Sáng 5/9, thầy và trò Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) chính thức bước vào năm học mới 2024-2025 với buổi lễ khai giảng đầy trang trọng và cảm xúc.
Mở đầu buổi lễ, toàn thể thầy cô giáo và học sinh toàn trường đã cùng dâng hương để tưởng niệm về người anh hùng dân tộc Đinh Tiên Hoàng và đọc lời thề khuyến học thiêng liêng.
Phát biểu trong buổi khai trường, NGƯT.TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng khẳng định lại khẩu hiệu: “Dám thay đổi để phát triển”.
|
NGƯT. TS Nguyễn Tùng Lâm phát biểu khai mạc. |
NGƯT.TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết, trường Đinh Tiên Hoàng có truyền thống “dạy chữ - dạy người” 35 năm qua, đã có nhiều chương trình giáo dục hiện đại được nghiên cứu và vận dụng giúp cho nhiều thế hệ học sinh Đinh Tiên Hoàng có đủ phong cách sống “5 tự” và “Văn hóa phát triển bản thân” nên đã trưởng thành, làm chủ cuộc đời, thích ứng với nhiều biến động xã hội đã đáp ứng được những yêu cầu phát triển của xã hội, của đất nước.
Tuy nhiên, NGƯT.TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng thẳng thắn thừa nhận: Nhiều học sinh vẫn còn lối sống cũ, cách học cũ, không dám thay đổi bản thân. Học vẫn vì điểm, vì bằng cấp. Chưa biết “Tự học sáng tạo”, chưa thực hiện được yêu cầu của trường, phải biết: Thích học, có phương pháp học phù hợp với từng người, có thói quen học, có tiến bộ, có kết quả cao trong học tập.
Đặc biệt theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; “THPT phải là cấp học định hướng nghề nghiệp”, phải biết những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân mỗi người để lựa chọn nghề nghiệp đúng, tức là phải xác định đúng động cơ, mục đích sống và luôn có khát khao thay đổi mình để thực hiện bằng được ước mơ, hoài bão cao đẹp của mỗi người và có quyết tâm dấn thân, rèn luyện để có “Trí sáng, Tâm an, Thân khỏe”.
Luôn biết học hỏi hợp tác với mọi người, luôn gắn việc học với trải nghiệm cuộc sống để giúp mình có thêm kinh nghiệm tạo ra những giá trị mới của bản thân. Có thêm ý chí nghị lực để hôm nay tiến bộ hơn hôm qua và ngày mai phải phát triển tốt hơn hôm nay.
Không chỉ có học sinh phải thay đổi để phát triển, NGƯT.TS. Nguyễn Tùng Lâm mong mỗi thầy cô giáo ở Đinh Tiên Hoàng cũng dám thay đổi để mỗi người theo kịp với sự thay đổi, đổi mới giáo dục khi thực hiện chương trình giáo dục 2018; Luôn quan tâm chăm sóc đến từng học sinh trong lớp, tổ chức dẫn dắt để các em có thể tự khám phá các quy luật, các sự kiện đời sống xã hội cũng như các quy luật tự nhiên đang tồn tại xung quanh.
"Từ quan sát, trải nghiệm, suy luận, phản biện các trò tự hình thành những kiến thức nền tảng, trọng tâm mà chương trình sách giáo khoa đã nêu. Từ những vốn hiểu biết đó, trò sẽ có đủ năng lực để giải quyết những vấn đề xung quanh cuộc sống mỗi người, cũng như giải quyết được những bài tập thầy cô đưa ra. Nói vắn tắt chỉ có vậy, để giúp trò làm được như những điều chúng ta mong muốn, thầy cô phải biết tự tìm hiểu những chương trình, những phương pháp giáo dục mới, không chỉ ở những lớp bồi dưỡng mà trên mạng có đủ các loại kiến thức để thầy cô sưu tầm, giải đáp những điều mình muốn mang lại cho học trò. Điều đó đòi hỏi sự kiên trì, sự quyết tâm và thật sự muốn “Dám thay đổi để phát triển” cho bản thân của mỗi thầy cô và cho chính học sinh của mình", NGƯT.TS. Nguyễn Tùng Lâm nhắn nhủ.
|
Trường Đinh Tiên Hoàng trao quà tặng cho các học sinh. |
Với hoạt động của Hội cha mẹ học sinh các lớp, NGƯT.TS. Nguyễn Tùng Lâm mong muốn Hội chủ động phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để đồng hành hỗ trợ các thầy cô cùng con em của mình thay đổi để phát triển, hoàn thiện nhân cách, thu lượm kiến thức và sớm xác định được nghề mình định theo đuổi. Các bậc phụ huynh phải luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện để con em mình tham gia các chương trình ngoại khóa, chương trình trải nghiệm mà mỗi lớp học tổ chức, kịp thời khích kệ khi các con có thay đổi có đồng hành khi các con gặp trở ngại hay sao nhãng.
"Tất nhiên việc thay đổi của mỗi một người, của mỗi lớp học sinh của cả trường Đinh Tiên Hoàng không phải là việc làm dễ dàng. Nhưng tin rằng các trò, các thầy cô, các bậc phụ huynh cùng đồng lòng, quyết tâm cao và khi chúng ta dám dấn thân thì chắc chắn sẽ thành công", NGƯT.TS. Nguyễn Tùng Lâm nói và nhấn mạnh thêm: “Dám” ở đây nhằm thể hiện tính táo bạo, không ngại khó khăn nguy hiểm trước mọi trở ngại, thể hiện tinh thần quyết tâm cao, dấn thân cho những mục tiêu cao cả đã lựa chọn của mỗi người là điểm mấu chốt để chúng ta có thể thay đổi những thói quen, những suy nghĩ còn lạc hậu, trí tuệ, làm chậm bước phát triển của mỗi người.
Thiên Tuấn