Hồi nhỏ, mẹ tôi cứ họp hành với học bồi dưỡng liên miên nên bố tôi vừa phải lo kinh doanh vừa phải lo toan chợ búa, bếp núc. Mỗi lần mẹ ngồi xuống mâm cơm, bố đều ca cẩm: "Chồng người đánh Bắc dẹp Đông, chồng em ngồi bếp giương cung bắn mèo" hoặc lầm bầm ghen bóng, ghen gió.
May là mẹ tôi chỉ cười hì hì cho qua chuyện. Bà nói với mấy đứa con: “Sau một ngày dài, hai người đều mệt mỏi, không nhường nhịn nhau thì dễ nổ ra "chiến tranh" lắm!
Tuy nhiên, không phải người đàn ông nào cũng may mắn lấy được một người “nhịn cơm sống” giỏi như mẹ tôi. Tinh thần phản kháng luôn cháy âm ỉ trong lòng người đàn bà. Và các đức lang quân thường nhận ra sự phản kháng của bà xã khi đã quá muộn, khi lòng yêu đã biến thành thù hận và chính họ bị… bạo hành.
Chuyện vợ đánh chồng không phải hiếm. Người chỉ bị nhiếc móc, bị cào cấu sơ sơ, bị ném rác thải vào người, bị đuổi ra khỏi nhà. Người bất hạnh hơn thì bị đánh đập, bị “hoạn”, thậm chí bị giết hại một cách dã man. Ai đó đã sai lầm khi viết: “Phụ nữ không nên đánh đàn ông vì chắc chắn bạn không đánh lại họ”. Đừng nghĩ rằng phụ nữ chân yếu tay mềm thì không có khả năng hành hạ đàn ông. Một khi họ đã “lên cơn”, không sức mạnh nào có thể ngăn nổi họ.
|
Ảnh minh họa. |
Phong trào nữ quyền phát triển rầm rộ một mặt tạo ra môi trường thuận lợi để phụ nữ khẳng định vai trò của mình trong mọi lĩnh vực, một mặt làm gia tăng số vụ bạo hành do phụ nữ là thủ phạm. Nhận thức sai lệch về nữ quyền khiến nhiều người lầm tưởng rằng nữ quyền cổ vũ cho tư tưởng “trọng nữ khinh nam”, “thù ghét đàn ông” hoặc nữ quyền là phải vượt lên trên đàn ông về mọi mặt, trong đó có sức khỏe và khả năng tấn công người khác.
Hiện nay, không khó để tìm kiếm thông tin về các Hiệp hội, Trung tâm tư vấn, hỗ trợ các trường hợp bạo hành gia đình đối với phụ nữ, trẻ em trên mạng. Nhưng kết quả lại hoàn toàn trái ngược khi tôi thử tìm kiếm một cơ sở nghiên cứu, hỗ trợ đối với các nạn nhân là nam giới.
Điều tương tự cũng xảy ra trong thực tế, những ông chồng bị vợ đánh chưa nhận được sự bảo vệ, quan tâm đúng mực của cộng đồng. Nhiều phụ nữ Việt đã thoát khỏi cuộc sống địa ngục sau rất nhiều nỗ lực tuyên truyền, tác động bằng nhiều cách, trong suốt nhiều năm ròng. Trong khi đó, những người đàn ông bị bạo hành lại không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào?!
Với một người chồng, vứt bỏ sĩ diện và tố cáo vợ mình là chuyện không hề dễ dàng. Nhưng ngay cả khi họ đã “khai báo” sự thật, tất cả mọi người đều không tin chứ đừng nói là bảo vệ hay đứng về phía họ (trừ phi được tận mắt chứng kiến).
“Thương thay số kiếp đàn ông!”, hành trình chống bạo hành đi vào ngõ cụt, những nạn nhân “râu quặp” chỉ biết ngậm ngùi cảm thán như vậy...
Theo Trương Chi/ Người Đưa Tin