Loạt livestream tố cáo các nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện của bà Nguyễn Phương Hằng thu hút sự quan tâm của nhiều người và làm nảy sinh nhiều câu hỏi về các vấn đề pháp lý. Đó là những vấn đề về tiêu chuẩn làm từ thiện, quyền và nghĩa vụ khi tham gia làm từ thiện, công khai sao kê tài khoản ngân hàng và hành xử trên không gian mạng...
Trao đổi với Zing, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) đã có những chia sẻ liên quan các vấn đề này.
Trách nhiệm của cá nhân khi làm từ thiện
- Pháp luật hiện hành quy định những tổ chức, cá nhân nào được phép làm từ thiện? Việc các cá nhân hoạt động từ thiện có đúng quy định hay không?
- Trước tiên, cần khẳng định dù tổ chức hay cá nhân thực hiện, việc từ thiện là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần đùm bọc, tương thân tương ái của người Việt Nam. Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số tổ chức có vai trò nhất định như Mặt trận tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ... được trực tiếp làm từ thiện. Việc phân chia phạm vi hoạt động được phân cấp, từ Trung ương tới địa phương.
Cá nhân không thuộc đối tượng điều chỉnh của nghị định này. Việc họ tự ý hoạt động từ thiện là không đúng, song cũng không trái pháp luật do đây không nằm trong những điều cá nhân bị cấm thực hiện.
- Khi trực tiếp nhận và chuyển tiền hỗ trợ người dân gặp khó khăn, các cá nhân làm từ thiện phải có trách nhiệm như thế nào?
|
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM. Ảnh: NVCC. |
- Cá nhân hoạt động từ thiện chưa có văn bản điều chỉnh cụ thể, song có thể nhìn nhận quan hệ giữa người ủng hộ và người làm từ thiện là mối quan hệ dân sự. Người ủng hộ ủy quyền, trao tài sản cho người làm từ thiện để thực hiện điều họ muốn làm.
Nghị định 64 quy định thời hạn để các tổ chức nhận và giao tiền, hàng cứu trợ tới người dân là 20 ngày. Đối với cá nhân, chưa có quy định nào yêu cầu rõ họ phải giao tiền, hàng tới người dân trong thời gian bao lâu. Tuy nhiên, họ vẫn có trách nhiệm giao hàng tới người dân sớm nhất và công khai, minh bạch thông tin này trên trang cá nhân hoặc các phương tiện thông tin đại chúng.
Trường hợp không giao hoặc giao quá chậm, làm mất đi ý nghĩa của phần quà thì người làm từ thiện đã không thực hiện đúng ý nguyện của bên ủng hộ. Những người ủng hộ có quyền đòi lại số tiền đã ủng hộ cùng hoa lợi, lợi tức là số tiền lãi phát sinh nếu phát hiện cá nhân làm từ thiện gửi tiết kiệm số tiền được ủng hộ.
- Vậy trong trường hợp nào, việc giữ tiền từ thiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Cơ quan điều tra có quyền vào cuộc dù không có đơn tố giác hay không?
- Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền gửi đơn tố giác tới cơ quan chức năng. Trường hợp có đơn tố giác, cần xem xét đơn đã gửi tới đúng đơn vị có thẩm quyền, đúng theo quy định của pháp luật chưa. Trường hợp đơn thư hợp lệ, cơ quan đó sẽ tiếp nhận, xác minh và phản hồi người gửi.
Tuy nhiên, trường hợp chưa có đơn thư, cơ quan điều tra vẫn có thể vào cuộc và yêu cầu khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ việc có hay không hành vi ăn chặn tiền từ thiện. Hai yếu tố tiên quyết cần làm rõ là động cơ và mục đích của hành vi giữ tiền từ thiện.
Nếu đủ căn cứ chứng minh họ lợi dụng lòng tin của người dân để kêu gọi từ thiện rồi không sử dụng hoặc sử dụng không hết số tiền, người đó sẽ bị xử lý về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nếu chủ ý chiếm đoạt tiền thông qua hoạt động từ thiện không có thật, người đó có thể bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
|
Danh hài Hoài Linh phải lên tiếng xin lỗi sau khi giao chậm số tiền từ thiện hơn 13 tỷ đồng cho đồng bào miền Trung. Ảnh cắt từ clip được nghệ sĩ Hoài Linh đăng hôm 5/6. |
Nghệ sĩ có buộc phải công khai sao kê?
