Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với bà Châu Thị Mỹ Linh, SN 1970, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước; Bùi Hữu Giang, SN 1989, trú tại tỉnh Quảng Ninh; Bùi Hữu Thanh, SN 1989, trú tại tỉnh Quảng Ninh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và 9 đối tượng khác.
Các đối tượng bị khởi tố, bắt giam do có sai phạm trong vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại Công ty CP Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các đơn vị có liên quan.
|
Khai trường Mỏ than Minh Tiến (Công ty CP Yên Phước). Ảnh: Báo Thái Nguyên.
|
Kết quả điều tra cho thấy, Châu Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước đã câu kết, bàn bạc với Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang là người điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương tổ chức thực hiện khai thác, mua bán hàng triệu tấn than trái phép tại mỏ than Minh Tiến ở xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Đáng chú ý, trước khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra vụ án trên, Công ty cổ phần Yên Phước đã nhiều lần bị bị UBND tỉnh Thái Nguyên xử phạt do vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản than tại Mỏ than Minh Tiến, xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ.
Mới nhất, ngày 4/5/2020, UBND tỉnh Thái Nguyên có công văn 1572 giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tham mưu thành lập Đoàn kiểm tra (hoặc thanh tra) việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động tại mỏ than Minh Tiến của Công ty Cổ phần Yên Phước; kiến nghị xử lý các vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Sở Công Thương thành lập đoàn thanh tra liên ngành về việc chấp hành quy định trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than của Công ty Yên Phước. Đoàn thanh tra đã phát hiện ra 5 hành vi vi phạm của Công ty Cổ phần Yên Phước. Cụ thể, khai thác không đúng thông số về chiều cao tầng của hệ thống khai thác đã xác định trong thiết kế mỏ; tổng diện tích đã khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) đến dưới 0,1 ha; sử dụng 189.844 m2 đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm c, điểm d Khoản 1 Điều 57 của Luật Đất đai; không thu gom chất thải nguy hại theo quy định; để chất thải nguy hại ngoài trời gây ô nhiễm môi trường xung quanh; hộ chiếu nổ mìn lập không đầy đủ nội dung.
Xét các vi phạm trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Yên Phước: Phạt tiền 375.000.000 đồng và yêu cầu Công ty Cổ phần Yên Phước thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả; buộc phải khai thác đúng các thông số của hệ thống khai thác trong thiết kế mỏ; buộc cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn. Đồng thời buộc nộp lại số tiền hơn 123 triệu đồng thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Trước đó, tháng 1/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 321 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Yên Phước với số tiền 200.000.000 đồng, đồng thời buộc Công ty khắc phục những hành vi vi phạm. Công ty này khi đó bị xử phạt do không kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất khi phát hiện sự cố môi trường; không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định; khai thác khoáng sản không có Giám đốc điều hành mỏ với trường hợp khai thác khoáng sản bằng phương pháp lộ thiên.
Cuối năm 2019, UBND xã Na Mao tiếp tục có phản ánh về việc xuất hiện có nhiều vết nứt đất, sạt trượt khu vực sát chân bãi đổ thải của Công ty Cổ phần Yên Phước. UBND huyện Đại Từ đã tổ chức kiểm tra và báo cáo UBND tỉnh về việc phát hiện tình trạng nứt đất, sạt trượt đất tại khu vực xóm Ao Soi, xã Na Mao, huyện Đại Từ phía dưới chân bãi đổ thải Mỏ than Minh Tiến - Na Mao.
Sau khi xem xét báo cáo của UBND huyện Đại Từ, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo UBND huyện Đại Từ chủ động phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá, xác định nguyên nhân của việc nứt đất, sạt trượt đất tại khu vực xóm Ao Soi, xã Na Mao, huyện Đại Từ và đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn cho cuộc sống sinh hoạt của nhân dân trong khu vực.
Trong 3 năm, từ 2019 đến năm 2021, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành 5 đợt kiểm tra đối với hoạt động khai khoáng và những dấu hiệu vi phạm của Công ty Cổ phần Yên Phước.
Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh từng nhiều lần vào cuộc kiểm tra, thanh tra, thậm chí có cả đoàn giám sát của HĐND tỉnh vào cuộc nhưng phía doanh nghiệp bất hợp tác, ngăn cản không cho đoàn kiểm tra tiếp cận hiện trường. Thậm chí, các đối tượng tại mỏ từng lập nhiều chốt chặn ở các lối ra vào để ngăn cản cơ quan chức năng của tỉnh.
|
Các bị can trong vụ án. |
Công ty CP Yên Phước được cấp giấy phép số 1091/GP-UBND ngày 2/06/2014, thời hạn khai thác đến ngày 28/6/2031, trữ lượng khai thác 136.256 tấn, công suất khai thác 8.500 tấn/năm. Phương thức khai thác của doanh nghiệp là hầm lò với diện tích khu vực khai thác 59ha, thuộc địa phận xã Minh Tiến và Na Mao (huyện Đại Từ, Thái Nguyên).
Kết quả điều tra cho thấy, năm 2019, Châu Thị Mỹ Linh và Hà Anh Tuấn (đại diện Công ty Đông Bắc Hải Dương), ký hợp đồng để cho Công ty Đông Bắc được khai thác, chế biến than tại mỏ than Minh Tiến; Giá thành khai thác 1 tấn than thành phẩm là 450.000 đồng; Khối lượng khai thác ít nhất 400.000 tấn/năm; Hiệu lực hợp đồng là 5 năm, kể từ ngày ký kết.
Công ty Yên Phước bán tất cả các sản phẩm than và đá đen kẹp than sau khai thác cho Công ty Đông Bắc Hải Dương, không được bán cho bất cứ đơn vị thương mại nào khác, giá bán cụ thể xác định theo từng loại than và thay đổi theo thị trường. Thực tế, khi thực hiện 2 hợp đồng trên là Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang thực hiện việc khai thác, chế biến, tiêu thụ than và trả tiền cho Châu Thị Mỹ Linh.
Ngay từ khi thỏa thuận và ký hợp đồng, bị can Châu Thị Mỹ Linh đã để Công ty Đông Bắc Hải Dương vào khai thác gấp 47 lần công suất hàng năm (8.500 tấn), vượt cả sản lượng mỏ được cấp phép (136.000 tấn).
Từ tháng 3/2019 đến tháng 8/2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương trực tiếp thực hiện việc khai thác dưới sự chỉ định và giám sát của nhân viên Công ty Yên Phước với sản lượng khai thác khoảng hơn 2 triệu tấn than nguyên khai. Bình quân hàng năm, lượng than công ty này khai thác lậu gấp hơn 120 lần số lượng được phép khai thác.
Đáng chú ý, việc khai thác than lậu diễn ra trong thời gian dài nhưng không bị cơ quan chức năng địa phương phát hiện kịp thời. Để qua mắt các cơ quan quản lý nhà nước, các bị can trong đường dây này đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi vừa tránh bị phát hiện, vừa trốn thuế, phí hàng chục tỷ đồng.
Hàng triệu tấn than khai thác vượt giấy phép được bị can Linh cùng Giang và Thanh tổ chức tiêu thụ trái phép, nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên môi trường, phí bảo vệ môi trường. Kết quả điều tra ban đầu xác định, công ty của Linh đã bán cho công ty của Giang và Thanh hơn 1 triệu tấn than được khai thác lậu, thu về số tiền hơn 121 tỷ đồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Phát hiện hàng chục nghìn tấn than không rõ nguồn gốc:
Hải Ninh