dấu và một số tài liệu vật chứng có liên quan đến vụ án. Theo Công an cơ sở, Phạm Văn Đậu có 1 tiền án cũng về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Cùng thời điểm bắt giữ Phạm Văn Đậu, một tổ công tác của Đội CSKT, CATP Nam Định đã bắt giữ 3 đối tượng về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức gồm: Trần Văn Trường (SN 1946); Đoàn Quốc Việt (SN 1955) và Nguyễn Văn Thông (SN 1951), đều trú tại tỉnh Nam Định.
Bước đầu, CQĐT thu giữ của 3 người này 1 Huân chương Chiến công hạng Ba và 1 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba đều mang tên T.V.C, trú tại xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản. Các giấy tờ này cũng đều bị làm giả.
Qua đấu tranh, Trần Văn Trường khai nhận chỉ làm giả con dấu và chữ ký của “Chủ tịch hội đồng Nhà nước”, sau đó đóng dấu vào 2 phôi Huân huy chương rồi bán cho Đoàn Quốc Việt với giá 2 triệu đồng. Tiếp đó, Việt dùng bút bi để điền nốt các thông tin trên 2 phôi Huân huy chương rồi bán cho Nguyễn Văn Thông với giá 3 triệu đồng. Vụ án đang được CQĐT CATP Nam Định tiếp tục điều tra mở rộng.
Theo Thúy Minh/ANTĐ