- Trong trường hợp xảy ra lùm xùm hoặc tố cáo những bất minh về hoạt động từ thiện, các nghệ sĩ có buộc phải công khai sao kê tài khoản ngân hàng với công chúng hay không?
- Trước tiên, cần hiểu sao kê là gì và cần sao kê để làm gì? Sao kê là liệt kê lịch sử thanh toán của tài khoản ngân hàng. Hoạt động này giúp chứng minh sự minh bạch về pháp lý đối với dòng tiền ra, vào tài khoản của mỗi cá nhân.
Về chủ thể, chủ tài khoản là người có quyền trực tiếp yêu cầu thực hiện sao kê. Khi cơ quan điều tra yêu cầu, chủ tài khoản sẽ phải cung cấp chi tiết những tài liệu này nhằm phục vụ quá trình điều tra.
Dưới góc độ pháp lý, việc sao kê không nhất thiết phải có sự tham gia của các bên như luật sư, kiểm toán hay công chứng. Chủ tài khoản cũng không có nghĩa vụ phải công khai tài liệu này với người dân.
Tuy nhiên, dưới góc độ xã hội, cần nhìn nhận yếu tố nào đã khiến dư luận sục sôi thời gian qua. Đó là sự thiếu minh bạch, mập mờ trong hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ. Khi họ nhận tiền đồng nghĩa với việc phải hoàn thành đúng nghĩa vụ và công khai kết quả với công chúng.
Từ tố cáo của bà Phương Hằng, có thể thấy sự minh bạch trong hoạt động này có vấn đề. Dòng tiền được đổ thẳng vào tài khoản đó, nếu họ công khai rõ ràng, cụ thể và được giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng, liệu có ai thắc mắc về tính minh bạch của những hoạt động này? Nếu rõ ràng, minh bạch, liệu dư luận có dậy sóng?
Bởi vậy, pháp luật hiện hành không bắt buộc nhưng các nghệ sĩ nên công khai số tiền để thể hiện sự minh bạch trước công chúng.
|
Thủy Tiên cùng nhiều nghệ sĩ vướng vào lùm xùm liên quan tới tiền từ thiện. Ảnh: FBNV. |
- Trường hợp bị đánh cắp thông tin sao kê, chủ tài khoản cần làm gì?
- Cơ quan điều tra, chủ tài khoản và nhân viên ngân hàng được giao nhiệm vụ là những tổ chức, cá nhân được tiếp cận sao kê tài khoản. Bất cứ cá nhân nào khác tiếp cận thông tin này đều vi phạm pháp luật.
Khi phát hiện bị đánh cắp thông tin, chủ tài khoản có quyền truy trách nhiệm của ngân hàng về những lỗ hổng bảo mật và nguyên nhân tại sao những thông tin đó bị rò rỉ ra ngoài. Bên cạnh đó, họ cần phối hợp với ngân hàng và cơ quan công an để xác minh làm rõ, đồng thời đảm bảo bí mật an toàn thông tin cá nhân.
- Nếu việc tố cáo việc nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện là sai sự thật, cá nhân liên quan sẽ bị xử lý ra sao?
- Chuyện họ đấu tố nhau trên mạng xã hội có thể hiểu đơn thuần là việc chia sẻ cảm xúc, thông tin thường mang tính cá nhân. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng cũng sẽ xác minh thông tin những cá nhân đưa lên mạng xã hội.
Trường hợp tố cáo sai sự thật, họ có thể bị xử phạt hành chính về hành vi đưa thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân lên mạng xã hội theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống hoặc Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân
Ngoài ra, cần xem xét thêm những lời thách đố của các cá nhân về việc sẽ mất một số tiền nhất định nếu bên kia chịu công khai sao kê và chứng minh mình trong sạch. Nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ, những cá nhân này có thể bị xử lý về hành vi đánh bạc.
Theo Hoàng Linh/Zing