Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm UBND xã Tân Phúc, cũng như các cấp chính quyền tại Hưng Yên?
Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp với các đơn vị bắt quả tang vụ khai thác đất trái phép tại cánh đồng thôn Ninh Đạo (xã Tân Phúc, huyện n Thi, Hưng Yên).
Khoảng 0h10 rạng sáng 10/2, tại khu vực cánh đồng thuộc địa phận thôn Ninh Đạo, xã Tân Phúc, lực lượng cảnh sát đã phát hiện, bắt quả tang máy xúc do Phùng Đắc Duy (SN 1983, trú tại phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, Hải Dương) điều khiển đang xúc đất lên ô tô BKS 34H-02086 do Hoàng Công Việt (SN 1993, cũng có hộ khẩu thường trú như trên) với khối lượng khoảng 3m3 đất.
|
Tình trạng khai thác đất trái phép tại xã Tân Phúc diễn ra trong suốt thời gian qua. |
Thời điểm phát hiện, bắt giữ, do trời tối, đường trơn trượt, quá trình tiếp cận gặp khó khăn, Việt đã hạ ben đổ đất xuống đường và di chuyển xe ra vị trí cách đó khoảng 50m. Tại hiện trường, lực lượng Công an còn phát hiện 5 xe ô tô khác đang chờ để chở đất. Tất cả đều không xuất trình được giấy tờ liên quan đến việc khai thác đất.
Xác minh mở rộng, cơ quan công an xác định lượng đất khai thác tại khu đất trên đã được vận chuyển, xúc lên tài thủy số hiệu VP-1421 do Nguyễn Văn Hùng (SN 1968, trú tại xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) điều khiển, đang neo đậu tại bến thủy nội địa của Công ty TNHH TM&DV Vi Thành tại xã Thọ Vinh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Kiểm tra trong khoang tàu đang có khoảng 200m3 đất ghi xám.
Khai thác đất trái phép suốt thời gian dài
Theo tìm hiểu của PV, trước thời điểm Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hưng Yên phát hiện vụ việc trên, việc khai thác đất trái phép tại đây đã diễn ra trong nhiều tháng.
Khu đất diễn ra tình trạng khai thác đất trái phép của 7 hộ gia đình đều là người nhà của ông Trần Huy Hưng (SN 1976, trú tại thôn Ninh Đạo, xã Tân Phúc, huyệnn Thi) được cấp có thẩm quyền đồng ý cho chuyển đổi vào năm 2015. Đến năm 2022, hộ ông Hưng đã đắp đường, đổ phế thải xây dựng từ bờ ra giữa ao, làm lối đi cho xe ô tô tải vào để múc đất sét, ghi xám, vận chuyển đi nơi khác.
Ngày 19/9/2022, UBND xã Tân Phúc đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Hưng về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không đúng quy định. Đồng thời yêu cầu ông Hưng chấm dứt ngay hành vi vi phạm, san lấp trả lại đất, khôi phục tình trạng ban đầu. Ngày 26/9/2022, UBND xã Tân Phúc ban hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai với ông Trần Huy Hưng với số tiền 3 triệu đồng do sử dụng đất không đúng mục đích và tiếp tục yêu cầu san lấp trả lại tình trạng ban đầu.
|
Xe tải phục vụ hoạt động khai thác đất trái phép. |
Tuy nhiên, tình trạng khai thác trái phép đất tại vị trí này tiếp tục diễn ra trong khi chính quyền địa phương không kịp thời, quyết liệt ngăn chặn, không phát hiện được quả tang hành vi vi phạm cho thấy sự buông lỏng trong quản lý đất đai, khoáng sản của UBND xã Tân Phúc dẫn đến những vi phạm ngày càng lớn hơn. Thậm chí đối tượng vi phạm còn ngang nhiên, thách thức pháp luật khi huy động nhiều xe trọng tải lớn đến đến múc, chở đất xuống tàu vận chuyển đi nơi khác để bán.
Để xảy ra tình trạng vi phạm trên, rõ ràng trách nhiệm trong quản lý đầu tiên thuộc về UBND xã Tân Phúc khi không cương quyết xử lý. Ngày 14/2, PV đã nhiều lần liên hệ với ông Đào Văn Vạn - Chủ tịch UBND xã Tân Phúc nhưng người này không bắt máy.
Trách nhiệm UBND xã Tân Phúc?
Trao đổi với PV, Luật sư Hoàng Tùng- Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, đất ghi xám, đất sét là một loại khoáng sản. Trong quá trình sử dụng, người sử dụng đất phải có trách nhiệm bảo vệ phần đất đó, không được tự ý khai thác trái phép. Khi khai thác tài nguyên đất phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản, cũng như giấy phép khai thác khoáng sản trong những trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép khai thác.
Việc các đối tượng khai thác đất khi chưa có giấy phép đã vi phạm khoản 1, Điều 47, Nghị định 36/2020/NĐ-CP có thể bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm đến dưới 10m3.
Ngoài ra, theo Điều 51 Luật Khoáng sản năm 2010, các đối tượng này không phải là chủ thể được khai thác khoáng sản. Nếu hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường mà không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản, tùy từng hành vi và mức độ sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 41 Nghị định 33/2017/NĐ-CP. Vi phạm về khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh bị phạt từ 200 - 300 triệu đồng. Đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT thì bị phạt từ 300 - 500 triệu đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.
Trong vụ việc trên, để xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép, trước hết chính quyền địa phương tại Hưng Yên từ cấp xã, ở đây trực tiếp là UBND xã Tân Phúc đến cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm do buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản tại địa phương.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khai thác khoáng sản 'bỏ quên' lợi ích người dân
Tâm Đức