Lễ hội diễn ra trong 5 ngày (từ 10/2 - 14/2/2025 (tức ngày 13 - 17 tháng Giêng) với quy mô cấp tỉnh. Đây là năm thứ 3, lễ hội đền Trần được tổ chức quy mô cấp tỉnh với đầy đủ các nghi thức, tế lễ cổ truyền.
Lễ hội nhằm tiếp tục khẳng định giá trị di sản văn hoá nhà Trần ở Thái Bình; thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống để phát triển du lịch văn hóa tâm linh.
![Khai mạc lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2025 Khai mac le hoi den Tran Thai Binh nam 2025](https://images.kienthuc.net.vn/zoom/800/uploaded/haininh/2025_02_11/khai-mac-le-hoi-den-tran-thai-binh-nam-2025.jpg) |
Ông Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khởi trống khai hội. (Ảnh: T.Đạt)
|
Phát biểu khai mạc lễ hội, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Lễ hội năm nay diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình ra sức phấn đấu, đoàn kết, nỗ lực cao nhất, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng trưởng từ 10,5% trở lên; thực hiện tinh gọn bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Thái Bình tự tin, khát vọng, bứt phá vươn mình cùng kỷ nguyên mới của dân tộc.
Năm 2025 cũng là năm kỷ niệm 800 năm ngày nhà Trần phát nghiệp đế vương, lễ hội đền Trần tiếp tục khẳng định và phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần trên quê hương Thái Bình, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Điểm sáng văn hóa của lễ hội đền thờ các vua Trần tại Thái Bình là nhiều lễ thức mang đậm tính nhân văn, những trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống có nguồn gốc từ thời Trần cùng nhiều mỹ tục khác đã được duy trì, giữ gìn và thực hành nghiêm cẩn.
![Khai mạc lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2025 - Hình 2 Khai mac le hoi den Tran Thai Binh nam 2025-Hinh-2](https://images.kienthuc.net.vn/zoom/800/uploaded/haininh/2025_02_11/khai-mac-le-hoi-den-tran-thai-binh-nam-2025-hinh-2.jpg) |
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu khai mạc lễ hội. (Ảnh: T.Đạt)
|
Từ năm 2014, lễ hội đền Trần Thái Bình đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt. Tự hào là quê hương phát tích, khởi nghiệp, dựng nghiệp và hưng nghiệp của nhà Trần, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình đã chú trọng triển khai nhiều hoạt động thiết thực để không ngừng tôn vinh những giá trị đặc biệt các di sản văn hóa thời Trần trên miền đất Long Hưng - Hưng Hà.
Thông qua lễ hội tạo không khí vui tươi, phấn khởi dịp đầu xuân; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua học tập, công tác, lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Lễ hội đền Trần góp phần tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các thế hệ và ý thức trách nhiệm của mọi người dân trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa truyền thống gắn với thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội; quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh.
![Khai mạc lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2025 - Hình 3 Khai mac le hoi den Tran Thai Binh nam 2025-Hinh-3](https://images.kienthuc.net.vn/zoom/800/uploaded/haininh/2025_02_11/khai-mac-le-hoi-den-tran-thai-binh-nam-2025-hinh-3.jpg) |
Nghi thức bái yết các vua Trần tại đền Vua. (Ảnh: T.Đạt) |
Đồng thời, thể hiện quyết tâm và khát vọng vươn lên để xây dựng huyện Hưng Hà phát triển nhanh, bền vững, trở thành cực tăng trưởng phía Tây Bắc của tỉnh, kết nối với tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; phát huy giá trị văn hóa, truyền thống để phát triển du lịch văn hóa tâm linh.
Tại lễ khai mạc, đông đảo nhân dân địa phương, du khách thập phương đã theo dõi chương trình nghệ thuật đặc sắc “Trần triều hiển hách”. Chương trình được mở đầu với màn trống hội “màn trống hội khai từ với chủ đề: Thái Bình - Vàng son muôn thuở Trần triều” và chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Rạng rỡ Thái Bình - Miền Thánh Mẫu - Đất Thánh mhân - Dấu thiêng Phật pháp”.
Điểm nhấn của chương trình là màn thể hiện bài hát ca ngợi công đức của vua Trần Nhân Tông; ca khúc dân gian đương đại về Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung... chương trình ca múa nhạc “Thái Bình vươn mình cùng kỷ nguyên mới của dân tộc” gồm các ca khúc về đất nước, Thái Bình và mùa xuân…
Lễ hội đền Trần diễn ra từ ngày 10-14/2 (tức ngày 13-17 tháng Giêng năm Ất Tỵ) theo quy mô cấp tỉnh, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: lễ bái yết và dâng hương, lễ rước nước, lễ khai ấn, các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian...Lễ khai ấn là một trong những hoạt động quan trọng nhất của lễ hội. Cùng với đó còn có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian như: thi cỗ cá, gói bánh chưng, pháo đất, têm trầu cánh phượng, kéo lửa nấu cơm, kéo co, cờ tướng, liên hoan hát văn...
Hải Ninh