Sáng nay 22/10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Nói về kỳ họp này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, so với các kỳ họp trước, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp tục có rất nhiều đổi mới, được kỳ vọng sẽ là một kỳ họp mang tính lịch sử khi Quốc hội cho ý kiến và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Ngay trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội nhân sự để bầu Chủ tịch nước.
Đây là lần đầu tiên, Tổng Bí thư được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân sự duy nhất được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Hiện, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ chức quyền Chủ tịch nước, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.
|
Kỳ họp thứ 6 - kỳ họp lịch sử với rất nhiều nội dung đặc biệt quan trọng được Quốc hội xem xét . |
Theo dự kiến, việc bầu và công bố kết quả kiểm phiếu diễn ra trong ngày 23/10. Tân Chủ tịch nước dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào chiều 23/10. Việc bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp sẽ giúp thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền.
Điểm nhấn quan trọng, tại kỳ họp lần này, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Từ chiều 24/10, Quốc hội sẽ tiến hành các bước để lấy phiếu tín nhiệm 48 người. Các lãnh đạo đảm nhiệm chức danh được lấy phiếu tín nhiệm gồm: Phó chủ tịch nước; Chủ tịch, 4 phó chủ tịch Quốc hội; 12 chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội; Tổng thư ký Quốc hội; Thủ tướng, 5 phó thủ tướng, 20 bộ trưởng; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao.
Riêng Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mới được Quốc hội bầu và phê chuẩn tại kỳ họp lần này nên chưa đủ thời gian để lấy phiếu tín nhiệm.
Đáng chú ý, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành trước phiên họp chất vấn. Tổng Thư ký Quốc hội - Nguyễn Hạnh Phúc lý giải rằng, hoạt động này sẽ được tiến hành trước phiên họp chất vấn để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm (vì Quốc hội chỉ xem xét chất vấn một số Bộ trưởng có nội dung trong Nghị quyết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 4).
“Lấy phiếu là đánh giá dựa vào cả một quá trình dài. Đánh giá của đại biểu căn cứ việc theo dõi từ đầu nhiệm kỳ, đại biểu sẽ hiểu ai làm tốt hay không tốt, rồi qua tiếp xúc cử tri, theo dõi qua hoạt động của từng đồng chí phụ trách để có chính kiến. Nếu chất vấn trước khi lấy phiếu, có nội dung nọ, nội dung kia, có cả nội dung không hoàn thành. Cũng có người trả lời tốt, có người trả lời không tốt, dẫn đến nhìn nhận không khách quan, không công bằng", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Điểm đáng chú ý tại kỳ họp thứ 6, lần đầu tiên Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, về tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn.
Trước đây, Quốc hội chỉ thực hiện đánh giá việc thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội theo giai đoạn 5 năm, tức 5 năm mới đánh giá 1 lần. Còn tại kỳ họp thứ 6 tới đây, dù Chính phủ mới chỉ có 3 năm để thực hiện Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020 nhưng Quốc hội vẫn yêu cầu báo cáo nhằm xem xét, tìm ra vướng mắc để giải quyết, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đề ra trong giai đoạn 2016-2020.
Một nội dung quan trọng được đánh giá là lịch sử tại kỳ họp thứ 6 khi Quốc hội tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Đây là Hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao của đất nước.
Bên cạnh đó, về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Cụ thể, các dự án luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 cũng có nhiều đổi mới dù vẫn tiếp tục thực hiện theo phương thức “hỏi nhanh, đáp gọn” như đã bắt đầu áp dụng tại kỳ họp trước.
Theo đó, Quốc hội sẽ đề nghị các ĐBQH không thảo luận về nội dung các báo cáo của Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao trình ra mà sẽ dành trọn vẹn thời gian 3 ngày để “hỏi và đáp” luôn. Việc đổi mới trên sẽ giúp có thêm thời gian để các ĐBQH chất vấn, chất vấn lại các công việc mà Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đã làm được, xem cái gì còn tồn tại chưa khắc phục được thì phải làm rõ nguyên nhân và hứa hẹn thời gian cụ thể.
Tại kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ủng hộ việc ứng dụng công nghệ thông tin. Bà đồng ý để các đại biểu khi đăng ký chất vấn sẽ có số thứ tự cụ thể để người điều hành, người đăng ký chất vấn được theo dõi một cách rõ ràng.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này, nếu có đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông thì Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ trả lời thay.
Trong 3 ngày, mỗi đại biểu Quốc hội chỉ nên thảo luận và nêu chất vấn trong thời gian không quá 5 phút. Người trả lời chất vấn không quá 3 phút đối với chất vấn của 1 đại biểu, việc giải trình ý kiến đại biểu nêu cần ngắn gọn, súc tích, bao quát các vấn đề.
Tại kỳ họp thứ 6 này, dự kiến sẽ có 15 phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi (chiếm khoảng 31,25% thời lượng của kỳ họp). Đây là kỳ họp có tỷ lệ số phiên họp được tường thuật trực tiếp nhiều nhất.
Hải Ninh