Khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới, mưa lớn... dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Google News

Năm 2022, có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật…10 đến 12 cơn bão, ATNĐ. Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, khả năng sẽ xuất hiện ATNĐ trên Biển Đông.

Giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất về người và tài sản trong năm 2021
Sáng 25/4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2022. Hội nghị được kết nối tới 63 điểm cầu UBND tỉnh, thành phố và 701 điểm cầu quận, huyện trên cả nước với hơn 19.000 người dự.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban thường trực cho biết, năm 2021, mặc dù các quốc gia đã rất nỗ lực phòng, chống song thiên tai đã làm 16.000 người chết, mất tích, tổng thiệt về kinh tế trên 340 tỷ USD và tác động đến mọi mặt của đơi sống, kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia, khu vực.
Kha nang xuat hien ap thap nhiet doi, mua lon... dip nghi le 30/4-1/5
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai năm 2022 (Ảnh: VGP)
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp, đặc biệt là chính quyền cơ sở, công tác phòng, chống thiên tai đã đạt được nhiều kết quả, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất về người và tài sản trong năm 2021 (108 người chết, mất tích; thiệt hại vật chất 5.200 tỷ đồng). Đây là thiệt hại thấp nhất trong những năm gần đây.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thiên tai tuy không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2020, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, bất thường ngay trong những tháng đầu năm 2022 với mưa lũ lớn trái mùa kèm theo dông lốc trên diện rộng cuối tháng 3 đầu tháng 4 tại các tỉnh miền Trung; rét lịch sử cuối tháng 2 ở khu vực miền núi phía bắc; động đất gia tăng cả về cường độ và tần suất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum; bên cạnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến các hoạt động phòng chống thiên tai.
Hội nghị sẽ nhìn nhận, đánh giá lại tình hình thiên tai, kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới một cách cụ thể, sát thực và hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, môi trường sống, ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Năm 2022, có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Trưởng ban cho biết, những tháng đầu năm 2022, thiên tai tại nước ta đã cho thấy những diễn biến phức tạp, dị thường.
Điển hình như đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 19-24/2/2022 tại các tỉnh miền Bắc đã khiến nhiệt độ giảm sâu, có nơi nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 0 độ C như tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nhiệt độ xuống tới -1,4 độ C. Đây là đợt không khí lạnh mạnh nhất trong 40 năm so với cùng thời kỳ.
Đặc biệt là đợt mưa lũ lớn bất thường, trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn từ ngày 30/3-2/4 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa với tổng lượng mưa từ 200-600 mm, trong đó có nơi mưa đặc biệt lớn như tại Khe Tre (Thừa Thiên Huế) 835 mm (là đợt mưa là kỷ lục trong 60 năm so với cùng thời kỳ).
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan. Qua diễn biến thiên tai từ đầu năm đến nay, có thể thấy, thiên tai năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường.
Sự dị thường của thời tiết đã được thể hiện ngay trong đợt mưa lũ lớn trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa từ ngày 30/3-2/4 vừa qua. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính lên tới 2.400 tỷ đồng (gần bằng 1/2 thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2021).
Khả năng sẽ có áp thấp nhiệt đới, mưa lớn trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5
Ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) cho biết, từ ngày 26-27/4 có khả năng hình thành một dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực phía Nam của Biển Đông; dự báo khoảng ngày 29/4-1/5 trên dải hội tụ nhiệt đới này có khả năng hình thành các vùng xoáy thấp.
Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 sẽ xảy ra xoáy thuận nhiệt trên khu vực Nam Biển Đông có khả năng mạnh lên áp thấp nhiệt đới. Từ ngày 29/4-2/5 ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Từ ngày 29/4-3/5, các tỉnh Trung, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, có khả năng xuất hiện mưa, mưa rào và dông.
“Trong dịp nghỉ lễ 30/4-2/4, có khả năng xuất hiện nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm: Mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ; trên biển có khả năng xuất hiện ATNĐ/Bão với xác suất 40-60%”, ông Trần Hồng Thái nói.
Tiếp tục dự báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, từ ngày 24-27/4 ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ và từ ngày 25-27/4 ở khu vực phía Tây Bắc Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; riêng vùng núi phía Tây của Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ C, có nơi trên 39 độ C. Độ ẩm trung bình ngày thấp nhất từ 45-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 12-17h.
Từ ngày 25-26/4, ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Độ ẩm trung bình ngày thấp nhất từ 50-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 13-16h.
Khu vực Hà Nội: Từ ngày 25-26/4, có khả năng xảy ra nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 35-36 độ C. Độ ẩm trung bình ngày thấp nhất ngày từ 50-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 13-16h.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thành phố băng sau bão tuyết tại Nga:

(Nguồn: THĐT).


Hải Ninh